Orientation for reusing ash from domestic solid waste incinerators to produce unburned bricks for Military use in Vietnam

Giải pháp tái sử dụng tro từ lò đốt chất thải rắn sinh hoạt để sản xuất gạch không nung phục vụ trong Quân đội ở Việt Nam

Bài báo trình bày kết quả của nhóm nghiên cứu về tình hình phát sinh tro từ đốt CTRSH tại Việt Nam, trên cơ sở các phân tích đặc điểm, thành phần tính chất của tro và công nghệ sản xuất gạch không nung hiện nay để đánh giá tiềm năng phù hợp của việc tái sử dụng tro từ quá trình đốt CTRSH làm gạch không nung.

Tóm tắt

Hiện nay, tại Việt Nam chưa có các quy định cụ thể về phương thức quản lý cũng như việc nghiên cứu về thành phần và tính chất của các loại tro phát sinh từ quá trình đốt chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tái sử dụng để sản xuất gạch không nung. Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, ở Việt Nam, với 25 tỷ viên gạch xây tiêu thụ mỗi năm, chỉ có 10% là gạch không nung. Còn lại, 90% số gạch được sử dụng vẫn là gạch đất nung truyền thống. Hệ quả tất yếu là tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài [13]. Tại Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng đã quy định sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng, đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây dựng tối thiểu 50%. Thực hiện quy định trên, Bộ Quốc phòng cũng đang áp dụng, triển khai các công trình xây dựng trong toàn quân sử dụng gạch không nung. Bài báo trình bày kết quả của nhóm nghiên cứu về tình hình phát sinh tro từ đốt CTRSH tại Việt Nam, trên cơ sở các phân tích đặc điểm, thành phần tính chất của tro và công nghệ sản xuất gạch không nung hiện nay để đánh giá tiềm năng phù hợp của việc tái sử dụng tro từ quá trình đốt CTRSH làm gạch không nung. Kết quả dự báo đã xác định ước tính trung bình với 01 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng, quân đội cần tiêu thụ khoảng 31.200 viên gạch không nung, tương đương trung bình mỗi năm tiêu thụ khoảng 1,4 triệu viên gạch.
Từ khóa: Tái sử dụng; chất thải rắn sinh hoạt; tro; lò đốt; gạch không nung; Quân đội.

Abstract

Currently, in Vietnam, there are no specific regulations on management methods as well as research on the composition and properties of ashs generated from the process of burning reused household solid waste to produce unburnt bricks. According to a survey by the Ministry of Construction, in Vietnam, with 25 billion bricks consumed each year, only 10% are unburnt bricks. The remaining 90% of bricks used are still traditional burnt clay bricks. The inevitable consequence is a prolonged state of environmental pollution [13]. Circular No. 13/2017/TT-BXD dated December 8, 2017 of the Ministry of Construction stipulates the use of unburnt construction materials in construction works. For construction works invested by state budget capital, non-budget state capital, and loans from enterprises with state capital greater than 30%, at least 50% of the total construction materials must be unburnt construction materials. In order to implement the above regulations, the Ministry of National Defense is also applying and implementing construction projects throughout the army using unburnt bricks. The article presents the results of the research group on the situation of ash generation from burning domestic solid waste in Vietnam, based on the analysis of characteristics, composition and properties of ash and current unburnt brick production technology to assess the potential suitability of reusing ash from the process of burning domestic solid waste to make unburnt bricks. The forecast results have determined that on average, with 1 billion VND of construction investment capital, the army needs to consume about 31,200 unburnt bricks, equivalent to an average of about 1.4 million bricks consumed each year.
Keywords: Reuse; domestic solid waste; ash; incinerator; unburnt bricks; Aamy.

1. Tình hình phát sinh tro từ quá trình đốt CTRSH tại Việt Nam

1.1. Khối lượng phát sinh tro từ quá trình đốt CTRSH

Theo Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, tính đến thời điểm cuối năm 2023, cả nước có khoảng 1.712 cơ sở xử lý CTRSH, trong đó có 467 lò đốt CTRSH. Một số khu liên hợp xử lý hoặc cơ sở xử lý đã áp dụng phương pháp đốt kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện hoặc đốt kết hợp chôn lấp và làm phân compost.

