Bộ GTVT đang dự thảo nội dung Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải, trong đó xác định 6 lĩnh vực trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, gồm: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và giao thông đô thị.
Theo dự thảo, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh lĩnh vực giao thông đô thị giai đoạn 2022-2030, từ 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45 - 50%; TP.HCM đạt 25%; Đà Nẵng đạt 25 - 35%; Cần Thơ đạt 20%; Hải Phòng đạt 10 - 15%; đô thị loại I đạt ít nhất 5%.
Giai đoạn 2031-2050, từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.
Để đạt được lộ trình này, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh đối với lĩnh vực giao thông đô thị là: Quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng cung cấp điện, năng lượng xanh cho phương tiện giao thông tại các đô thị. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt. Mở rộng, phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện giao thông công cộng. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phi cơ giới, điểm trông giữ phương tiện kết nối hợp lý với các phương thức vận tải hành khách công cộng khác.
Trong đó, Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì hoàn thiện chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đô thị cho phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng xanh; rà soát các quy định, tiêu chuẩn thiết kế đường đô thị có có đường dành riêng cho phương tiện điện và giao thông phi cơ giới.
Theo các chuyên gia, có khoảng 70% dân số sẽ sống ở các đô thị vào năm 2050, trong khi quá trình đô thị hóa tại các nước gây ra các vấn đề về môi trường, kinh tế, xã hội và cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn cầu. Chính vì vậy, phương tiện giao thông tại khu vực đô thị chuyển đổi mạnh mẽ sang phương tiện điện, sử dụng các phương thức vận tải khối lượng lớn như MRT và BRT, giao thông phi cơ giới và sự kết nối giao thông với các khu vực đô thị và khu vực trung tâm đang được quan tâm.
Năm 2020, Singapore công bố “Kế hoạch Singapore xanh 2030”, xác định “Lộ trình xe điện” để đưa xe điện (EV) vào đời sống, cam kết sẽ điện hóa 100% đoàn phương tiện xe buýt vào năm 2040. Chính phủ Singapore đã tập trung vào 3 mục tiêu chính là: giảm/trợ cấp các loại thuế/phí cho xe điện; xác lập các quy định, tiêu chuẩn có liên quan và triển khai phát triện mạng lưới hạ tầng trạm sạc.
Tại Nhật Bản, các loại hình vận tải công cộng được phát triển đa dạng, phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu và gia tăng sự lựa chọn cho người dân. Chính phủ Nhật Bản và chính quyền các thành phố có nhiều chính sách, ưu đãi linh hoạt nhằm khuyến khích sử dụng và quảng bá cho các loại hình vận tải hành khách công cộng; ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí và chi phí mua xe hybrid, xe điện.
Trung Quốc là quốc gia có đoàn phương tiện xe buýt điện lớn nhất thế giới. Năm 2017, trên toàn thế giới có 385.000 xe buýt điện trong đó 99% xe buýt điện hoạt động tại Trung Quốc. Nhiều thành phố tại Trung Quốc đã ngừng mua xe buýt chạy bằng nhiên liệu hóa thạch thông thường và hướng đến mục tiêu phát triển đoàn phương tiện 100% sử dụng điện.