1. Đặt vấn đề
Hợp đồng EPC (Hợp đồng dự án chìa khóa trao tay/EPC) được quy định tại Sách Bạc của Hợp đồng FIDIC và thường được áp dụng trong các dự án điện, cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Hợp đồng EPC phù hợp cho các dự án điện và phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó nhà thầu chịu trách nhiệm cho toàn bộ quy trình xây dựng công trình, từ giai đoạn thiết kế, mua sắm vật liệu và thiết bị, đến việc xây dựng thực. Đặc thù Hợp đồng EPC là thường áp dụng với các dự án quy mô lớn, có công nghệ thi công phức tạp; và điều này đòi hỏi nhà thầu có kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng về kỹ thuật, quản lý dự án cũng như quy định sở tại (điều 1.4. Hợp đồng FIDIC).
Thuật ngữ “Hợp đồng EPC” lần đầu tiên được đề cập trong các quy định pháp luật Việt Nam là Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ.
Ngày nay, hệ thống quy định của Việt Nam cũng định nghĩa, phạm vi áp dụng và các quy định chung rõ ràng hơn đối với Hợp đồng EPC tại Nghị định số 51/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021. Và các quy định khác của Việt Nam quy định về Hợp đồng EPC khác như Thông tư số 30/2016/TT-BXD, và Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2014.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã nghiên cứu sâu về việc sử dụng Hợp đồng EPC trong triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và đánh giá những lợi ích quan trọng của nó, bao gồm: giảm áp lực hành chính cho chủ đầu tư, giảm xung đột giữa các bên, chuyển trách nhiệm từ Chủ đầu tư sang tổng thầu EPC, đưa ra dự phóng chi phí, thời gian và chất lượng công trình với độ tin cậy cao. Bên cạnh đó, Nhà nước đã nỗ lực cải thiện quy định pháp luật sở tại Việt Nam để phù hợp hơn với quy định thế giới, giảm rủi ro và tối ưu hóa quản lý dự án xây dựng.
Tuy nhiên, việc quản lý hợp đồng trong các dự án đầu tư xây dựng điển hình là Gói thầu số 2 “Xây dựng đoạn trên cao và Depot” của Dự án xây dựng Tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM có những rủi ro và thách thức đáng kể.
Mặc dù các điều khoản Hợp đồng được thiết kế để mang lại sự công bằng cho cả Chủ đầu tư và Nhà thầu, nhưng các yếu tố không lường trước được và ngày càng gia tăng sẽ dẫn đến tranh chấp, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí.
Trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, những thay đổi bất ngờ như quy định pháp luật, giải phóng mặt bằng, cùng với cơ cấu dân cư phức tạp và chuyển dịch kinh tế tạo ra những khó khăn khó lường.
Do đó, việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả Hợp đồng EPC (FIDIC) là rất quan trọng nhằm đảm bảo hạn chế những rủi ro và xung đột giữa các bên tham gia trong quá trình triển khai dự án quy mô lớn.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Quy trình thực hiện nghiên cứu
Bước 1: Khảo sát các nghiên cứu trước đây ở Việt Nam và trên thế giới nhằm liệt kê các các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý Hợp đồng EPC.
Bước 2: Phỏng vấn chuyên gia nhằm xác định danh mục các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý Hợp đồng dự án xây dựng Tuyến đường sắt đô thị.
Bước 3: Khảo sát đánh giá các nhân tố theo thang đo Likert 5 cấp độ theo tứ tự tăng dần từ 1 đến 5 với số lượng mẫu n=5*m [2].
Bước 4: Phân tích dữ liệu thu thập được: (1) Kiểm định thang đo hệ số Cronbach’s Alpha từ 0,6 trở lên [8] và hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,3; (2) Phân tích nhân tố khẳng định (CFA) với các nhóm cho trước
Bước 5: Thống kê mô tả các nhóm nhân tố (yếu tố) ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý hợp đồng.

2.2. Các nhóm yếu tố và yếu tố ảnh hưởng
Dựa trên lược sử nghiên cứu và phỏng vấn chuyên gia, nhóm tác giả đã nhận dạng được 20 yếu tố ảnh hưởng thuộc 5 nhóm nhân tố được thể hiện trong Bảng 1.
Bảng 1. Các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả hợp đồng EPC
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Thống kê mô tả
100 phiếu khảo sát được gửi đi theo phương pháp lấy mẫu thuận tiện gián tiếp qua email và trực tiếp bằng bản cứng. Số phiếu thu về 94 phiếu, chiếm 94% số phiếu gửi đi. 72 số phiếu hợp lệ, chiếm 76.5% số phiếu gửi đi. Kinh nghiệm người tham gia khảo sát từ 5 - 10 năm chiếm 38.24%, từ 10 - 15 năm đạt 25.49%, trên 15 năm chiếm 6.86%. Giám đốc/ Phó giám đốc các cơ quan, ban, ngành được khảo sát chiếm 6%, quản lý/ phó QLDA chiếm 7%, trưởng các bộ phận chiếm 25.4%, kỹ sư/ chuyên gia nước ngoài quản lý chiếm 57%. Nguồn vốn các dự án mà ứng viên khảo sát thuộc vốn ODA chiếm 78%, vốn nhà nước chiếm 12% và vốn ngoài ngân sách chiếm 10%.
3.2. Phân tích độ tin cậy
Hệ số Cronbach’s alpha được sử dụng để kiểm định thang đo yếu tố ảnh hưởng gồm 20 biến quan sát thuộc 5 nhóm nhân tố ảnh hưởng liệt kê tại bảng 1. Kết quả phân tích cho thấy các giá trị Cronbach’s alpha của các nhóm yếu tố đạt giá trị tin cậy từ 0,720 đến 0,776.