Khoảng 20% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp  đốt (thu hồi năng lượng 9,3% và 10,7% đốt không thu hồi năng lượng, tăng 7% so với năm 2019) và các phương pháp khác như tái chế, khí hóa, làm viên nén nhiên liệu [1]... Như vậy có thể ước tính, lượng CTRSH được xử lý bằng phương pháp đốt hiện nay khoảng 13.422 tấn.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 15 nhà máy đốt rác phát điện đang được triển khai xây dựng. Trong đó, đã có một số nhà máy chính thức phát điện như: Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ của Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (Cần Thơ) công suất 400 tấn/ngày; Nhà máy điện rác Sóc Sơn (rác sinh hoạt) với công suất 4.000 tấn/ngày; Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng của Công ty TNHH Môi trường Ngôi Sao Xanh, tỉnh Bắc Ninh công suất 180 tấn/ngày (trong đó CTRSH 100 tấn/ngày, CTRCN 80 tấn/ngày); Nhà máy điện rác (rác sinh hoạt) ở Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh công suất 300 tấn/ngày; Nhà máy điện rác ở Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh công suất 500 tấn/ngày (trong đó CTRSH 350 tấn/ngày, CTRCN 150 tấn/ngày; Nhà máy điện rác (rác sinh hoạt) ở Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh công suất 500 tấn/ngày; Nhà máy điện rác Phú Sơn (Thừa Thiên Huế) công suất 600 tấn/ngày. Ngoài ra, một số tỉnh thành phố khác như Phú Thọ, Đà Nẵng, TP.HCM, Thái Nguyên... đang bắt đầu triển khai các nhà máy xử lý chất thải rắn phát điện. Công nghệ xử lý rác bằng phương pháp đốt có nhiều ưu điểm như giảm thể tích của rác thải tới 80 - 90%, không cần diện tích đất lớn để chôn lấp trong bối cảnh các bãi chôn lấp đang ngày càng quá tải.

Đặc điểm phát sinh tro từ quá trình xử lý đốt chất thải rắn được chia thành 2 loại tro đáy (hay còn gọi là xỉ) và tro bay như mô tả tại hình 1.

Hình 1. Quy trình đốt CTRSH để thu hồi năng lượng điển hình [3]

Quá trình đốt chất thải rắn sinh hoạt đô thị thường phát sinh lượng tro xỉ với tỷ lệ dao động khoảng 15 - 25%. Theo tính toán, các nhà máy xử lý rác có thu hồi năng lượng để phát điện sẽ sản sinh ra bình quân 25 tấn tro xỉ/MW.

Như vậy, trong các năm tới khi lượng rác thải từ các nhà máy đốt rác tăng lên đồng nghĩa lượng tro xỉ sinh ra cũng sẽ tăng theo. Với lượng CTRSH được xử lý bằng phương pháp đốt khoảng 13.422 tấn thì lượng tro xỉ phát sinh ước tính dao động khoảng 2.013 - 3.355 tấn. 

1.2. Đặc điểm, thành phần, tính chất của tro từ lò đốt CTRSH

Xỉ đáy lò là phần chất thải không thể đốt tiếp và được tách ra từ đáy buồng đốt sơ cấp. Tro bay là phần chất thải bị cuốn theo khí thải nóng đi vào hệ thống xử lý khí thải, cùng với than hoạt tính sau khi hấp phụ, chúng được tách bằng hệ thống lọc bụi túi.

Tro bay chứa thủy ngân, kim loại nặng và dioxin nên được coi là chất thải nguy hại, được đóng rắn trước khi chôn lấp. Ngược lại, xỉ đáy lò được coi là chất thải rắn thông thường, có thể tận dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng.

• Tro bay 

Các tính chất của tro bay đốt CTRSH thay đổi theo sự thay đổi của thành phần chất thải, mùa vụ, điều kiện đốt, mức độ lọc khí thải,... Trong loại tro bay đốt CTRSH này thường chứa một lượng lớn thành phần nguy hại như kim loại nặng và dioxin. Các thành phần nguy hại này bị chặn lại bởi hệ thống lọc, dẫn đến chúng được làm giàu trong tro bay đốt CTRSH.

