Gỡ vướng cho quản lý định mức công trình giao thông đường bộ

09:35 25/03/2022
Các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải chỉ ra những vướng mắc trong quản lý định mức các công trình giao thông đường bộ.

Đủ căn cứ lập dự toán chi phí ĐTXD

Cục Kinh tế xây dựng cho biết, trong hệ thống định mức hiện nay thiếu định mức cho một số công tác xây dựng sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới do trong thực tế có các yêu cầu thiết kế kỹ thuật, biện pháp tổ chức thi công, điều kiện thi công khác với quy định ban hành, nên việc thiếu định mức cho các công tác này là tất yếu bởi việc xây dựng, ban hành định mức luôn đi sau và chậm hơn so với sự xuất hiện của các công tác này trong thực tiễn.

Riêng đối với lĩnh vực công trình giao thông đường bộ, theo báo cáo của Bộ GTVT và Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), có hơn 30 công tác xây dựng thiếu định mức ban hành. Các công tác này chiếm tỷ trọng chi phí không lớn trong tổng chi phí ĐTXD công trình đường giao thông, hầu hết được tổ chức theo dõi, khảo sát để phục vụ công tác xây dựng định mức làm cơ sở quản lý chi phí tại một số dự án, công trình, chủ yếu tập trung vào nhóm các công tác: xây dựng cầu dây văng, đắp nền đường bằng các vật liệu mới (cát nghiền, đá cuội kết...), vật liệu tận dụng (đá nổ mìn, đá sau nghiền...) và các công tác xây dựng đã ban hành định mức nhưng có yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công khác với quy định định mức như khoan cọc nhồi đường kính >2,5m; đắp đất nền đường bằng máy lu bánh thép theo phương pháp đầm cải tiến; đắp đá hỗn hợp nền đường bằng máy lu 25T; thi công lớp móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng với tỉ lệ XM 4%...

Để khắc phục các bất cập do thiếu định mức trong công tác lập dự toán, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí ĐTXD đã quy định một số giải pháp thuận tiện trong việc lập dự toán chi phí ĐTXD đối với các công tác xây dựng chưa được xây dựng, ban hành định mức hoặc đã có định mức nhưng chưa phù hợp với yêu cầu, điều kiện của công trình.

Cụ thể, đơn giá xây dựng trong dự toán công trình được xác định trên cơ sở từ nhiều nguồn dữ liệu: (i) Định mức xây dựng, giá các yếu tố đầu vào (vật liệu, nhân công, máy thi công) và các yếu tố chi phí cần thiết khác phù hợp với mặt bằng giá thị trường khu vực xây dựng công trình tại thời điểm xác định và các quy định khác có liên quan; (ii) hoặc theo đơn giá xây dựng công trình do UBND cấp tỉnh công bố; (iii) hoặc được xác định trên cơ sở giá thị trường; (iv) hoặc theo giá tương tự ở các công trình đã thực hiện. 

Đối với các định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh làm cơ sở lập dự toán, đơn vị tư vấn lập dự toán tổ chức xác định theo các phương pháp do Bộ Xây dựng hướng dẫn; cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định sự phù hợp về phương pháp xác định; chủ đầu tư thực hiện trách nhiệm tổ chức khảo sát để xác định các định mức cho các công tác trong quá trình thi công xây dựng gửi về cơ quan chuyên môn phục vụ việc rà soát, hoàn thiện hệ thống định mức xây dựng và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu định mức.

Chủ đầu tư được phép tự tổ chức xác định các định mức dự toán chưa có trong hệ thống cơ sở dữ liệu định mức.

Cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng cho rằng, với các quy định trên đã bảo đảm đủ cơ sở, căn cứ trong lập dự toán chi phí ĐTXD, đủ cơ chế ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể quản lý ĐTXD trong tổ chức theo dõi, thu thập số liệu, xây dựng định mức “làm giàu” cho hệ thống định mức để đáp ứng yêu cầu phục vụ lập và quản lý chi phí ĐTXD.

Nâng cao năng lực tư vấn, chủ đầu tư

Theo Cục Kinh tế xây dựng, vấn đề vướng mắc trong thực tế hiện nay tại các dự án, công trình chủ yếu là do các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư lúng túng, thiếu kinh nghiệm, thiếu năng lực trong xác định định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh theo phương pháp Bộ Xây dựng hướng dẫn làm cơ sở lập dự toán.

Việc sử dụng báo giá thị trường, giá công trình tương tự thay cho việc xác định định mức công trình vẫn thiếu cơ sở dữ liệu thị trường nên ít được sử dụng, việc sử dụng số liệu này để quản lý chi phí có nhiều bất cập.

Ngoài nội dung thiếu định mức nêu trên, theo phản ánh của một số địa phương, Ban QLDA và nhà thầu, một số định mức ban hành có hao phí thấp hơn so với thực tế; định mức chi phí quản lý dự án và định mức tư vấn giám sát công trình giao thông chưa phù hợp với thực tế đối với một số dự án có quy mô lớn, trải dài qua nhiều địa phương, thời gian thực hiện dự án kéo dài.

Ví dụ, định mức dự toán các công tác có quy định hao hụt vật tư, vật liệu đắp nền, móng đường giao thông thấp, như: thi công móng cấp phối đá dăm, móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng; đắp đất, đắp cát nền đường; thi công gia tải cát...); Định mức dự toán một số công tác có trị số hao phí định mức thấp, như: công tác sản xuất bê tông xi măng, bê tông nhựa; thi công cọc khoan nhồi; thi công bấc thấm; lắp đặt dầm I, dầm super T, quan trắc lún nền đường...

Theo báo cáo của Cục Kinh tế xây dựng, tổng số định mức ban hành của các Bộ, UBND các tỉnh khoảng 40.000 định mức. Trong đó, Bộ Xây dựng đã ban hành khoảng 15.700 định mức; các Bộ ban hành khoảng 18.000 định mức; UBND 29/63 địa phương ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù hơn 1.000 định mức. Hiện còn khoảng gần 6.000 định mức dự toán đã công bố trước đây của Bộ Công thương, Bộ GTVT đang tiếp tục được rà soát.

 

Bình luận