Cùng với cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, hệ thống cây xanh đô thị (CXĐT) là bộ phận không thể thiếu trong cấu trúc không gian của đô thị. Các vườn hoa, công viên, không gian xanh và mặt nước là một thành tố quan trọng góp phần tạo nên sức thu hút của thành phố. Để xứng danh là “Thiên đường resort” của Việt Nam, TP Phan Thiết cần nhanh chóng tìm ra giải pháp phát triển CXĐT theo hướng bền vững.
1. Thực trạng CXĐT TP Phan Thiết
1.1. Đánh giá chung
Những năm qua, tốc độ đô thị hóa (ĐTH) diễn ra nhanh chóng, trong khi thời tiết diễn biến phức tạp, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng cũng như hệ sinh thái đô thị, trong đó có cây xanh.
Vì vậy yêu cầu về hoàn thiện quy hoạch hệ thống CXĐT nhằm mở rộng không gian xanh là vấn đề cần thiết để hài hòa cuộc sống của cộng đồng dân cư trong bối cảnh ĐTH ngày càng lớn, đang được người dân và các cấp, ngành của TP Phan Thiết quan tâm thực hiện.
Một số công viên được đầu tư xây dựng làm tăng các mãng xanh cho khu vực, nhiều tuyến đường phố được trồng mới, chỉnh trang cây xanh cùng với công trình kiến trúc tạo nên diện mạo mới cho thành phố.
Tuy nhiên, thực trạng hệ thống cây xanh tại đô thị Phan Thiết hiện vẫn đang còn hạn chế và tồn tại nhiều bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý khai thác và phát triển cây xanh; tỷ lệ và diện tích phủ xanh còn ở mức thấp so với tiêu chí đô thị loại II theo quy chuẩn Việt Nam.
Theo thống kê của Công ty CP Môi trường và Dịch vụ Đô thị Bình Thuận, hiện tỷ lệ đất CXĐT của thành phố mới đạt 2m2/người so với diện tích cây xanh tối thiểu theo quy chuẩn Việt Nam đối với đô thị loại II là 6m2/người.
Tỷ lệ cây xanh đường phố mới chỉ đạt 0,51m2/người. Một số tuyến đường chỉ chú trọng việc trồng hoa, cây cảnh ở dãy phân cách, tại các đảo giao thông, tiểu công viên mà chưa quan tâm đến trồng cây bóng mát hai bên đường.
Việc chăm sóc, bảo vệ và quản lý cây xanh chưa được quan tâm đúng mức; vai trò của các bên liên quan và cộng đồng chưa được phát huy tốt.
Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân trong việc quản lý bảo vệ cây xanh môi trường còn hạn chế, tình trạng xâm hại cây xanh phổ biến xảy ra đã làm cho hệ thống cây xanh của thành phố bị ảnh hưởng không nhỏ gây khó khăn cho công tác quản lý, phát triển cây xanh.
1.2. Hiện trạng sử dụng đất cây xanh
Theo QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng, đất CXĐT bao gồm 03 loại: đất cây xanh sử dụng công cộng, đất cây xanh sử dụng hạn chế, đất cây xanh chuyên dụng.
Trong đơn vị ở đất cây xanh sử dụng công cộng bao gồm công viên, vườn hoa, sân chơi phục vụ cho nhu cầu và đảm bảo khả năng tiếp cận của mọi người dân. Đất cây xanh sử dụng công cộng trong đơn vị ở tối thiểu đạt 2 m2/người. Mỗi đơn vị ở phải có tối thiểu một công viên, vườn hoa với quy mô tối thiểu là 5 000 m2.
Hiện nay diện tích đất phát triển cây xanh cảnh quan, không gian mở của thành phố quy đổi là 139 ha, đạt tỷ lệ bình quân 4,63m2/người, chiếm 2,73% diện tích đất dân dụng (5.085,84ha) và chiếm 0,65% tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố (21.116 ha) [2]. Trong đó, diện tích đất cây xanh công cộng khoảng 37,8 ha [2], bình quân 1,26 m2/người, chưa đạt quy chuẩn đô thị loại II Việt Nam.
