Ngày 11/4, tại TP.HCM đã diễn ra Tọa đàm tham vấn ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đồng chủ trì Tọa đàm. Dự Tọa đàm có các Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tổ tư vấn, đại diện lãnh đạo TP.HCM, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM…
Báo cáo tại Tòa đàm cho thấy, trong 14 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị, 9 năm thi hành Luật Xây dựng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, nông thôn đã cơ bản được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện trong thực tiễn, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, xoay quanh các vấn đề bức thiết hiện nay như: Làm rõ các khái niệm và phân định rõ phạm vi áp dụng của các khu chức năng trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; quy định loại hình nào cần phải lập quy hoạch phân khu, cấp nào ra quyết định, phân cấp khi có điều chỉnh quy hoạch, việc xin ý kiến người dân ở giai đoạn nào cho phù hợp…
Tham luận lại Tọa đàm, bà Phạm Thị Hồng Yến - Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu vấn đề: “Mục tiêu của việc điều chỉnh Luật là để thấy được quy định như vậy có phù hợp với thực tiễn hay không? Quy hoạch nông thôn thì mối quan hệ giữa nông thôn và đô thị được thể hiện như thế nào? Cần phân định rõ cái bao quát và cái cụ thể, thống nhất tại các điều của Luật để không nhầm lẫn khi thực hiện. Ví dụ như quy hoạch ngầm đô thị thành phố trực thuộc Trung ương được thể hiện tại 2 điều trong Luật, vậy làm thế nào để chỉ rõ cách áp dụng…”.
Đối với đô thị loại đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM, ông Trương Trung Kiên - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM tham luận các vấn đề như: Quy hoạch nông thôn trong đô thị như TP.HCM, nếu áp dụng theo quy định chung sẽ có những vướng mắc nhất định. Để giải quyết vướng mắc, nông thôn nên tách ra làm 2 phần: Nông thôn trong đô thị nên được coi là khu chức năng của đô thị, sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật về đô thị; phần nông thôn nằm ngoài đô thị áp dụng yêu cầu quy hoạch đối với nông thôn “rõ ràng 1 xã nằm ở vùng nông thôn khác với 1 xã nằm trong TP.HCM” - ông Kiên nhấn mạnh.
Về khu chức năng trong đô thị, ông Kiên cho rằng trong các đô thị thì đại đa số các khu chức năng là hỗn hợp, rất ít khu chức năng chuyên biệt. TP.HCM cũng vậy, khu chức năng hỗn hợp sẽ có khu công nghệ cao, khu dịch vụ, khu dân cư, trung tâm thương mại, logistics… "Các khu chức năng này trong quá trình lập đồ án quy hoạch đã lập ra như vậy. Cho nên có cần thiết phải lập quy hoạch chung của các khu chức năng không? TP.HCM không có khu chức năng nằm ngoài đô thị, nên không cần phải lập quy hoạch chung cho các khu chức năng đó. Nếu Luật ghi phải lập quy hoạch chung cho các khu chức năng thì sẽ hiểu là tất cả các khu chức năng đều phải lập quy hoạch chung". Ông Kiên nêu quan điểm và đề xuất: "Nếu quy mô của khu chức năng lớn hơn đô thị loại 2 thì sẽ lập quy hoạch theo quy định để giảm bớt các thủ tục".
Đánh giá cao sự điều chỉnh của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trong công tác quản lý khi “tích hợp” được cả Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng, bà Dương Thảo Hiền - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Luật mới đã phân cấp những cấp độ quy hoạch, quy định đơn giản hơn và so với thực tiễn hiện nay. Nhiều nút thắt, vướng mắc đã được tháo gỡ.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ cấp quản lý và thực hiện, bà Hiền kiến nghị việc lấy ý kiến nhân dân nên lấy 1 lần duy nhất ở quy hoạch chung, còn quy hoạch các khu chức năng khi giao cho nhà đầu tư, tiếp đó lại phải đi lấy ý kiến nhân dân nữa sẽ gây rắc rối. Ví dụ như khu chức năng có nhà máy xử lý rác thải, khi điều chỉnh các dự án trong khu chức năng, quy hoạch đã được phân khu không cần lấy ý kiến của nhân dân thêm một lần nữa.
Một trong những bất cập do quy định chưa rõ của Luật mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang vướng, đó là tỉnh có cảng quy mô 100 ha được thực hiện theo Luật Hàng hải, nhưng hoạt động đầu tư xây dựng tại cảng lại không có cơ quan nào quản lý.
Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá: Bộ mặt đô thị và kiến trúc các đô thị của chúng ta phát triển từng ngày, trong đó làng trong phố và phố trong làng là một thực tế của sự phát triển. Luật mới đã phân loại, phân cấp ra loại nào cần xin ý kiến Chính phủ hoặc Bộ Xây dựng, loại nào chính quyền địa phương tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Không phải đô thị nào cũng cần phân khu, trong khi lập quy hoạch phân khu rất tốn kém. Nên phân định đô thị loại 3, 4, 5 không cần có quy hoạch phân khu để tiết kiệm thời gian và chi phí. Bỏ đi không có nghĩa là không phân khu mà khi lập quy hoạch chung thì tích hợp quy hoạch phân khu vào đấy luôn.
Ông Chính cũng cho rằng, quy hoạch không gian ngầm là rất quan trọng, phải có quy hoạch không gian ngầm để tạo nên sự kết nối chung tại các đô thị đặc biệt, không chỉ cho hệ thống metro mà cho cả hệ thống đỗ xe. Nếu không có nội dung quy định về không gian ngầm, các đô thị như Đà Nẵng hay Hải Phòng sẽ kẹt xe không khác các đô thị lớn.
Đánh giá cao những tham luận, ý kiến đóng góp tại Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tập trung điều chỉnh về trình tự thủ tục để giải quyết các vướng mắc trong thời gian vừa qua. Hiện, nông thôn mới có đến 19.000 đơn vị. Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được lập dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy chuẩn, có sự kế thừa các quy định của luật trước đó và nghiên cứu luật của các nước trên thế giới về quy hoạch.
Luật mới đã rút ngắn lại, giảm thủ tục hành chính và phân cấp cho địa phương. Điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo lợi ích cho người dân, chính vì thế điều chỉnh cục bộ hay điều chỉnh quy hoạch chung đều phải có rà soát lại. Bộ Xây dựng tiếp thu những ý kiến đóng góp và tiếp tục cụ thể hóa các điều khoản thi hành tại Thông tư.