Bên cạnh đó, trong tro bay đốt CTRSH cũng chứa lượng lớn các nguyên tố dễ bay hơi (clo, lưu huỳnh, kali và natri) làm ảnh hưởng lớn đến việc xử lý và sử dụng tro bay đốt CTRSH. Đặc biệt, việc đốt chất dẻo có chứa clo và chất thải nhà bếp có hàm lượng muối và clo đã làm tăng đáng kể các khó khăn trong việc xử lý và sử dụng tro bay đốt CTRSH.

Hình 2. Tro bay đốt CTRSH.

Thành phần kim loại nặng trong tro bay được thể hiện tại bảng 1.

Bảng 1: Thành phần kim loại nặng trong tro bay đốt CTRSH [5]

Thành phần hoá học tro bay đốt CTRSH được thể hiện tại bảng 2.

Bảng 2: Thành phần hoá học tro bay đốt CTRSH [5]

• Tro đáy đốt CTRSH

Tro đáy đốt CTRSH chứa chủ yếu các chất vô cơ. Sự thay đổi khối lượng, thành phần của tro đáy tùy thuộc công nghệ lò đốt, loại rác và điều kiện xử lý khi đốt. Tro đáy đốt CTRSH có các thành phần chủ yếu là thủy tinh, sắt kim loại, khoáng chất, gốm, kim loại màu và chất hữu cơ chưa cháy.

Phần tro đáy đốt CTRSH có kích thước 4 - 25 mm chủ yếu là pha thủy tinh (dạng gốm và khoáng tạo thành từ quá trình cháy CTRSH, phần này có thể phù hợp để tái sử dụng làm vật liệu xây dựng. Sắt kim loại tập trung trong phần có kích thước hạt khoảng 1 - 6 mm (chiếm khoảng 6%).

Một phần nhỏ của tro đáy đốt CTRSH có kích thước dưới 1 mm tập trung các kim loại nặng. Tro đáy đốt CTRSH có thành phần hóa tương tự như thành phần đất, hàm lượng kim loại kiềm, kiềm thổ, kim loại nặng có hàm lượng nhỏ và giao động trong khoảng hẹp. Tất cả kim loại nặng chứa trong tro đáy đốt CTRSH không tác động, ảnh hưởng đến môi trường vùng chôn lấp hoặc vật liệu có sử dụng loại tro này.

Hình 3. Tro đáy đốt CTRSH [5].

Các tính chất cơ lý của tro đáy đốt CTR được thể hiện tại bảng 3.

Bảng 3: Các tính chất cơ lý của tro đáy đốt CTRSH [5]

Ghi chú: (*) Độ mài mòn Los Angeles là kết quả được thực hiện cho hạt tro đáy đốt CTRSH có kích thước lớn hơn 5 mm.

Bảng 4: Thành phần kim loại nặng trong tro đáy đốt CTRSH [5]

Bảng 5: Thành phần hoá học tro đáy đốt CTRSH [5]

Theo cáo cáo của một số nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đang vận hành cho biết quá trình đốt rác phát sinh lượng tro xỉ tương đối lớn, theo thời gian, lượng tro xỉ ngày càng nhiều trong khi quỹ đất có hạn.

Nhiều nhà máy đã tự tìm giải pháp để xử lý lượng tro xỉ này như sản xuất gạch để phục vụ xây dựng nội bộ nhưng cũng chỉ dùng được một phần, trong khi loại gạch này chưa được cấp phép sử dụng trong các hoạt động xây dựng nên không thể tiêu thụ được.

Điển hình như tại Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương cũng phát sinh khoảng 5 - 6,5 tấn tro xỉ/ngày. Khối lượng tro xỉ này được Công ty xử lý bằng phương pháp hóa rắn, sản xuất gạch không nung với số lượng khoảng 1.500 viên/ngày và sử dụng vào xây dựng các công trình nội bộ (tường nhà xưởng, vỉa hè, hệ thống mương thoát nước...) nhưng hiện vẫn còn tồn hơn 31.000 viên [4].

2. Cơ sở lý luận về công nghệ sản xuất gạch không nung và phương pháp nghiên cứu 

2.1. Công nghệ sản xuất gạch không nung hiện nay

Trên thế giới, gạch không nung đã phát triển mạnh mẽ và là vật liệu phổ biến trong xây dựng. Tại các nước phát triển tỉ lệ sử dụng gạch không nung rất cao (trên 70%), tại Trung Quốc chiếm 60% tỷ trọng, tại các nước khác như Ấn Độ, Đức, Mỹ, Bỉ,… cũng đã sử dụng 70-80% nhu cầu gạch xây dựng của họ. Tại Việt Nam, tỉ lệ sử dụng gạch không nung mới chiếm khoảng 30 - 40%, tỷ lệ này còn đang ở mức thấp.