Bảng 1: Diện tích cây xanh tối thiểu m2/người theo QCVN 01:2021/BXD [1]
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012, quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị định chung về cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị được thiết kế quy hoạch gồm 3 loại: Cây xanh công viên; Cây xanh vườn hoa; Cây xanh đường phố.Tổng hợp tiêu chuẩn diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng
Bảng 2: Diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị theo QCVN 01:2021/BXD [1]
1.3. Hiện trạng công viên cây xanh
Khu vực nội thành Phan Thiết hiện có tổng cộng 20 công viên, vườn hoa với diện tích từ 0,5 đến 4 ha, trong đó công viên Võ Văn Kiệt diện tích 4 ha tại phường Phú Thủy được đưa vào hoạt động từ tháng 10/2015; một số công viên: Đồi Dương, Nguyễn Tất Thành, Hòa Bình có diện tích từ 0,5 - 1 ha. Hiện nay, TP Phan Thiết hiện chưa có các công viên trung tâm lớn theo tiêu chuẩn công viên cấp thành phố, tương xứng với tầm vóc của đô thị cấp vùng.
Hệ thống công viên phân bố không đều, chủ yếu tập trung tại trung tâm và các khu dân cư mới, khu vực cải tạo, chỉnh trang đô thị. Các phường Nam sông Cà Ty gồm: Đức Nghĩa, Lạc Đạo, Đức Thắng quỹ đất hạn chế khó phát triển công viên; trong khi phường Phú Thủy hình thành một số công viên mới với diện tích đáng kể; các phường hiện có công viên như: Phú Thủy (Công Viên Nguyễn Tất Thành, Hải Đăng, Võ Văn Kiện 41.397m2, Hòa Bình, Hương Kim, Công Viên Bờ Sông); phường Đức Long (Công viên phường Đức Long); Đức Nghĩa (Vường hoa Đức Nghĩa); phương Xuân An (Công viên Bùi Thị Xuân).
Những năm qua, gắn với dự án chỉnh trang đô thị, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đã xây mới một số công viên, vườn hoa trong các khu dân cư, nhiều dãy phân cách, tiểu đảo, vòng xoay đã được hình thành như đường Lê Duẫn, đại lộ Hùng Vương, Nguyễn Tất Thành đã cải thiện phần nào sự thiếu hụt của mảng xanh hiện nay.
Tuy nhiên, quỹ đất giành để phát triển công viên trên địa bàn thành phố là rất hạn chế. Cần có giải pháp đồng bộ để phát triển hệ thống công viên của thành phố trong thời gian tới.
1.4. Hiện trạng hệ thống cây xanh đường phố
Khu vực nội thành TP Phan Thiết hiện có 11.979 cây xây các loại, chủ yếu là cây xanh đường phố khoảng 9.682 chiếm tỷ lệ (80,82%), cây xanh công viên rất hạn chế khoảng 2.279 (19,18%), trong đó:
- Cây mới trồng: 3.486 cây, chiếm tỷ lệ 29,1 %;
- Cây loại 1: 5.006 cây, chiếm tỷ lệ 41,78 %;
- Cây loại 2: 3.116 cây, chiếm 26,01%;
- Cây loại 3: 317 cây, chiếm 2,64%.
