Giải quyết vướng mắc trong quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch

12:46 19/03/2024
Một số địa phương có những khó khăn, vướng mắc nhất định trong quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, các nội dung về xác định phạm vi công trình, giao tài sản, xử lý tồn tại…

Trong đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã được Bộ Tài chính hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, khoản 1 Điều 1 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP về phạm vi điều chỉnh của Nghị định, quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch do nhà nước đầu tư, quản lý gồm: (1) Tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung; (2) Tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị.

Việc phân loại, xác định công trình cấp nước sạch đô thị và công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thực hiện theo quy định của pháp luật về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch (Nghị định số 117/2007/NĐ-CP và Nghị định số 124/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch) thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn lấy ý kiến của Bộ Xây dựng về nội dung này.

Về việc giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch cho doanh nghiệp (DN) nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước theo hình thức ghi tăng vốn nhà nước tại DN; Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Nghị định số 43/2022/NĐ-CP, tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch được giao cho các đối tượng gồm: DN nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, UBND cấp xã, cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch.

Trong đó, trường hợp giao tài sản cho DN nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước có chức năng sản xuất, kinh doanh nước sạch theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về DN, pháp luật về sản xuất, kinh doanh nước sạch, thì thực hiện giao theo hình thức ghi tăng vốn nhà nước để thực hiện việc sản xuất, kinh doanh nước sạch theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, pháp luật về DN và pháp luật có liên quan.

Bộ Tài chính cho biết, liên quan đến vấn đề này, Bộ KH&ĐT đã có  Công văn số  5002/BKHĐT-PTDN ngày 29/6/2023 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc duy trì/không duy trì tỷ lệ vốn nhà nước tại các DN đã cổ phần hóa hoạt động trong ngành, lĩnh vực “khai  thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn” trong đó đề nghị  UBND các tỉnh thực hiện việc rà soát, báo cáo tình hình hoạt động trước/sau cổ phần hóa, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ, đánh giá thuận lợi, khó khăn và đề xuất, kiến nghị giải pháp.

Đồng thời, Bộ Tài chính có Công văn số 13208/BTC-QLCS ngày 29/11/2023 gửi Bộ KH&ĐT về việc tăng vốn điều lệ, duy trì tỷ lệ vốn nhà nước tại các DN hoạt động trong ngành, lĩnh vực “khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch đô thị, nông thôn”.

Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn có ý kiến với Bộ KH&ĐT về nội dung vướng mắc này đến Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về quy định xử lý tồn tại đối với tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị đã giao cho DN có vốn nhà nước theo hình thức giao tài sản không tính thành phần vốn nhà nước tại DN; Bộ Tài chính cho biết việc xử lý tồn tại đối với tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đã được quy định tại Điều 26 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP; trong đó, đối với tài sản kết cấu hạ tâng cấp nước sạch đô thị đã giao cho DN có vốn nhà nước theo hình thức giao tài sản không tính thành phần vốn nhà nước tại DN, thì DN có vốn nhà nước được lựa chọn giao theo hình thức  tăng vốn nhà nước tại DN theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP, hoặc giao theo hình thức có hoàn trả giá trị tài sản cho nhà nước quy định tại các khoản 7, 8 và 9 Điều 26 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP.

Căn cứ quy định nêu trên, đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch thực hiện việc rà soát, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch trên địa bàn, trong đó có trường hợp tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị đã giao cho DN có vốn nhà nước theo hình thức giao tài sản không tính thành phần vốn nhà nước tại DN, để lập phương án khai thác tài sản báo cáo UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

Ngày 15/12/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 73/2022/TT-BTC quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch là tài sản cố định do nhà nước đầu tư, quản lý giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo quy định tại Nghị định số 43/2022/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, gồm: Tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung; Tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị.

Theo Điều 3 Thông tư số 73/2022/TT-BTC, một trong những tiêu chuẩn nhận biết tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch là một hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh hoặc từng tài sản độc lập thỏa mãn đồng thời cả 02 tiêu chuẩn là tài sản cố định như: (1) Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên; (2) Có nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên…

Bình luận