Bảng 2. Độ tin cậy của thang đo
3.3. Xác định mức độ ảnh hưởng và thảo luận kết quả nghiên cứu
Nghiên cứu đã xếp hạng 20 yếu tố ảnh hưởng và chỉ ra 10 yếu tố quan trọng nhất (Bảng 3); và mức độ ảnh hưởng của các nhóm yếu tố (Bảng 4).
Bảng 3. Mười yếu tố có điểm xếp hạng cao nhất
Bảng 4. Mức độ ưu tiên các nhóm yếu tố ảnh hưởng
Trong 10 yếu tố quan trọng nhất, có đến 4 yếu tố thuộc về Tiến độ hợp đồng, bao gồm: Phát sinh liên quan tới gia hạn thời gian hoàn thành dự án; Đưa ra cảnh báo sớm; Xác định tiến độ/chương trình làm việc; Kiểm soát sự chậm trễ các bên liên quan.
Tiến độ hợp đồng là nhóm yếu tố được các chuyên gia đánh giá quan trọng nhất xét về mức độ ảnh hưởng đến công tác quản lý hiệu quả hợp đồng EPC trong thực tế hiện nay. Đây cũng là điểm khác biệt so với một số nghiên cứu trình bày trong các hội thảo gần đây khi cho rằng nhóm yếu tố liên quan tới thẩm quyền có ảnh hưởng cao nhất tới hiệu quả quản lý Hợp đồng EPC. Giải thích cho sự khác biệt này là do quan điểm của các đối tượng tham gia ở các giai đoạn dự án khác nhau (chuẩn bị đầu tư; thực hiện dự án; và kết thúc và chuyển giao) sẽ khác nhau.
Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, hầu hết các dự án cơ sở hạ tầng đều vướng vấn đề liên quan tới giải phóng mặt bằng, pháp lý, và hạn chế về mặt kinh nghiệm triển khai thì yếu tố “thẩm quyền quản lý Hợp đồng” luôn được xem xét ưu tiên.
Tuy nhiên, khi dự án đã đi vào triển khai xây dựng thì các vấn đề nêu trên đã được tháo gỡ; đồng thời dự án nhận được chủ trương đẩy nhanh và hỗ trợ tối đa từ phía cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Do đó yếu tố tiến độ hợp đồng được xem là tiên quyết để đánh giá mức độ thành công của dự án.
Thực tế cho thấy, việc quản lý kém hiệu quả tiến độ dự án có thể dẫn đến rủi ro phát sinh chi phí đối với cả chủ đầu tư và nhà thầu. Đặc biệt, trong trường hợp các dự án đầu tư xây dựng áp dụng Hợp đồng EPC (FIDIC), việc xác định và phê duyệt tiến độ thực hiện cho từng đầu việc cực kỳ quan trọng.
Điều này giúp cho chủ đầu tư xác định các mốc thực hiện dự án đồng thời đề ra các điều khoản ràng buộc đối với Nhà thầu và giúp tránh được các tranh chấp và khiếu nại sau này. Điều này thể hiện qua việc xem xét đánh giá: (1) phát sinh liên quan tới gia hạn thời gian hoàn thành dự án, (2) đưa ra cảnh báo sớm, (3) xác định tiến độ/chương trình làm việc, và (4) kiểm soát sự chậm trễ các bên liên quan.
4. Kết luận
Dựa vào kết quả khảo sát, nghiên cứu chỉ ra rằng nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hiệu quả Hợp đồng EPC (FIDIC) trong giai đoạn dự án triển khai là quản lý tiến độ thực hiện Hợp đồng. Trong nghiên cứu này, 03 nhóm nhân tố được đánh giá là ảnh hưởng lớn đến hiệu quả Hợp đồng EPC (FIDIC) đó là: (1) Tiến độ hợp đồng; (2) Thẩm quyền quản lý hợp đồng; (3) Tranh chấp và khiếu nại. Nghiên cứu này cung cấp một cái nhìn tổng thể trong việc đánh giá mức độ hiệu quả trong công tác quản lý Hợp đồng hình thức EPC (FIDIC) trong giai đoạn triển khai dự án.
Thông qua việc xác định 20 yếu tố ảnh hưởng và 05 nhóm nhân tố, nghiên cứu giúp cho nhà quản lý nhận dạng những yếu tố quan trọng cũng như có những biện pháp chủ động trong việc quản lý Hợp đồng EPC (FIDIC) cho các dự án hạ tầng quan trọng. Bằng cách chủ động đưa ra những phương án trong việc kiểm soát tiến độ hợp đồng, nhà quản lý có thể giảm thiểu những rủi ro xung đột giữa các bên tham gia thực hiện hợp đồng EPC (FIDIC) trong thực tế.
Xem File PDF tại đây
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Joseph A.Huse (2002), “Understanding and negotiating Turnkey and EPC Contract”, Second edition, Freshfields, Paris.
[2] FIDIC (2017), Construction of Contract for EPC/ Turnkey Project.
[3] Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/ 6/ 2014.
[4] Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/ 6/ 2020 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2014;
[5] Luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/ 11/ 2015, tr. 87;
[6] Patricia Galloway (2009), “Design-Build/EPC Contractor’s Heightened Risk - Changes in a Changing World”, Journal of Legal Affairs and Dispute Resolution in Engineering and Construction;
[7] Shangxin Yang (6/2018), “Research on the risks and opportunities of international railway projects based on FIDIC-EPC contract”, PM World Journal;
[8] TS. Đặng Hoàng Mai (2020), “Pháp luật về hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình EPC ở Việt Nam”, Luận án Tiến sỹ Luật học, Đại học Luật Hà Nội.