Các nguyên liệu chính để làm gạch không nung bao gồm: cát, đá mạt, xi măng và nước.

Tại Việt Nam hiện có một số công nghệ sản xuất gạch không nung phổ biến như: Công nghệ sản xuất gạch không nung khí chưng áp, công nghệ sản xuất gạch không nung bê tông cốt liệu. Một số dây truyền công nghệ sản xuất gạch không nung bán sẵn là công nghệ sản xuất gạch không nung D10-G3, công nghệ sản xuất gạch không nung F9-G2 [6]

2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp thu thập thông tin, khảo sát điều tra hiện trạng: thu thập và tìm hiểu hiện trạng về công tác quản lý vận hành các công nghệ đốt chất thải rắn sinh hoạt hiện nay ở Việt Nam. 

- Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: tìm hiểu về các cơ sở lý luận liên quan đến lò đốt và tro phát sinh sau đốt.

- Phương pháp kế thừa: kế thừa các nội dung liên quan của các nghiên cứu đã có. 

- Phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh: tổng hợp và phân tích các công nghệ xử lý tro phát sinh từ công nghệ đốt, so sánh, đánh giá với yêu cầu thực tế và xu hướng lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam. 

- Phương pháp chuyên gia: lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và sản xuất thuộc chuyên ngành liên quan đến kỹ thuật môi trường. 

3. Đánh giá tiềm năng tái sử dụng tro từ quá trình đốt CTRSH hoạt làm gạch không nung và định hướng phục vụ cho quân đội tại Việt Nam

3.1. Đánh giá tiềm năng tái sử dụng tro từ quá trình đốt CTRSH làm gạch không nung

Các thành phần hoá học của tro đáy đốt CTRSH cho thấy tro đáy đốt CTRSH có hàm lượng SiO2, Al2O3 tương đối cao. Theo một số kết quả nghiên cứu cho thấy, tro của rác sau khi đốt và bụi lắng từ cyclon, để nguội dùng rây sàng mịn cỡ 0,04mm phối trộn với một số khoáng sét để đóng rắn là cao lanh, trường thạch, kết quả phân tích thành phần cho thấy trong các mẫu cao lanh, trường thạch nghiên cứu thì hàm lượng SiO2, Al2O3 khá cao rất phù hợp để nghiên cứu chế tạo chất kết dính theo công nghệ “gelpolyme” để đóng rắn tro rác. Do vậy việc định hướng xử lý theo phương pháp đóng rắn là hoàn toàn có cơ sở và khả thi [6]. 

Sử dụng tro xỉ như một loại phụ gia cho bê tông: Tro xỉ được phân tách để chỉ sử dụng phần tro mịn trong cấp phối của bê tông khối lớn giúp tránh nứt nẻ do nhiệt hydrat hóa, hay sử dụng cho các loại bê tông mới như bê tông đầm lăn, bê tông tự lèn.

Với kích thước nhỏ, dạng tròn, về vật lý tro mịn từ lò đốt rác phát điện có khả năng lấp đầy các lỗ rỗng trong bê tông, trở thành các “con lăn” giữa các vật liệu làm tăng độ linh động của bê tông và làm giảm lượng nước cấp trong quá trình phối trộn. Ngoài ra, với các bê tông khối lớn, để tránh nứt nẻ và tăng cường độ, người ta thường thay thế từ 15 đến 30% xi măng trong cấp phối bằng tro mịn [7].

Sử dụng tro xỉ như một loại phụ gia cho công nghiệp sản xuất xi măng: Trong khi sản lượng xi măng trong nước tăng lên đều đặn hàng năm, trong khi nguồn nguyên liệu là các mỏ đá - mỏ sét ngày càng khan hiếm và khó khăn vì các quy định ngặt nghèo về môi trường thì việc bổ sung tro xỉ vào phần phối liệu là có thể thực hiện [7].

Kết quả khảo sát cường độ chịu nén của sản phẩm đóng rắn từ tro rác với cao lanh, trường thạch được thể hiện tại bảng 6.