Chỉ tiêu cây xanh công cộng của TP Phan Thiết hiện nay rất thấp, chỉ đạt 1,48m2/người so với nhu cầu cho đô thị như Phan Thiết cần ở mức chỉ tiêu trên 6m2/người. Tuy nhiên, hệ thống cây xanh trên địa bàn TP.Phan Thiết còn một số bất cập hạn chế như sau:
2.4.1. Tỷ lệ cây xanh thấp, chưa đảm bảo diện tích tối thiểu 6m2/người theo tiêu chí đô thị loại II (Bảng 2.5 Mục 2.4 QCVN 01/2021/BXD)
Thực tế cho thấy, diện tích đất CXĐT ít được chú trọng nên thường tỷ lệ này rất thấp so với các loại đất khác được thể hiện trong các đồ án quy hoạch. Không chỉ thế, đất cây xanh còn bị tiếp tục cắt giảm khi triển khai các dự án đầu tư nhất là các dự án phát triển nhà ở phân lô nhằm tăng lợi nhuận kinh tế cho nhà đầu tư.
Theo ước tính, TP Phan Thiết hiện có 1.390.000m2 cây xanh, riêng nội thành gần 386.000m2 chiếm 27,76 %. Trong khi khu vực này tập trung dân số gần 90%. Độ che phủ chưa tới 2m2/người, tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người không đạt Quy chuẩn Việt Nam là 6m2/người đối với đô thị loại II (Bảng 2.5 Mục 2.4 QCVN 01/2021/BXD).
Trong khi tại Singapore là 30m2, Seoul (Hàn Quốc) là 41m2 hay Berlin (Đức) là 50m2. Theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP Phan Thiết đến 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ cây xanh trung bình cũng mới đạt từ 7-10m2/người, vẫn thấp hơn khá nhiều so với tiêu chuẩn mà Liên Hợp Quốc đề ra là 39m2/người.
Theo Chương trình phát triển đô thị thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 927/QĐ-UBND ngày 14/4/2021, đến năm 2025 chỉ tiêu đất cây xanh toàn đô thị đạt trên 7,0 m²/người; chỉ tiêu đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đạt trên 4,0m²/người. và đến năm 2040 Chỉ tiêu đất cây xanh toàn đô thị đạt trên 12,0m²/người; chỉ tiêu đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đạt trên 6,0m²/người.
2.4.2. Mật độ cây xanh đường phố thưa thớt, chưa đảm bảo khoảng cách và độ che phủ bóng mát
TP Phan Thiết có quá ít mảng xanh là thực tế hàng chục năm qua từ khi quá trình ĐTH tăng nhanh; đường lớn, đường nhỏ đều có quá ít thậm chí không có cây xanh. Trên một số tuyến đường chính như Trần Hưng Đạo, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Thông, hàng trăm cây xanh các loại đã được trồng nhẳm tạo nên cảnh quan cho các con đường này.
Tuy nhiên, mật độ cây trồng hiện nay còn thưa thớt, nhiều con đường dài từ vài chục đến cả trăm mét, thậm chí hàng cây số không một mảng xanh, cụ thể: một bên vỉa hè đường Thủ Khoa Huân dài 600 m (đoạn từ ngã tư Thủ Khoa Huân - Tuyên Quang đến đường Hùng Vương) chỉ có 3 cây xanh; hay đường Đặng Văn Lãnh đoạn từ Nguyễn Hội đến QL 1 cũng chỉ có vài cây xanh, đặc biệt là hầu hết các tuyến phố thuộc các phường phía Nam sông Cà Ty hoàn toàn vắng bóng cây xanh.
Trên các trục đường chính của TP Phan Thiết như Trần Hưng Đạo, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Hội,… rất nhiều đoạn cây xanh đã bị chết nhưng chưa được trồng thay thế. Đối với các tuyến mới như Hùng Vương, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng và một số tuyến đường trong khu dân cư mới, cây xanh được trồng nhiều, nhưng thiếu tính đồng bộ.
Cùng một đoạn đường nhưng khoảng cách giữa các cây xanh không đều nhau (chổ cách nhau 7m, nơi 10m) như đường Nguyễn Tất Thành, Cao Thắng (góc công viên Tượng đài Chiến Thắng); đường Hồ Tùng Mậu, một bên vỉa hè không có cây xanh; đường Hùng Vương có đoạn khoảng cách giữa các cây xanh khá xa lên đến 20m.
