Đề xuất 30 chính sách tổ chức mô hình chính quyền đô thị
Chiều 14/5, tại Phiên họp thứ 33, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Trình bày Tờ trình báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực tiễn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, TP Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả nổi bật về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và đẩy mạnh cơ chế phân cấp, ủy quyền từ chính quyền Thành phố cho chính quyền quận, phường.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 119/2020/QH14 đang chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị, còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực, lan tỏa.
Thành phố còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về: Cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính của UBND quận, phường; liên thông cán bộ và biên chế công chức phường; thẩm quyền của HĐND quận, phường.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, mục đích xây dựng dự thảo Nghị quyết là xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của mô hình chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 và tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Quốc hội.
Theo đó, nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết quy định 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 cơ chế, chính sách cụ thể về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng; Các chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm… trình UBTVQH, Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, theo trình tự thủ tục rút gọn tại một kỳ họp Quốc hội.
Quy định cụ thể, tránh ban hành văn bản hướng dẫn
Trình bày Báo cáo Thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, để có căn cứ vững chắc cho việc xem xét, quyết định, đề nghị Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết đánh giá cụ thể hơn mặt tích cực và những thách thức, nhất là đối với các chính sách tác động đến thu, chi NSNN, tác động đến vai trò chủ đạo của NSTW và nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách. Làm rõ hơn kết quả đầu ra của từng chính sách…
Thẩm tra nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị làm rõ hơn quy định tại khoản 6 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết nội dung về việc “UBND phường trình UBND quận để trình cấp có thẩm quyền”. Cấp có thẩm quyền là cấp nào, cần quy định cụ thể, rõ ràng, khả thi, tránh phải ban hành văn bản hướng dẫn trong triển khai thực hiện.
Đối với nhóm 21 chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, trong đó có nhóm chính sách tương tự, đã được áp dụng tại các địa phương khác hoặc áp dụng tương tự nhưng có điều chỉnh bổ sung, cần mở rộng thêm một số nội dung, chính sách mới.
Đáng chú ý, đối với một số nội dung giao Chính phủ nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển Trung tâm tài chính tại TP Đà Nẵng, đề nghị dự thảo Nghị quyết không quy định về vấn đề này, vì chủ trương phát triển Trung tâm tài chính tại TP Đà Nẵng cần được đặt trong tổng thể Đề án chung và được cấp có thẩm quyền cho ý kiến, bảo đảm đúng thẩm quyền. Hơn nữa, Nghị quyết của Quốc hội không nên giao Chính phủ quy định một vấn đề chưa rõ căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý và chưa rõ nội hàm.
Góp ý cho dự thảo Nghị quyết tại phiên họp, một số ý kiến cho rằng, có những chính sách đề xuất khác với quy định hiện hành. Do vậy, những chính sách đã chín, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh mới đưa vào Nghị quyết; đối với vấn đề chưa chín cần tiếp tục nghiên cứu.
Cần quan tâm đến tính trọng tâm, trọng điểm; tính đặc thù; tính đột phá; tính hợp lý, khả thi và tính lan tỏa, tác động sâu rộng của chính sách; chú trọng chính sách để phát triển TP Đà Nẵng là thành phố cảng biển đô thị quốc tế, đảm bảo vai trò trọng điểm phát triển miền Trung kết nối với khu vực Tây nguyên.
Chính sách trong dự thảo Nghị quyết cũng cần tập trung tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật đang cản trở tiến trình phát triển của TP Đà Nẵng, góp phần khai thông nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh; đề cao vai trò điều hành, kiểm soát quá trình triển khai thực hiện chính sách.
Đối với các cơ chế, chính sách đặc thù đã được áp dụng cho các địa phương khác, cần tiếp tục rà soát làm rõ hơn về sự cần thiết, tính khả thi; đối với chính sách mới không nhắc lại trong Nghị quyết các chính sách đã được quy định tại các luật vừa được Quốc hội thông qua…
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 đề nghị thí điểm 30 chính sách cụ thể gồm: 9 chính sách về tổ chức chính quyền đô thị TP Đà Nẵng và 21 chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Trong số 21 chính sách đặc thù, có 6 chính sách tương tự như Quốc hội đã cho phép áp dụng tại một số địa phương; 10 chính sách tương tự nhưng điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn của TP Đà Nẵng; và 5 chính sách đề xuất mới.