Xu thế tất yếu
Có rất nhiều quan điểm về giao thông xanh, trong đó quan điểm chủ đạo cho rằng giao thông xanh là hình thức sử dụng các phương tiện giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng hạn chế khí thải CO2 và các loại khí khác gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Các phương tiện giao thông xanh gồm: xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG, hoặc xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió…
Nhiều quốc gia trên thế giới như: Hà Lan, Trung Quốc, Anh, Pháp... đã phát triển giao thông xanh theo hình thức khuyến khích người dân sử dụng xe đạp thay cho các loại xe cơ giới. Một số thành phố lớn của Trung Quốc đã cấm hoàn toàn xe máy.
Nhiều nước phát triển đã tăng cường nguồn lực, đầu tư lớn để phát triển mạnh mẽ các loại hình và phương tiện giao thông công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân.
Đồng thời áp dụng nhiều chế tài để hạn chế tối đa sự phát triển các phương tiện cơ giới cá nhân. Ví dụ như Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức thông qua luật cấm bán ô tô mới chạy bằng xăng và dầu diesel trong Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2035.
Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm quốc tế và hiện trạng của các đô thị tại Việt Nam, trong đó có Hà Nội, cần xác định lộ trình, hướng đi phù hợp cho phát triển giao thông xanh với một số nội dung chính.
Trước tiên là ưu tiên phương tiện giao thông “sạch”, thúc đẩy việc sử dụng: ô tô điện, xe buýt chạy bằng năng lượng tái tạo, xe đạp... Điều này sẽ giúp giảm lượng khí thải độc hại và ô nhiễm không khí trong thành phố, cải thiện sức đề kháng của môi trường và sức khỏe của người dân.
Khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm để giảm UTGT và xe cơ giới cá nhân. Điều này sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm không khí cũng như tiếng ồn.
Ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý, vận hành hệ thống giao thông. Đây là hình thức đi tắt hiệu quả trong quản lý, phát triển giao thông, giúp tối ưu hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tình trạng thiếu hụt trong cơ cấu và loại hình phương tiện.
Đồng thời việc ứng dụng công nghệ cũng sẽ giúp quản lý ý thức của người tham gia giao thông, khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn giao thông công cộng; giúp bù đắp phần thiếu hụt trong các trụ cột để phát triển giao thông đô thị bền vững.
Xây dựng hạ tầng xanh là nền tảng để phát triển giao thông xanh, ví dụ như tạo ra các làn đường riêng cho xe đạp, hệ thống công viên, cây xanh và các công trình thân thiện với môi trường như: trạm xe buýt xanh…
Giao thông xanh cần sự thay đổi thái độ và văn hóa giao thông của cộng đồng. Người dân cần được giáo dục về việc sử dụng phương tiện giao thông bền vững và chia sẻ đường với người khác để dần dần thay đổi thái độ và bồi đắp văn hóa giao thông.
Chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận có thể thúc đẩy giao thông xanh thông qua các biện pháp khuyến mãi, chẳng hạn như giảm giá vé xe buýt; cung cấp các khoản hỗ trợ cho việc mua ô tô điện; thiết lập những khu vực không xe ô tô để khuyến khích đi lại bằng xe đạp, đi bộ.
Công nghệ hỗ trợ
Hiện có nhiều công nghệ hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển giao thông xanh, thông minh mà Hà Nội có thể nghiên cứu, áp dụng. Ví dụ như hệ thống ATMS (Advanced Traffic Management System).
Đây là hệ thống bao gồm các camera, cảm biến đặt tại nút giao thông quan trọng, trên các tuyến đường, và hệ thống AI giúp quan trắc tự động đếm số lượng phương tiện đang tham gia giao thông.
Từ đó đưa ra kết quả thông báo về tình trạng giao thông trên tuyến hay tại các nút giao thông. Hệ thống giúp vận hành để quản lý giao thông trên các tuyến đường chính nhằm tối đa hóa hiệu suất giao thông đường bộ.
Hệ thống quản lý giao thông công nghệ cao này điều chỉnh lịch trình hoạt động tín hiệu giao thông, nó có thể tự động điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông dựa trên lưu lượng thực tế của toàn hệ thống mà nó quản lý.
Ví dụ khi 2 tuyến đường giao nhau tại ngã tư, hệ thống sẽ tự tính toán chu kỳ đèn tín hiệu ưu tiên thời gian chờ ít hơn đối với tuyến đường có mật độ phương tiện giao thông lớn hơn nhằm tránh nguy cơ UTGT.
Hay như hệ thống giao thông thông minh hợp tác C-ITS (Cooperative-Intelligent Transport Systems). Đây là hệ thống sử dụng công nghệ giúp các phương tiện có thể liên kết và giao tiếp với nhau; giao tiếp với người đi bộ; giao tiếp với cơ sở hạ tầng giao thông, tạo lên công nghệ V2X (vehicle-to-everything).
Với công nghệ này các xe có thể giao tiếp thông báo cho nhau tất cả các thông tin từ vị trí hành trình, khả năng thông suốt giao thông của tuyến đường, các tình huống khẩn cấp đang xuất hiện trên đường giao thông... các thông tin được chia sẻ theo thời gian thực.
Nhờ đó, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có thể nắm bắt được các thông tin để lựa chọn lộ trình phù hợp, tránh được rủi ro, giúp giảm nguy cơ gây ùn tắc và gặp ùn tắc.
Một công nghệ khác là hệ thống Xe buýt (BMS & BIS). BIS (Bus Information System) là hệ thống cung cấp thông tin về xe buýt cho công chúng. Nó thu thập và cung cấp thông tin về vị trí và lịch trình xe buýt, giúp người dùng biết được thời gian đến và đi tại các điểm dừng, nhà chờ.
Còn FTMS (Freeway Traffic Management System) là một hệ thống quản lý giao thông tự động được áp dụng trên các cao tốc (freeway) hoặc các tuyến đường cao cấp để giám sát, điều khiển và tối ưu hóa lưu lượng giao thông trên các tuyến đường này.
AFCS (Automated fare collection system) là một loại hệ thống tự động thu phí vận chuyển công cộng. Mục tiêu chính của hệ thống AFCS là đơn giản hóa và tăng cường quá trình thu phí cho các dịch vụ vận chuyển công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, xe điện, tàu hỏa, và các phương tiện khác.
ATES (Automatic traffic enforcement system) là một hệ thống tự động giám sát và xử lý vi phạm giao thông trên các tuyến đường và những điểm ngã ba, giao lộ. Mục tiêu chính của hệ thống ATES là tăng cường tuân thủ luật giao thông, cải thiện an toàn giao thông và giảm nguy cơ xảy ra tai nạn.
PIS (Parking information system) là một hệ thống cung cấp thông tin liên quan đến việc đỗ xe và quản lý chỗ đỗ xe trong các khu vực công cộng hoặc thương mại. Mục tiêu chính của hệ thống PIS là cung cấp thông tin thời gian thực về tình trạng chỗ đỗ xe, giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm chỗ đỗ xe trống và quản lý việc đỗ xe một cách hiệu quả
Real - time traffic signal system là một hệ thống tự động điều khiển tín hiệu giao thông trên các tuyến đường để tối ưu hóa luồng giao thông dựa trên thông tin thời gian thực về lưu lượng xe và tình trạng giao thông. Next generation ITS là một tập hợp các công nghệ và giải pháp được sử dụng để cải thiện hiệu suất và an toàn của hệ thống giao thông.
Nguồn: Kinh tế & Đô thị