Không chỉ không đảm bảo khoảng cách, hầu hết cây xanh đường phố tại TP. Phan Thiết hiện nay chủ yếu là cây loại 1, loại 2 và cây mới trồng (khoảng 9.740 cây) chiếm 97,36%; trong khi cây lớn loại 3 rất ít khoản 317 cây (chiếm 2,64%).
Đa số cây thấp, có tán nhỏ không đảm bảo độ che phủ bóng mát; một số loại cây được trồng trên các tuyến phố bao gồm: Dầu rái, Sao đen, Lim xẹt, Bò cạp vàng, Bằng lăng, Xà cừ, Giáng hương, Sò đo cam, Chuông vàng, Bàng đài loan, Phượng,… Trong đó, các loại cây: Dầu rái, Sao đen, Lim xẹt, Bò cạp vàng chiếm số lượng chủ yếu.
2.4.3. Chưa chú trọng đến hình thức và chất lượng cây trồng
Thực trạng hệ thống CXĐT nói chung và cây xanh đường phố trên địa bàn chỉ quan tâm về số lượng mà chưa chú trọng nhiều về hình thức và chất lượng cây trồng; việc trồng cây xanh chưa được quan tâm nghiên cứu phù hợp với không gian sinh trưởng cũng như kiến trúc cảnh quan của khu vực; cùng một tuyến phố trồng 5 đến 7 loại cây, thiếu tính đồng nhất, chưa ăn nhập với cảnh quan kiến trúc, cũng như chưa tạo được điểm nhấn và góp phần tạo dựng đặc trưng, bản sắc riêng cho đô thị.
Cây xanh trên các tuyến đường phố hiện nay chưa thật sự đa dạng về chủng loại, hầu hết là các loại, chủ yếu các loại: Dầu rái, Sao đen, Lim xẹt, Bò cạp vàng. Một số loại cây xanh đường phố hiện nay trên địa bàn thành phố có tỷ lệ không tương xứng, tán nhỏ nhưng rất cao, được trồng với khoảnh cách khá thưa (20m) nên không đảm bảo về mật độ che phủ, lá rụng quanh năm vừa không tạo được bóng mát vừa làm mất mỹ quan đô thị.
2.4.4. Chậm bổ sung, thay thế cây chết
Cùng với cải tạo vỉa hè, hạ ngầm dây dẫn, cống thoát nước tại một số tuyến đường, phố khu vực nội thành, không ít cây xanh bị chặt hạ do vướng mặt bằng trong quá trình thi công hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hay vướng đường dây điện hoặc do người dân tự ý xâm hại với nhiều lý do khác nhau.
|
Ở một số khu vực, nhất là đường Nguyễn Hội, khi cải tạo hè, hệ thống cây xanh chỗ thì chặt hạ, đào bỏ để trơ hố, đoạn thì vẫn để lại những cây cũ cong queo, nghiêng vẹo. Có nơi vẫn còn cây không đúng chủng loại cây đô thị như mít, trứng cá, cây xoài…tạo nên sự lộn xộn về mãng xanh của đường phố.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng TP phối hợp với Công ty Mội trường đô thị, nhà thầu thi công trồng thay thế vỉa hè và trồng lại cây xanh trên nhiều đoạn, tuyến đường, bổ sung cây, hoa trong Công viên Vòng xoay Tượng đài Chiến thắng, đường Lê Duẫn, Nguyễn Tất Thành bằng kinh phí của TP. Việc thực hiện tại nhiều tuyến đã cơ bản hoàn thành.