Bảng 6: Kết quả khảo sát cường độ chịu nén của sản phẩm đóng rắn từ tro rác với cao lanh, trường thạch [6]

Kết quả đo cường độ chịu nén của vật liệu đóng rắn đạt từ 4,8 đến 6,0MPa, đáp ứng được độ cứng theo tiêu chuẩn gạch bê tông M5 theo TCVN 6477:2016. Như vậy, phương pháp đóng rắn này hoàn toàn phù hợp với định hướng nghiên cứu chế tạo gạch không nung dùng trong xây dựng cơ bản [6].

Hình 4. Quy trình sản xuất gạch không nung từ tro đốt CTRSH

3.2. Nhu cầu sử dụng gạch không nung để xây dựng các công trình trong Quân đội

a. Tính chất, loại công trình xây dựng trong Quân đội

Trong môi trường quân đội, hệ thống doanh trại được thiết kế và triển khai theo tính đặc thù, nhằm đáp ứng mọi nhu cầu về làm việc, ăn ở, sinh hoạt, hoạt động văn hóa thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe, v.v…và sẵn sàng chiến đấu. Do tính đặc thù huấn luyện, cần cơ động nên các công trình thường xây thấp tầng (bảng 8). Đặc thù Quân đội có nhiều đơn vị, mỗi đơn vị có một nhiệm vụ riêng. Phòng không có nhiệm vụ bảo vệ canh giữ bầu trời, Bộ binh và Biên phòng đảm bảo bình yên đất liền; Cảnh sát biển và Hải quân bám đất giữ biển. 

Bảng 7: Các hạng mục chính trong doanh trại

Các khu chức năng chính theo quy định như doanh trại gồm: Khu trung tâm (bao gồm sở chỉ huy, làm việc, học tập...); khu sinh hoạt (bao gồm ngủ, nghỉ, vui chơi giải trí, các hoạt động tập thể); khu huấn luyện thao trường, bãi tập; khu huấn luyện điều lệnh, rèn luyện thể lực và hoạt động thể thao; khu kho tàng, kỹ thuật; khu tăng gia sản xuất; khu dự trữ phát triển [15].

b. Nhu cầu xây dựng công trình trong Quân đội

Hàng năm, vấn đề xây dựng cơ bản trên cả nước nói chung và trong Quân đội nói riêng ngày một phát triển, đầu tư mạnh mẽ. Theo báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổng mức vốn ngân sách nhà nước (NSNN) thuộc kế hoạch đầu tư công 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 120.000 tỷ đồng so với mức đã báo cáo tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Trong đó, bao gồm 1,5 triệu tỷ đồng vốn ngân sách trung ương (NSTW) và 1,37 triệu tỷ đồng vốn ngân sách địa phương (NSĐP). Tổng số vốn NSTW dự kiến bố trí trong dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho 13 ngành, lĩnh vực.

Trong đó, vốn tập trung cao nhất cho các hoạt động kinh tế chiếm 74,1% của tổng số vốn kế hoạch, tiếp đến là lĩnh vực quốc phòng, chiếm 7,7% và Giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp chiếm 3,8%...[17].

Theo đó, tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực Quốc phòng giai đoạn 2021-2025 chiếm 7,7% tương đương 220.990 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực Quốc phòng được phân bổ cho nhiều đơn vị: Hải quân, Công Binh, Pháo Binh, Biên Phòng, Không quân, Cảnh sát biển, các Quân Khu, Quân đoàn, Thông tin, Hoá Học, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS),…

Bảng 8: Nhu cầu đầu tư xây dựng tại một số đơn vị trong Quân đội [18]

Với tổng vốn đầu tư khoảng 220.990 tỷ đồng, trong toàn quân ước tính tổng số dự án đầu tư xây dựng lên tới 400 dự án được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, trung bình mỗi năm khoảng 80 dự án với vốn đầu tư trung bình mỗi năm khoảng 44.000 tỷ đổng. Dự báo tính toán lượng gạch không nung sử dụng tại một số công trình điển hình trong Doanh trại Quân đội được trình bày tại bảng 9.  

