
Sáng 30/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.
Quy định rõ mối quan hệ giữa các quy hoạch
Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật được xây dựng nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.
Theo đó, Luật Quy hoạch được sửa đổi theo hướng quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhằm giải quyết vướng mắc về căn cứ lập quy hoạch khi quy hoạch cấp trên chưa được phê duyệt. Quy định “quy hoạch đô thị và nông thôn” là "quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành” để phù hợp với tính chất của loại quy hoạch này và đồng bộ với quy định tại dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn…

Luật Đầu tư được sửa đổi theo hướng phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết hạ tầng KCN, KCX; dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt và dự án đầu tư không phân biệt quy mô thuộc phạm vi bảo vệ của khu vực I và khu vực II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt...
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được sửa đổi theo hướng khuyến khích thực hiện đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công, trừ các dự án thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội...
Luật Đấu thầu được sửa đổi một số nội dung để cho phép phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt, hoặc ký hợp đồng với nhà thầu trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết, nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu; cho phép áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, đấu thầu quốc tế, đấu thầu trong nước trong trường hợp đối tác phát triển, nhà tài trợ nước ngoài yêu cầu áp dụng…
Tránh một nội dung quy định tại nhiều Luật
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các Luật thuộc Dự án Luật với cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đã được nêu tại Tờ trình số 675/TTr-CP của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, Báo cáo đánh giá tác động còn nhận định chung chung, định tính, thiếu số liệu minh chứng thể hiện sự cấp bách và vướng mắc trên thực tiễn.
Đặc biệt, một số chính sách còn nhận định chưa thể đánh giá cụ thể các tác động về kinh phí mang tính định lượng, thiếu cơ sở để lựa chọn giải pháp phù hợp, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung làm rõ.
Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến trình tự lập quy hoạch, nội dung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là các quy hoạch được lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.

Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Chính phủ cũng đề xuất ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản, sửa đổi Luật Điện lực và Luật Di sản văn hóa sửa đổi với các nội dung về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; nhưng không đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay các quy định có liên quan đến các nội dung nói trên tại Luật Quy hoạch.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý các dự thảo Luật để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; tránh một nội dung quy định tại nhiều Luật dẫn tới chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật; đơn giản hoá trình tự, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch.
Đối với nội dung về danh mục dự án trong nội dung của các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh trong sửa đổi Luật Quy hoạch, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi các quy định có liên quan đến việc đánh giá sự phù hợp với quy hoạch tại các Luật và một số dự thảo Luật đang trình Quốc hội.
Về thủ tục đầu tư đặc biệt trong Luật Đầu tư, đề nghị rà soát kỹ và quy định rõ ràng, chặt chẽ đối tượng được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt; bảo đảm việc phân cấp thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bổ sung chế tài gắn trách nhiệm cụ thể, xử lý vi phạm…
Theo Tờ trình của Bộ KH&ĐT, quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch trong thực tiễn có một số vướng mắc, khó khăn: (1) Quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành không thuộc phạm vi điều chỉnh, không thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch nhưng lại được định nghĩa và liệt kê danh mục tại Phụ lục về danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch, gây khó khăn, vướng mắc trong lập và thực hiện quy hoạch;
(2) Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cụ thể hoá quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nhưng Luật Quy hoạch lại không quy định mối quan hệ giữa quy hoạch này với từng cấp, loại quy hoạch dẫn đến nhiều vướng mắc trong lập và thực hiện quy hoạch, làm giảm hiệu quả của công tác quy hoạch;
(3) Do không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch, các quy định về nguyên tắc cơ bản, kinh phí, hợp tác quốc tế, giám sát và các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch tại Luật Quy hoạch không được áp dụng thống nhất với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, dẫn đến vướng mắc trong bố trí kinh phí và ảnh hưởng lớn tới tiến độ lập, thẩm định, điều chỉnh các quy hoạch này;
(4) Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng lại có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và được lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Việc quy định trong Luật Quy hoạch dẫn đến khó khăn trong áp dụng pháp luật, xác định vai trò của quy hoạch nông thông và kinh phí cho loại quy hoạch này.