Tuy nhiên, trên các tuyến đường, phố, nhiều cây xanh đã bị chết từ lâu hoặc sau khi trồng mới đã bị chết khô hoặc còi cọc, sinh trưởng kém mà chưa được thay thế, bổ sung kịp thời. Khảo sát tại các đường: Trần Hưng Đạo, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Hội, Võ Thị Sáu cho thấy có nhiều cây bị chết khô nhưng chưa được thay thế.
|
Nguyên nhân trước hết là chất lượng nguồn cây trồng còn hạn chế; đơn vị thi công thực hiện chưa đúng quy trình kỹ thuật. Việc chăm sóc, bảo vệ cây sau khi trồng chưa thường xuyên.
Chưa quan tâm nghiên cứu, rà soát địa hình, thổ nhưỡng nên trồng một số loại cây không phù hợp. Chẳng hạn như các tuyến đường Lê Duẩn, Hùng Vương, Từ Văn Tư tình trạng cây Dầu rái được trồng khá lâu nhưng phát triển chậm, tán cây rất nhỏ so với chiều cao, thậm chí nhiều cây đã chết.
2. Thực trạng công tác quản lý
Ngày 13/10/2020, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 25/2020/QĐ-UBND về việc phân cấp, quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo đó, quy định rõ trách nhiệm quản lý cây xanh đô thị đối với các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương cũng quy định trách nhiệm trong việc quản lý chăm sóc, bảo vệ cây xanh đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Đây là cơ sở pháp lý pháp lý để các bên liên quan triển khai thực hiện quản lý và phát triển hệ thống cây xanh nói chung và CXĐT tại TP Phan Thiết nói riêng.
Công ty CP Môi trường và Dịch vụ Đô thị Bình Thuận (tên viết tắt là Công ty Môi trường Đô thị Bình Thuận) là đơn vị được UBND TP Phan Thiết giao nhiệm nhiệm vụ quản lý, duy trì, chắm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố. Công ty đang quản lý chăm sóc gần 12 nghìn cây xanh với gần 15 chủng loại như: Dầu rái, Sao đen, Lim xẹt, Bò cạp vàng, Bằng lăng, Phi lao, Xà cừ, Phượng vỹ vv…
Thuận lợi: Địa bàn TP Phan Thiết không quá rộng, diện tích cây xanh tập trung ở khu vực trung tâm nên thuận tiện trong công tác chăm sóc, quản lý. Cùng với đó là công nghệ chăm sóc cây xanh trong những năm gần đây đã phát triển mạnh, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý.
Bên cạnh đó, chính quyền Thành phố có sự chỉ đạo kịp thời, sát sao về công tác quản lý và phát triển hệ thống cây xanh đô thị.
Khó khăn: TP Phan Thiết chưa ban hành Đề án Phát triển cây xanh đô thị TP Phan Thiết, đồng thời cũng chưa có Đồ án Quy hoạch chuyên ngành cây xanh đô thị. Việc phát triển mãng xanh đô thị trong thời gian qua được lồng ghép vào các đồ án quy hoạch xây dựng.
Do vậy, công tác quản lý và phát triển cây xanh gặp nhiều khó khăn do chưa xây dựng được chiến lược và mục tiêu cụ thể. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị nói chung và phát triển cây xanh còn hạn nhiều hạn chế.
3. Đề xuất mô hình quản lý và giải pháp phát triển mảng xanh đô thị TP Phan Thiết
3.1. Đề xuất mô hình quản lý
Việc quản lý CXĐT trên địa bàn TP Phan Thiết cần được phân cấp rõ hơn, cụ thể hơn với sự tham gia của các bên liên quan trên gắn trách nhiệm và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư trên cơ sở chuẩn hóa mô hình tổ chức quản lý theo hệ thống có tính thống nhất bằng qui chế, quy định cụ thể trong phân cấp và vai trò trách nhiệm trong quản lý và phát triển cây xanh, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám (GIS) vào quản lý từng cây xanh và thảm xanh, có báo cáo thống kê hiện trạng qui mô, số lượng hằng năm nhằm minh chứng cho các qui đổi trong các hệ số xem xét đến sự góp phần vào các đánh giá kinh tế, xã hội, môi trường.
