Giãn dân nhờ… metro!

07:00 31/01/2025
Những ngày Tết Ất Tỵ, người dân Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nô nức đi chơi Tết bằng… metro, đông ngoài sức tưởng tượng. Có nơi, khách du xuân phải chờ cả giờ đồng hồ; có nơi, nhà tàu phải tăng chuyến, thu hẹp giãn cách mỗi chuyến…

Chẳng phải chỉ các chuyên gia mà những người dân bình thường cũng hiểu được rằng, khi các phương tiện giao thông công cộng tăng lên thì cuộc sống của người dân xa trung tâm được cải thiện rõ rệt, không những tính toán về thời gian đi lại mà về tiền bạc chi tiêu trong nhiều gia đình cũng được cải thiện đến bất ngờ.

Xin lược thuật lại câu chuyện khá ấn tượng của một gia đình đã được đăng tải trên Vnexpres hôm mới đây làm ví dụ. Trước tháng 6/2024, anh Phạm Đức, 32 tuổi, cùng vợ và hai con 2 tuổi và 5 tuổi thuê căn tập thể 60 m2 trên đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân (Hà Nội), giá 7,5 triệu đồng/tháng. Chi sinh hoạt của gia đình bốn người khoảng 26 triệu đồng mỗi tháng.

Công ty cách nhà chừng 4 km nhưng ngày nào anh Đức cũng mất hơn một giờ đồng hồ di chuyển. Thường xuyên tắc đường nên vợ chồng anh không ngày nào kịp đón con, phải thuê người đưa đón và trông hộ đến 20h.

Bước ngoặt của gia đình bắt đầu từ tháng 7/2024 khi họ quyết định chuyển về quê tại phường Biên Giang, quận Hà Đông, vùng giáp huyện Chương Mỹ, gần đầu tuyến metro Cát Linh- Hà Đông sống để giảm chi phí. Căn nhà ba tầng, mặt sàn 35 m2 đầy đủ tiện nghi ở phường Biên Giang có giá thuê 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Học phí của hai con giảm từ 8 triệu xuống 4 triệu đồng. Hàng ngày, thay vì kẹt cứng trong dòng xe cộ, anh Đức đi xe máy đến Ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) và lên tàu điện trên cao. Sau 20 phút, anh xuống ga La Thành, quận Đống Đa và đi bộ vào công ty cách đó 5 phút.

Chuyển về ngoại thành giúp tổng chi tiêu của gia đình anh Đức giảm từ 26 triệu xuống 10 triệu đồng. Khoản dư ra này được bổ sung vào ngân sách tích lũy để mua nhà trong tương lai…

Qua câu chuyện trên đây có thể nhận xét rằng, làn sóng giãn dân tự nguyện đã và đang xuất hiện ngay khi các hệ thống metro tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện. Bởi lẽ, khi có hệ thống giao thông công cộng thuận tiện, dù có phải chuyển ra ngoại thành sinh sống, kinh tế gia đình của họ được cải thiện hơn và các nhu cầu về hệ thống hạ tầng xã hội vẫn được bảo đảm…

Bởi thế mới mong hệ thống 15 tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô nhanh chóng trở thành hiện thực, như tuyến Ngọc Hồi - Yên Viên dài hơn 38 km; Nam Thăng Long - Sóc Sơn 47 km; Cát Linh - Hà Đông, kéo dài Xuân Mai dài 33 km; Nhổn - ga Hà Nội, kéo dài đến Sơn Tây 57 km; Văn Cao - Hòa Lạc 38 km; Nội Bài - Ngọc Hồi 43 km…

Mong thì mong vậy nhưng khi nhìn lại “tấm gương trì trệ” cả chục năm của 2 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội mới đưa vào khai thác mới thấy, để tạo ra một làn sóng lịch sử giãn dân tự nguyện của Hà Nội hẳn còn nhiều gian nan!

Bình luận