Giữ hồn quê dù lên phố

21:10 28/11/2024
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu vừa thông qua Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn với tỷ lệ tán thành rất cao (455/456). Điều này cho thấy, đây không chỉ là sự kiện lập pháp quan trọng, mà còn mang theo những kỳ vọng lớn lao về một tương lai phát triển hài hòa giữa đô thị hiện đại và nông thôn Việt Nam một cách bền vững.
Giữ hồn quê dù lên phố
Nguồn ảnh: INT

Trong dòng chảy đô thị hóa, không gian làng quê truyền thống, nơi lưu giữ hồn văn hóa Việt đứng trước nguy cơ mai một. Những mái đình cổ kính, làng quê, làng nghề, không gian đình, chùa hay những phong tục, tập quán truyền thống dần bị xóa nhòa bởi sự phát triển nhanh chóng của các đô thị - từ 633 đô thị năm 1998 tăng lên 902 đô thị vào cuối năm 2023.

Tuy nhiên, sự phát triển này đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo tính bền vững, giữ gìn các giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc. Làm thế nào để hiện đại hóa nhưng vẫn giữ được hồn cốt làng quê, không để tốc độ phát triển xóa nhòa những giá trị truyền thống? Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đã trả lời câu hỏi này khi nhấn mạnh tính đồng bộ quy hoạch, trong đó bảo tồn và phát triển là hai mặt gắn bó mật thiết, gắn kết giữa đô thị và nông thôn.

Một điểm mới của luật chính là việc đặt trọng tâm vào mối liên kết giữa đô thị hóa và bảo tồn làng quê truyền thống, định hướng không gian cảnh quan, quản lý kiến trúc đảm bảo giữ lại được những nét đặc thù độc đáo của nông thôn Việt Nam, nhưng vẫn tiếp cận được nét hiện đại. Ở đó, không chỉ là bảo tồn những giá trị vật chất, mà còn lồng ghép yếu tố văn hóa và lịch sử vào quy hoạch.

Làng quê Việt Nam giờ đây đã trở thành nhân tố quan trọng trong sự phát triển chung, giữ vai trò như một "bản nhạc trầm" sâu lắng hòa nhịp cùng bản hòa ca hiện đại. Các làng nghề truyền thống, thay vì chỉ tồn tại như một di sản, sẽ được phát triển thành các trung tâm du lịch văn hóa, vừa mang lại giá trị kinh tế vừa bảo vệ được hồn cốt làng quê, đưa những giá trị truyền thống thành nguồn lực phát triển của đất nước.

Ở các đô thị hiện đại, quỹ đất ngày càng thu hẹp, áp lực về giao thông, hạ tầng và môi trường tăng lên đáng kể trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Điều này đòi hỏi phải mở rộng không gian phát triển, nhất là ở các đô thị lớn. Đó là không gian ngầm, vốn được xem là nguồn tài nguyên để dành của các đô thị, giờ được đưa vào quy hoạch như một phần tất yếu trong chiến lược phát triển đô thị.

Luật không chỉ khuyến khích mà còn yêu cầu các đô thị lớn phải khai thác không gian ngầm một cách hiệu quả và sáng tạo. Khi đó, quy hoạch không gian ngầm và quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với một thành phố trực thuộc trung ương phải đồng bộ với nhau. Từ các hệ thống giao thông, bãi đậu xe ngầm đến trung tâm thương mại hay công viên dưới lòng đất, tất cả đều được quy hoạch để giảm tải áp lực trên mặt đất và mở ra cơ hội cho các giải pháp bền vững hơn trong tương lai.

Dẫu vậy, để luật đi vào cuộc sống, hành trình phía trước không hề dễ dàng. Chính quyền địa phương nên nâng cao năng lực, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả trong triển khai khi luật đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác quy hoạch và quản lý.

Thay vì tập trung quyền lực ở cấp trung ương, luật khuyến khích các địa phương đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc lập, triển khai quy hoạch. Điều này không chỉ giúp các kế hoạch sát thực tế hơn mà còn tạo điều kiện để các địa phương phát huy tính chủ động và sáng tạo.

Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn không chỉ đơn thuần là một văn bản pháp lý, mà còn là kim chỉ nam cho sự phát triển hài hòa và bền vững của đất nước. Luật cũng đã kích hoạt được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương trong định hình phát triển đô thị và nông thôn của địa phương mình. Việc triển khai nhanh, sớm đưa luật vào cuộc sống sẽ là một động lực phát triển to lớn để đất nước ta vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nguồn: Báo SGGP

Bình luận