3.2. Một số giải pháp quản lý và phát triển mảng xanh đô thị
3.2.1. Nhóm giải pháp về quy hoạch cây xanh
- Hoàn thiện các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng, trong đó Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật nói chung và Quy hoạch cây xanh phải được thực hiện và xem là một thành phần không thể thiếu trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trong công tác quy hoạch xây dựng đô thị. Góp phần đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng cảnh quan với hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Đồng thời chuẩn hóa công tác quản lý và kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan và không gian công trình ngầm đô thị. Từng bước hạn chế sự chồng chéo trong quản lý và thi công công trình ngầm đô thị giữa các ban ngành và lĩnh vực liên quan: giao thông, điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, môi trường và cây xanh đô thị…
- Thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn tới, TP Phan Thiết tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất phát triển cây xanh, bố trí trồng các loại cây phù hợp với từng công trình và từng tuyến đường nhằm tăng thêm diện tích mãng xanh đô thị để đảm bảo yêu cầu sử dụng theo quy chuẩn 6m2/người vào năm 2030.
3.2.2. Nhóm giải pháp công trình
- Cần có giải pháp đầu tư thêm công viên, vườn hoa, quảng trường đặc biệt là ưu tiên nguồn lực và quỹ đất xây dựng công viên trung tâm thành phố tại khu vực Hồ Điều hòa thuộc phường Hưng Long thay vì phát triển dự án Khu dịch vụ thường mại như dự kiến, nhằm tăng thêm đáng kể mảng xanh cho thành phố và phục vụ nhu cầu tinh thần của người dân.
- Có kế hoạch thay thế các cây xanh có nguy cơ gẫy đổ, sâu bệnh, nghiêng, xấu và bị chết trên các tuyến đường nhất là các tuyến chính của thành phố như: Trần Hưng Đạo, Thủ Khoa Huân, Tuyên Quang… phù hợp, đồng bộ về khoản cách, chiều cao, kích thước và đặc biệt là không ảnh hưởng đến kết cấu vỉa hè của các tuyến đường giao thông. Đối với các đồ án quy hoạch xây dựng, cần tính toán thiết kế vỉa hè các tuyến đường giao thông không nhỏ hơn 5 m để đảm bảo không gian cho cây xanh phát triển tốt.
- Tăng cường phát triển hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố theo TCVN 9257:2012 đối với các cơ sở giáo dục, các trụ sở hay khu hành chánh công, khu y tế, bệnh viện, bảo tàng… xem việc phát triển mảng cây xanh đô thị là nhiệm vị thường xuyên và là mục tiêu phấn đấu thành tích thi đua theo giai đoạn.
- Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu xử lý chất thải…trên đường nội bộ và hành lang cách ly cần tập trung phát triển các cây tầm cao để tăng diện tích mảng xanh tạo được và tạo không khí trong lành cho cộng đồng xung quanh.
3.2.3. Nhóm giải pháp bổ sung mảng xanh, tạo cảnh quan
a) Phát triển mảng xanh trên mái công trình
Với quỹ đất công cộng hạn hẹp tại khu vực nội thành, việc tận dụng các không gian nhỏ trong các công trình, nhà ở để trồng cây là phương án khả thi và khá hiệu quả để bổ trợ, tạo mảng xanh cho đô thị. Đối với mái nhà có cấu trúc kiên cố: có thể chống thấm mái, phủ vật liệu thấm giữ nước và vật liệu trồng cỏ: cỏ Nhung, cỏ Lông Heo, cỏ Đậu Phụng, cỏ Lan Chi... Riêng đối với sân thượng: Mô hình tiểu cảnh, mô hình rau sạch, hoặc cây xanh tầm thấp 1-2m nhằm giảm bức xạ cho ngôi nhà.
