Giải pháp mặt dựng bền vững cho công trình xanh

14:53 06/09/2024
Ngày 06/9 tại TP.HCM, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo “Giải pháp mặt dựng bền vững cho công trình xanh”. Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) chủ trì Hội thảo.
Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng) phát biểu khai mạc Hội thảo.

Giải pháp giảm nhiệt hấp thụ từ bên ngoài

Tham dự Hội thảo có đại diện Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), các doanh nghiệp, nhà quản lý, kiến trúc sư... khu vực phía Nam. Nhiều vấn đề về phát triển công trình xanh (CTX) tại Việt Nam, những giải pháp, kinh nghiệm được bàn luận sôi nổi.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT cho biết, các Bộ, ngành, địa phương cũng như các doanh nghiệp, chủ đầu tư… đã tham gia tích cực vào Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là VGBC đã tham gia rất tích cực từ nhiều năm nay.

Chính sách của Nhà nước cũng có những thay đổi quan trọng, như Luật Nhà ở 2023 có phân hạng nhà chung cư làm 3 cấp 1, 2 và 3 trong đó có tiêu chí về tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, xử lý nước thải; trong phân loại đô thị cũng có tiêu chí về CTX để chấm điểm, 1 CTX được chấm 0,75 điểm. Trên thực tế, TP.HCM có Tập đoàn Nam Long đã xây dựng chung cư đạt tiêu chuẩn EDGE mà suất đầu tư không cao.

Ông Nguyễn Công Thịnh mong rằng, Hội thảo sẽ có nhiều trao đổi, góp ý, đề xuất để ngày càng có thêm nhiều CTX cũng như các hoạt động thúc đẩy cho CTX phát triển.

Ông Tim Middleton - Giám đốc thiết kế môi trường bền vững Worklonge - 03 trình bày chủ đề Net zero và thiết kế thụ động.

Với chủ đề Net zero và thiết kế thụ động, ông Tim Middleton - Giám đốc thiết kế môi trường bền vững Worklonge - 03 đưa ra giải pháp giảm nhiệt hấp thụ từ bên ngoài vào tòa nhà, có 2 cách: giảm lượng nhiệt hấp thụ trực tiếp từ bức xạ của mặt trời bằng các tấm cách nhiệt phản xạ ở phần mái, hoặc tạo nên mái và tường xanh, giảm hiệu suất truyền nhiệt bằng các khoang cách nhiệt.

Thiết kế thụ động sẽ phân tích, đánh giá vị trí, hướng, môi trường và địa hình và cảnh quan xung quanh công trình. Nghiên cứu cho phép phân tích đường đi của mặt trời, hướng gió, mô hình hiệu suất nhiệt và hướng bóng đổ.

Mục đích của việc phân tích thiết kế thụ động là đánh giá dòng chảy năng lượng tự nhiên để tối ưu hóa hiệu suất công trình và giảm phụ thuộc vào năng lượng từ hệ thống.

Quy trình thiết kế thụ động điển hình dựa trên nguyên tắc: đặt công trình theo hướng Bắc - Nam nếu có thể, giảm tỷ lệ cửa sổ ở hướng Đông - Tây, tránh ánh mặt trời chiếu thẳng qua giếng trời (sử dụng cửa sổ trên cao để thay thế), dùng mái có độ phản xạ cao, tăng cách nhiệt mái, che và chắn nắng, dùng kính Low - E/Solar Control hoặc kính 2 lớp.

Thiết kế này có thể tiết kiệm được 20% năng lượng tòa nhà. Thiết kế thụ động trước khi lên ý tưởng sẽ đạt hiệu quả cao hơn trong xây dựng và sử dụng, có thể giảm năng lượng tại tòa nhà lên đến 60%, chi phí đầu tư sẽ thấp hơn và đạt được hiệu quả cao hơn.

Thiết kế tòa nhà với ứng dụng này đã được áp dụng cho trụ sở tỉnh Lạng Sơn với độ bền của công trình lên đến 100 năm.

Tòa nhà trụ sở tỉnh Lạng Sơn được thiết kế ứng dụng giải pháp mặt dựng.

Tối ưu hóa hiệu quả năng lượng bằng ứng dụng hệ thống mặt dựng

Ông Amos Seah - Quản lý cấp cao giải pháp EDGE BOND của Technoform Singapore trình bày giải pháp tối ưu hóa hiệu quả năng lượng của tòa nhà bằng ứng dụng hệ thống mặt dựng hiệu suất cao với giải pháp dẫn nhiệt qua các bức tường mờ đục, dẫn nhiệt qua cửa kính, giảm bức xạ mặt trời qua cửa kính, giảm nhiệt ở khung kính và các mép kính. Vật liệu được sử dụng là kính Low - E DGU, tấm đệm IGU đã cải thiện hiệu suất hấp nhiệt ở bề mặt kính cũng như khung cửa sổ.

Ông Amos Seah cho biết, lượng nhiệt tăng lên bởi lớp vỏ bao phủ chiếm 5% tổng năng lượng tiêu thụ của Singapore. Tiêu thụ năng lượng trong một công trình của Singapore chiếm 52%, dao động ở mức 40 - 60%, còn ở Việt Nam thì chưa có thống kê về con số này.

Ông Amos Seah - Quản lý cấp cao giải pháp EDGE BOND của Technoform Singapore trình bày tham luận tại Hội thảo.

Sơ bộ tại Việt Nam, mặt kính chiếm đến 90% trong hệ thống tòa nhà thương mại, tỷ lệ này là 70% ở các nhà ở dân cư, phần khung kính làm bằng nhôm cũng hấp thụ nhiệt rất cao nhưng chưa có quy định cụ thể. Nhiều quốc gia như Singapore có quy định khắt khe về kính 2 lớp, mức hấp thụ nhiệt chỉ khoảng 2 - 3% (kính Low - E DGU).

Đại diện Tập đoàn AGC (Nhật Bản) cho rằng, khu vực Đông Nam Á tập trung những đợt nắng nóng kéo dài nên AGC sẽ tập trung sản xuất những loại vật liệu phù hợp hơn với các quốc gia này, đi đôi với nó là phát thải carbon, tiêu chuẩn về trị số truyền nhiệt tổng qua lớp vỏ công trình, trong đó nhấn mạnh về sự phù hợp, chứ không bê nguyên công nghệ mới về áp dụng cho Việt Nam hay khu vực Đông Nam Á.

Một số công trình đã sử dụng giải pháp mặt dựng và đạt hiệu quả cao về sử dụng năng lượng như: khách sạn Faimont tại Hà Nội, nhà máy LEGO tại KCN VSIP III (Bình Dương), tòa nhà tại cảng Tuas (Singapore).

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Công Thịnh thông tin, vấn đề dán nhãn năng lượng xanh cho các sản phẩm VLXD sẽ sớm được triển khai, không chỉ thuận thiện cho các nhà sản xuất khi đưa sản phẩm ra thị trường, mà người dùng chỉ cần nhìn vào nhãn để lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Sắp tới, Bộ xây dựng sẽ sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả QCVN 09:2017/BXD, có một số nội dung liên quan đến mặt dựng, vật liệu kính; sửa đổi một số quy định để áp dụng các công nghệ trong sản xuất và sử dụng VLXD.

Bình luận