Giao dịch qua sàn BĐS nhằm tránh rủi ro cho người dân

07:03 26/06/2023
Giao dịch qua sàn để đảm bảo công khai, minh bạch, giúp ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong giao dịch BĐS nhằm minh bạch hóa hoạt động của tất cả các chủ thể tham gia thị trường, tránh rủi ro cho người dân.

Không làm ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch BĐS 

Điều 57 của dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) quy định: “Các giao dịch BĐS phải thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS theo quy định của luật này”. Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua. 

Theo đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn), tại Điều 57 dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) quy định: “Các giao dịch BĐS phải thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS theo quy định của luật này”, do đó để bảo đảm tăng cường kiểm soát công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi người dân trong giao dịch BĐS nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền tự do trong hoạt động, phương thức giao dịch BĐS của người dân, cần làm rõ thêm sàn giao dịch BĐS bao gồm sàn giao dịch trực tiếp hay sàn giao dịch trực tuyến trên các phương tiện điện tử.

Các đại biểu Quốc hội  tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, cân nhắc bổ sung thêm một phương án mở hơn theo hướng phân loại, phân khúc các loại giao dịch BĐS, trong đó có loại giao dịch BĐS buộc phải thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS nhưng cũng có loại chỉ cần giao dịch trực tiếp mà không cần phải qua sàn giao dịch. 

Nêu quan điểm về quy định, các giao dịch BĐS phải thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, trong dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của sàn giao dịch BĐS, người giao dịch qua sàn để đảm bảo an toàn trong giao dịch cho người mua bán.

Quan tâm, bày tỏ quan điểm ủng hộ đối với quy định các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch BĐS, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng quy định về sàn giao dịch BĐS sau khi thực hiện khảo sát, đánh giá tác động nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức thuận lợi trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của sàn giao dịch.

Mặt khác, đảm bảo tính chặt chẽ cũng như là cơ sở pháp lý cho tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động theo hướng phát triển chuyên nghiệp, an toàn và khi luật được Quốc hội thông qua bảo đảm tính khả thi và hiệu quả.  

Ảnh minh họa: Internet.

Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân trong giao dịch BĐS, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đánh giá, bên cạnh việc làm rõ và quy định cụ thể hơn về sàn giao dịch BĐS, môi giới BĐS, về công chứng, đặt cọc, thanh toán trong giao dịch kinh doanh BĐS cũng cần quy định rõ hơn về mối quan hệ giữa xác nhận giao dịch qua sàn với công chứng và đăng ký đất đai. Ngoài ra, cũng cần quy định thêm về trách nhiệm của chủ đầu tư và sàn giao dịch BĐS để bảo đảm quyền lợi cho người mua. 

Quy định giao dịch qua sàn không làm tăng giá bán BĐS

Giải đáp các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ: quy định các giao dịch BĐS hình thành trong tương lai thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS trong dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) dựa trên các cơ sở gồm Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH TW Đảng khóa XIII.

Giao dịch qua sàn để đảm bảo công khai, minh bạch, giúp ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong giao dịch BĐS nhằm minh bạch hóa hoạt động của tất cả các chủ thể tham gia thị trường, tránh rủi ro cho người dân.

Mặt khác, quy định này cũng tăng cường kiểm soát, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người người dân trong giao dịch BĐS nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền tự do trong hoạt động, phương thức giao dịch BĐS của người dân. Qua đó, điều tiết kịp thời để thị trường phát triển lành mạnh, ổn định. Đáng chú ý, quy định giao dịch qua sàn không làm tăng chi phí bất hợp lý cho chủ đầu tư hay làm tăng giá bán BĐS.

Được biết, hiện nay chi phí quản lý bán hàng của chủ đầu tư thường phải xác định trong khoảng từ 8 đến 10% giá bán, bao gồm các chi phí nhân sự, quảng bá, truyền thông, hoa hồng cho người bán hàng. Chi phí này cũng là chi phí đã được chủ đầu tư tính vào giá bán. Vì thế, chủ đầu tư có thể bỏ chi phí sử dụng bộ máy, nguồn lực riêng của mình để tự tổ chức quản lý bán hàng hoặc thành lập sàn hoặc thuê sàn BĐS để thực hiện. 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, giao dịch qua sàn để đảm bảo công khai, minh bạch, giúp ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong giao dịch BĐS nhằm minh bạch hóa hoạt động của tất cả các chủ thể tham gia thị trường, tránh rủi ro cho người dân. Bởi lẽ, các giao dịch BĐS hình thành trong tương lai có nhiều đặc thù như tài sản chưa hình thành, pháp lý của dự án BĐS phức tạp, điều kiện đưa vào kinh doanh phải được kiểm soát theo thực tế triển khai của dự án.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

 

Bình luận