b) Phát triển cây xanh theo chiều đứng
Trồng mảng xanh theo ban công, lô gia đối với nhà ở riêng lẻ, các căn hộ chung cư (Phú Thủy, Văn Thánh, Phú Tài), Phú Thịnh (đang xây dựng) và công trình công cộng để tăng thêm mảng xanh cho thành phố.
c) Phát triển cây xanh cải tạo cảnh quan dọc các tuyến kênh, sông
- Đối với bờ mái mềm: Trồng và bảo vệ thảm cỏ tự nhiên dọc theo mái bờ mềm như cỏ Đậu phụng, cỏ Lông chồn, Dừa... vừa chóng xói mòn đồng thời bổ sung mảng xanh, tạo cảnh quan cho khu vực.
|
- Đối với bờ mái cứng đã gia cố kiêng cố bê tông cốt thép (kè cứng mái lài, kè cứng mái đứng): Khu vực ven biển thuộc các phường Hàm Tiến, Thanh Hải, Hưng Long, Bình Hưng và Đức Thắng đang sử dụng giải pháp kè cứng đề chóng sạt lở bờ biển.
Do vậy, phương án hiệu quả tăng cường mảng xanh là dọc theo đà kiềng mép bờ cao mái kè bố trí hành lang đất trống, theo chiều dài kè để trồng cây xanh hướng lên hoặc trồng loại dây leo theo hành lang phủ từ mép bờ cao xuống; Đối với các kè đã đầu tư đà kiên cố như trong hình thì gia công các dạng chậu, bố trí các chậu dọc theo đà, bên trong lan can thép hay gia cố chậu treo ngoài lan can, trồng cây xanh tầm thấp và dây leo phủ xuống, kết hợp bơm nước từ kênh rạch lên mô hình cây xanh cho mục đích tưới và xử lý nước kênh rạch bằng mô hình bãi lọc sinh học kết hợp thực vật.
3.2.4. Nhóm giải pháp về chính sách
- Hạn chế hoặc nghiêm cấm điều chỉnh tỷ lệ hay mật độ cây xanh trong điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng tại địa phương cấp phường, cấp đơn vị ở.
- Pháp luật phải có tính nghiêm minh, chặt chẻ và răng đe để buộc các chủ đầu tư tuân thủ phê duyệt dự án trong đầu tư, bảo vệ và bảo dưỡng cây xanh, kể cả qui trách nhiệm quản lý địa bàn đối với các tổ chức liên quan.
- Đầu tư phát triển hệ thống cây xanh cân đối với các đầu tư phát triển đô thị, đặc biệt tương xứng với lĩnh vực hạ tầng khác, giữ vững tiêu chí diện tích, mật độ theo các đồ án qui hoạch phê duyệt.
- Chính sách khen thưởng hay qui đổi theo cơ chế hỗ trợ tài chính để động viên các tổ chức, cá nhân đã phát triển CXĐT vượt tiêu chí kỹ thuật yêu cầu hằng năm của CXĐT để qui ra mức chi tài chính cho công sức đầu tư, bảo dưỡng, thay vì dòng tiền này chi cho việc đầu tư kỹ thuật nhân tạo xử lý khí thải nhà kín.
- Rà soát và điều chỉnh các văn bản dưới luật nhằm đảo bảo các đồ án hoạch xây dựng hay dự án đầu tư xây dựng phải thể hiện rõ trong thuyết minh về qui mô và tính chất kỹ thuật của thành phần, tỷ lệ đất công viên cây xanh tại mỗi đồ án, tránh việc đầu tư cho có mảng xanh nhưng không mang lại hiệu quả tối đa hay đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường do mảng xanh tạo ra.
- Công tác phát triển hệ thống CXĐT khó đạt được hiệu quả cao nếu chỉ dựa vào nguồn lực của nhà nước. Sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đóng vai trò vô cùng to lớn và hiệu quả khi được phát huy.
