Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, Bộ TN&MT, UBND các địa phương có liên quan tại khu vực ĐBSCL chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc giải quyết dứt điểm trong tháng 6/2024 đối với nguồn vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm trong khu vực.
Trước đó, ngày 11/5, tại tỉnh Vĩnh Long, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với các Bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL và một số địa phương về giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ cần khoảng 63 triệu m3 cát để triển khai thi công 16 dự án trọng điểm. Tổng nhu cầu vật liệu đắp nền cho các dự án là khoảng 70 triệu m3, trong đó đất đắp khoảng 7 triệu m3, cát đắp khoảng 63 triệu m3.
Đối với đất đắp, nguồn cung chủ yếu tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay đã xác định được nguồn cung là 2/7 triệu m3. Với nguồn cung cát, đến nay đã xác định được 37/63 triệu m3 (chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL), còn thiếu 26 triệu m3.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, muốn bảo vệ ĐBSCL, việc tìm nguồn vật liệu thay thế cát sông là rất cần thiết và đưa vào sử dụng cát biển cho san lấp dự án tại những khu vực thuận lợi.
Phó Thủ tướng lưu ý việc khai thác nguồn vật liệu từ các bãi bồi nằm ở những vị trí không ảnh hưởng đến dân cư, công trình và nhấn mạnh không để xảy ra tình trạng công trình phải “chờ cát”.
Riêng dự án vành đai 3 (TP.HCM) còn thiếu khoảng 3 triệu m3 cát, Phó Thủ tướng yêu cầu TP.HCM, BQLDA, nhà thầu và tỉnh Tiền Giang... cần rút ngắn thời gian cấp phép theo cơ chế đặc thù, không để chậm trễ nguồn vật liệu san lấp.
Bộ GTVT phân cấp thẩm quyền cho địa phương về việc nạo vét các tuyến sông, nhằm thực hiện thuận lợi lưu thông đường thủy và sử dụng nguồn vật liệu này cho các công trình trọng điểm.