Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến về giải quyết vướng mắc trong khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường phục vụ thi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường là công tác chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng mà hầu hết các địa phương đã và đang gặp phải trong quá trình thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Lý do là việc thực hiện các thủ tục này kéo dài thời gian thực hiện, ảnh hưởng chung đến tiến độ Dự án.
Do vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành hướng dẫn giải quyết.
Xét đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Ngãi, hướng dẫn các địa phương liên quan thực hiện công tác chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng; sửa đổi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi quy định, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập; hoàn thành trong tháng 10/2023.
Theo Bộ GTVT, hiện tại toàn bộ 25 gói thầu xây lắp thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) đã được tổ chức thi công. Đến nay, giá trị sản lượng hoàn thành đạt gần 8.200 tỷ đồng, đạt hơn 9% giá trị hợp đồng, chậm hơn 1% so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu vật liệu đắp nền.
Theo kết quả tính toán của Bộ GTVT, tổng nhu cầu vật liệu đá cho 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa là hơn 17 triệu m³; cát khoảng hơn 9 triệu m³; đất đắp khoảng gần 46 triệu m³. Hai dự án thành phần đoạn đoạn Cần Thơ - Cà Mau cần tổng cộng hơn 1,3 triệu m³đá, khoảng 1,5 triệu m³ đất đắp và hơn 18 triệu m³ cát đắp nền đường.
Tình hình cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án hiện đang còn chậm so với yêu cầu.