Tuy nhiên, sự tham gia của cộng đồng trong việc đầu tư hạ tầng cây xanh ở quy mô lớn cần gắn giữa lợi ích các bên. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện, khuyến khích cho chủ đầu tư tích cực trong phát triển CXĐT của dự án, khuyến khích các thành phần khác tham gia xã hội hóa phát triển, khai thác, bảo dưỡng CXĐT công cộng thông qua: Cho vay vốn ưu đãi, cho khai thác dịch vụ phù hợp loại hình giải trí thương mại và thể thao, cho thực hiện dịch vụ quảng cáo, nhà sách, thư viện sách, thực hiện khai thác không gian ngầm, cung ứng dịch vụ về mặt bằng ngắn hạn, dịch vụ gửi xe thô sơ cho các tuyến giao thông công cộng, giải pháp đổi đất lấy hạ tầng (xanh) hay cơ chế về lợi ích của các bên tham gia đầu tư cây xanh…mục đích tạo nguồn thu hợp lệ cho người đầu tư thu hồi vốn và ổn định cho chi phí duy tu bảo dưỡng CXĐT trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật và đôi bên cùng đạt mục tiêu rõ ràng sẽ góp phần không nhỏ trong việc kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống cây xanh đô thị của TP Phan Thiết từ nguồn lực ngoài nhà nước.
Việc xã hội hoá phát triển cây xanh cho đô thị cũng là một hướng đi cần phải nhân rộng. Ví dụ như tại Hà Nội, một số dự án nhà ở đang là một điển hình tốt cho một khu đô thị xanh. Tại đó, chủ đầu tư đã đưa ra một bài toán đúng khi quyết định xây dựng một khu đô thị xanh, được nghiên cứu, quy hoạch với diện tích cây xanh, mặt nước chiếm tỷ lệ cao…
Tuyên truyền và vận động người dân trồng cây xanh theo định hướng quy hoạch chung và triển khai quy hoạch chi tiết xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng cảnh quan cây xanh đường phố cho các vị trí trồng cây xanh trước cửa nhà cũng là giải pháp nhằm tăng cường sự đóng góp của người dân, đồng thời tăng cường ý thức bảo vệ theo tinh thần “nhà nước và nhân dân cùng làm”.
4. Kết luận
Chính vì cây xanh mang lại rất nhiều lợi ích to lớn cho chính quyền và người dân trong phát triển kinh tế, xã hội, tạo cảnh quan mội trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng nền cần coi việc phát triển cây xanh tại đô thị là một nội dung mang tính chiến lược trong phát triển hạ tầng đô thị.
Chính quyền thành phố cần xây dựng mô hình tổ chức quản lý thống nhất giữa các sở, ban ngành và chính quyền địa phương cấp, đồng thời sớm hoàn thiện chính sách pháp luật trong quản lý nhằm bảo tồn, phát triển cây xanh đúng tiêu chí kỹ thuật, đạt tiêu chí thời gian đặt ra.
Qui hoạch và đặt ra nhiệm vụ phát triển xanh, mảng xanh, lấy làm tiêu chí xét thi đua, xét bình chọn danh hiệu cho địa phương trong ngắn hạn và dài hạn.
* Tít do Tòa soạn đặt - Xem file PDF tại đây
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bộ Xây dựng, QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng;
[2]. Bộ Xây dựng, TCVN 9257 : 2012 Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế;
[3]. Nguyển Ngọc Diệp, Một số giải pháp tăng cường mảng xanh cho các đô thị, Tạp chí Môi trường và Đô thị.
[4]. Nguyễn Hồng Tiến (2015), Quản lý cây xanh có hiệu quả góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển độ thị
[5].https://m.moitruongvadothi.vn/khoa-hoc-cong- nghe/nghien-cuu-trao-doi/thuc-trang-va-giai-phap-cay-xanh- do-thi-a71394.html