Giảm bớt ám ảnh của điện than!

07:00 07/02/2025
Cho dù Việt Nam vẫn còn phải duy trì hệ thống điện than lớn trong những năm sắp tới để giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế quốc gia, thì Chính phủ Việt Nam vẫn đang có những nỗ lực cao để giảm thiểu những tác hại đến môi trường trong lĩnh vực này.

Khi nghe được tin Bộ TN&MT vừa cấp giấy phép môi trường cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) với thời hạn 7 năm, không ít người mong rằng tất cả các nhà máy nhiệt điện than của nước nhà đều đạt được các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường như vậy.

Mặc dù Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050 nhưng không mấy ai biết rằng cho đến nay, trên dưới 50% sản lượng điện của Việt Nam vẫn bắt nguồn từ… nhiệt điện than!

Chẳng hạn như năm 2024, con số thống kê 4 tháng đầu năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 96,16 tỷ kWh thì nhiệt điện than 56,89 tỷ kWh, chiếm tới 59,2%... Theo các nghiên cứu, quá trình đốt điện than sẽ giải phóng một lượng lớn bụi mịn PM2.5 và khí CO2, NOx, SO2 vào khí quyển…, tạo ra nỗi ám ảnh không nhỏ đến đời sống thường ngày của con người.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (Ảnh: EVN).

Tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân lớn nhất cả nước có 4 nhà máy với tổng công suất 4.400 MW, tổng vốn đầu tư trên 6 tỷ USD. Trong đó có nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có tổng công suất là 1.200 MW, gồm 2 tổ máy công suất tinh 600 MW/tổ máy; hệ thống xử lý nước cấp, công suất 155 m3/h; hệ thống xử lý nước khử khoáng công suất 60 m3/h; hệ thống xử lý nước ngưng, công suất 1.520 m3/h…

Với một cơ sở nhiệt điện than có công suất lớn như vậy, để bảo đảm các tiêu chí giảm lượng phát thải khí nhà kính ở mức thấp nhất, nhà máy cần có nhiều dự án thành phần kèm theo cùng với những nỗ lực cao của bộ máy điều hành.

Nhà máy phải có biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung đáp ứng yêu cầu và quản lý chất thải theo quy định pháp luật; có sổ nhật ký vận hành, ghi chép đầy đủ thông tin vận hành công trình xử lý nước thải.

Nhà máy phải có hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục cần được truyền dẫn thường xuyên, ổn định dữ liệu, số liệu về Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận. Thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục phải được thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường. Hệ thống quan trắc nước thải phải được kiểm soát chất lượng định kỳ một lần/năm.

Nhà máy phải có hệ thống thu gom và thoát nước mưa, có hố ga lắng cặn, tách váng dầu trước khi xả vào hệ thống thoát nước mưa chung của khu vực. Hệ thống này cần được nạo vét thường xuyên, duy tu, bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo luôn trong điều kiện vận hành bình thường. Nhà máy chịu hoàn toàn trách nhiệm khi xả nước thải không đảm bảo các yêu cầu ra môi trường.

Nhà máy có trách nhiệm vận hành thường xuyên, đúng quy trình các công trình xử lý chất thải, bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường…

Nêu lại các yêu cầu khắt khe về quản lý môi trường đối với các cơ sở nhiệt điện than như vậy để thấy rằng, cho dù Việt Nam vẫn còn phải duy trì hệ thống điện than lớn trong những năm sắp tới để giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế quốc gia, thì Chính phủ Việt Nam vẫn đang có những nỗ lực cao để giảm thiểu những tác hại đến môi trường trong lĩnh vực này, bảo đảm cam kết cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Bình luận