Đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ vướng mắc
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến 116,577 km. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 3 có tổng chiều dài tuyến khoảng 48,093 km, tổng mức đầu tư hơn 6.165 tỷ đồng do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Dự kiến năm 2025, dự án cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn. Đến năm 2026, dự án sẽ cơ bản hoàn thành toàn tuyến và đưa vào khai thác đồng bộ vào năm 2027.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tài Minh - Phó Giám đốc BQLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (đại diện chủ đầu tư dự án thành phần 3) cho biết: Đến cuối tháng 2/2025, công tác GPMB và bàn giao cho nhà thầu đã hoàn tất 100%. Hiện tại, các hạng mục kỹ thuật như di dời hạ tầng, xử lý nền đất yếu… cũng đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo mặt bằng cho thi công tuyến chính.
Tuy nhiên, dự án vẫn còn vướng một số điểm mặt bằng cục bộ do điều chỉnh thiết kế chi tiết (mở rộng bán kính cong, mái taluy…). Những vị trí này chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ tổng thể, nhưng về lâu dài có thể làm chậm tiến độ bàn giao toàn tuyến.
Hiện các nhà thầu đã huy động 41 mũi thi công với 462 thiết bị và 765 nhân lực, triển khai thi công đồng loạt. Dù vậy, theo ông Nguyễn Tài Minh, tiến độ hiện đang chậm khoảng 14% so với kế hoạch, tương đương khoảng 608 tỷ đồng giá trị sản lượng.
Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn vật liệu và ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt là mưa kéo dài hơn 10 ngày khiến một số hạng mục không thể triển khai. Ban quản lý đang phối hợp nhà thầu lập lại tiến độ chi tiết, huy động thêm máy móc, tăng ca kíp để bù phần tiến độ bị chậm.

Liên quan đến dự án thành phần 2, ông Phạm Văn Trình - Phó Giám đốc Ban QLDA 6 đại diện chủ đầu tư cho biết: Dự án thành phần 2 đi qua nhiều đồi núi, rừng tự nhiên, địa hình thi công đặc biệt khó khăn. Việc bàn giao mặt bằng cũng bị chậm, đến cuối năm 2024 mới được bàn giao toàn bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ.
Sau khi nhận mặt bằng, nhà thầu đã khẩn trương triển khai, huy động nhân lực, máy móc thi công liên tục. Hiện nay, giá trị sản lượng đạt hơn 40%. BQLDA 6 đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ công trình vào 30/6/2026, rút ngắn 6 tháng so với kế hoạch trước đó.
Để đảm bảo tiến độ, BQLDA 6 kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép điều phối 15.000 m³ đất đắp K98 từ gói thầu số 1 của dự án thành phần 3, cho phép khai thác sớm hơn 445.000 m³ đá (dự kiến khai thác năm 2026) ngay trong năm 2025. Đồng thời, cần xử lý dứt điểm vướng mắc tại cửa hầm phía Tây hầm Phượng Hoàng nơi một hộ dân đang cản trở thi công và sớm tổ chức đấu giá, khai thác cây gỗ tại khu rừng cần chuyển đổi để bàn giao mặt bằng.
Đắk Lắk tập trung cao độ, xử lý vướng mắc theo "tiến độ hàng giờ"
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Trương Công Thái khẳng định: Tỉnh đang tập trung tối đa để tháo gỡ các nút thắt liên quan đến bãi thải, đường dân sinh, nguồn cung vật liệu. Các đơn vị khai thác mỏ được chỉ đạo thi công ngày đêm để bù lại tiến độ chậm.

“Tỉnh đã chỉ đạo xử lý cơ bản các vướng mắc về mặt bằng, bãi đổ thải. Riêng với kiến nghị của BQLDA 6, tỉnh yêu cầu UBND huyện M’Đrắk giải quyết xong vấn đề hộ dân cản trở thi công tại hầm Phượng Hoàng trước ngày 15/6. Việc điều phối vật liệu đắp sẽ được xử lý trong tuần tới; tỉnh đang ưu tiên giải quyết khó khăn cho dự án theo từng giờ, từng ngày” - ông Trương Công Thái nhấn mạnh.
Thay mặt Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh Đắk Lắk và các chủ đầu tư dự án. Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, khối lượng công việc còn rất lớn, vì vậy các nhà thầu và chủ đầu tư cần tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công, đồng thời có phương án ứng phó kịp thời khi mùa mưa tới.
Với dự án thành phần 2, Thứ trưởng đề nghị tỉnh sớm xử lý các thủ tục điều phối vật liệu, giải quyết khiếu nại của hộ dân tại hầm Phượng Hoàng, đồng thời đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và thu hồi gỗ để phục vụ thi công.

“BQLDA 6 cần bám sát tiến độ, vượt qua khó khăn, tiếp tục rút ngắn thời gian thi công. Mục tiêu là đến ngày 30/6/2026 thông toàn tuyến. Từ nay đến đó, cần tiếp tục rà soát, tối ưu kế hoạch để kết nối đồng bộ hai dự án, phát huy hiệu quả cao nhất” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Với quyết tâm từ trung ương đến địa phương, dự án đang nhận được sự chỉ đạo sát sao để về đích đúng hạn.