Bảng 9: Lượng gạch không nung sử dụng tại một số công trình điển hình trong Doanh trại Quân đội [19]

Như vậy ước tính trung bình với 01 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng, Quân đội cần tiêu thụ khoảng 31.200 viên gạch không nung, tương đương trung bình mỗi năm tiêu thụ khoảng 1,4 triệu viên. Với lượng tiêu thụ lớn như vậy, nếu có thể sử dụng tro đốt từ quá trình đốt CTRSH làm gạch không nung đạt tiêu chuẩn và được Bộ Quốc phòng phê duyệt sử dụng trong các công trình trong toàn quân sẽ góp phần giảm chi phí đầu tư xây dựng, đồng thời tháo gỡ được khó khăn trong công tác xử lý CTRSH, đặc biệt là tìm được hướng đi mới để xử lý tro xỉ sau đốt CTRSH.

4. Kết luận

Việc nghiên cứu cơ chế hình thành, thành phần của tro xỉ từ lò đốt rác sinh hoạt làm cơ sở đề xuất một số phương án tận dụng, phục vụ cho việc quản lý và sử dụng nguồn chất thải này hợp lý, góp phần phát triển bền vững là một nhu cầu hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, gạch không nung có nhiều ưu điểm vượt trội khi sử dụng làm vật liệu xây dựng như: là vật liệu cách âm tốt; có khả năng cách nhiệt tốt, tiết kiệm năng lượng đáng kể: được làm từ xi măng cốt liệu nên có độ bền cực cao; thân thiện môi trường. Kết quả nghiên cứu bước đầu đã đưa ra được định hướng tái sử dụng tro từ lò đốt CTRSH để sản xuất gạch không nung phục vụ trong quân đội ở Việt Nam trong thời gian tới góp phần giảm thiểu phát thải ô nhiễm môi trường và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn trong tương lai.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Quang, 10/01/2024, Tạp chí điện tử Công nghiệp môi trường.
[2] Vũ Thị Mai, 2018, Xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp.
[3] Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019, chuyên đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
[4] Phan Anh, 02/07/2023, Báo Điện tử của tỉnh Hải Dương.
[5] Cao Tiến Phú, Hoàng Lê Anh, Nguyễn Thị Kim, Lê Văn Quang, Huỳnh Trọng Phước, Tạp chí Vật liệu & Xây dựng Tập 12 số 02 (2022), Nghiên cứu một số tính chất của tro xỉ đốt chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam và tiềm năng sử dụng làm vật liệu xây dựng.
[6] Phạm Thị Mai Hương, Nguyễn Quang Tùng, Nguyễn Hùng Ngạn, Đỗ Thị Cẩm Vân, Hoàng Văn Huy, Phạm Thị Thanh Yên, (6/2020), Nghiên cứu quá trình xử lý khí thải và xử lý tro rác của lò đốt chất thải sinh hoạt, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, tập 56, Số 3. 
[7] Ngô Trà Mai, Bùi Quốc Lập, Nghiên cứu thành phần và đề xuất cách thức sử dụng tro xỉ từ lò đốt rác sinh hoạt phát điện, Khoa học kỹ thuật thủy lợi và môi trường - số 48 (3/2015).
[8] Thân Đình Vinh, Tạp chí Môi trường, số 10/2019.
[10] https://dmcline.vn/day-chuyen-san-xuat-gach-nung-dmcline.html
[11] https://canthanh.com.vn/tim-hieu-cong-nghe-san-xuat-gach-khong-nung-moi-nhat.html.
[12] https://dmcline.vn/day-chuyen-san-xuat-gach-khong-nung-dmcline.html
[13] http://vatlieuxaydung.org.vn/vlxd-co-ban/nhung-loi-ich-cua-gach-khong-nung-12260.html
[14] Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng.
[15] Học viện Hậu cần (2010), Giáo trình nguyên lý thiết kế kiến trúc và quy hoạch doanh trại, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội.
[16] Viện Thiết kế/TCHC (2014), Thiết kế mẫu Tiểu đoàn bộ binh đủ quân.
[17] http://vietnambiz.vn/vung-nao-duoc-phan-bo-von-NSNN-nhieu-nhat-cho-dau-tu-cong-5-nam-toi-20210719121826508.html
[18] Kế hoạch đầu tư trung hạn năm 2021-2025, Bộ Quốc phòng. 
[19] Hồ sơ thiết kế BVTC dự án: Doanh trại cơ quan Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận/Quân khu 5, (2024), Viện Thiết kế/TCHC.

Bình luận