Giao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh để đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ

06:00 02/11/2023
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP.HCM đề nghị VBQPPL chuyên ngành nên giao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ…

Chiều 01/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP.HCM góp ý về kết quả rà soát hệ thống VBQPPL theo chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 101/2023/QH15.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, hiện nay có bất cập khá phổ biến liên quan đến các quy định pháp luật, liên quan tới thẩm quyền chung của UBND và thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND.

Trong đó, phần lớn các VBQPPL chủ yếu quy định thẩm quyền chung của UBND, VBQPPL quy định thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND chiếm chưa đến 50% so với quy định thẩm quyền chung, nhất là thẩm quyền giải quyết các vụ việc cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP.HCM. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh diễn giải cụ thể, quy định pháp luật quy định thẩm quyền chung nên khi triển khai thực hiện UBND phải lấy ý kiến đầy đủ các thành viên Ủy ban thông qua việc tổ chức họp hoặc các phiếu lấy ý kiến.

Đồng thời, cũng nêu 2 ví dụ. Thứ nhất, theo quy định tại Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước chiếm 100% vốn điều lệ. Do đó, có những vụ việc rất cụ thể như phê duyệt quỹ tiền lương thù lao, quỹ tiền thưởng hoặc tăng vốn điều lệ của một doanh nghiệp nhà nước, UBND phải lấy ý kiến đầy đủ của các thành viên Ủy ban.

Hoặc Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, UBND cũng phải lấy ý kiến tất cả các thành viên Ủy ban trước khi ban hành quyết định thu hồi một căn nhà thuộc sở hữu nhà nước mà bị chiếm dụng trái pháp luật…

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo các VBQPPL ở Trung ương, khi quy định thẩm quyền của các địa phương, cần quan tâm đến bất cập này.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề xuất, VBQPPL chuyên ngành chỉ nên quy định thẩm quyền chung của UBND cấp tỉnh đối với những nhiệm vụ của UBND quy định tại Điều 21và Điều 42 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đối với các quy định còn lại, nhất là đối với các quy định về thẩm quyền quyết định những vụ việc cụ thể, nên giao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Việc này không chỉ giúp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu mà còn khắc phục được bất cập hiện nay và đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ.  

Báo cáo số 587/BC-CP của Chính phủ trình Quốc hội ngày 20/10 cho thấy, quá trình triển khai Nghị quyết số 101/2023/QH15, đã có 523 VBQPPL được rà soát ở 22 lĩnh vực trọng tâm. Trong đó, có 6,5% VBQPPL có mâu thuẫn, chồng chép; phần lớn VBQPPL có bất cập, vướng mắc, tập trung ở các văn bản dưới Luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh góp ý, Báo cáo số 587/BC-CP cần làm rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, Báo cáo cần phân tích cụ thể hơn các nguyên nhân chủ quan của tình trạng này, do cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực hiện nghiêm quy trình ban hành VBQPPL hay là việc lấy ý kiến chưa đầy đủ hoặc việc đánh giá tác động của chính sách chưa sâu, mang tính hình thức hay việc tiếp thu, giải trình của các cơ quan soạn thảo có lúc còn mang tính chủ quan.

Cũng tại phiên thảo luận chiều nay, đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng cũng đáng mừng vì trong từng nội dung được phát hiện, Chính phủ đều đã có hướng xử lý khá cụ thể cả về nội dung, tiến độ và cách thức thực hiện. Đối với các văn bản dưới luật, Chính phủ cũng cam kết chỉ đạo sửa ngay… Như vậy rất kịp thời.

Bình luận