Gợi mở, định hướng phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh

10:37 20/06/2022
Tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường, có tính đến các mô hình phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh… là một trong nhiều nội dung được khẳng định tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022.

Chú trọng đầu tư dài hạn cho đô thị

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị gợi mở, định hướng phát triển những đô thị văn minh, hiện đại trong tương lai; đó là những đô thị được chú trọng đầu tư dài hạn, là nơi để đầu tư khai thác một cách bài bản, chuyên nghiệp và được quan tâm, nuôi dưỡng, phục hồi, bảo vệ, nâng cấp và tạo điều kiện tối đa một cách có lộ trình, có chiến lược, bảo đảm phát huy tiềm năng, năng lực với không gian chức năng hoàn thiện, thúc đẩy gắn kết cộng đồng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị gợi mở, định hướng phát triển đô thị văn minh, hiện đại trong Diễn đàn.

Thảo luận cùng các diễn giả tại Diễn đàn, một trong những vấn quan trọng được Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhấn mạnh trong công tác quy hoạch là sự tôn trọng quy luật kinh tế thị trường của các nhà làm quy hoạch. Chỉ khi có sự tôn trọng quy luật kinh tế thị trường mới giúp công tác quy hoạch đi vào cuộc sống tốt hơn, đặc biệt là trong bối cảnh khối doanh nghiệp tư nhân và cả xã hội đang đầu tư cho lĩnh vực đô thị rất lớn.

Theo TS Trần Ngọc Chính, vấn đề tôn trọng quy luật kinh tế thị trường cũng là một trong những lời giải cho bài toán đặt ra trong công tác quy hoạch nhằm nâng cao tốc độ phát triển đô thị để các đô thị của Việt Nam trong những thập kỷ tới sánh ngang với các nước trong khu vực.

Nói cách khác, vấn đề đô thị hóa không chỉ là vấn đề rất quan trọng nhằm nâng tầm các đô thị của Việt Nam mà còn góp phần chủ yếu giúp GDP toàn quốc tăng giá trị cao hơn.

Hướng tới xây dựng môi trường sống lý tưởng

Đối với đô thị xanh, đô thị thông minh, Chính phủ đã có chủ trương và do đó gần như trên cả nước đô thị nào cũng theo xu hướng đô thị xanh, đô thị thông minh. Nhưng, đô thị xanh và đô thị thông minh là đô thị như thế nào, đáp ứng những tiêu chí gì… thì chưa đề cập rõ nét.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính phát biểu tại Diễn đàn.

TS Trần Ngọc Chính cho rằng, đô thị thông minh, đô thị bền vững như Nghị quyết của Bộ Chính trị là phải lấy con người là trung tâm, tất cả mọi vấn đề đặt ra đều vì con người. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ hiện nay, đô thị xanh, đô thị thông minh phải là đô thị phát triển bền vững, đặc biệt phải có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai và những vấn đề dịch bệnh trên toàn cầu…

Với kinh nghiệm là nhà đầu tư phát triển nhiều loại hình dự án bất động sản, trong đó có Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội liên danh với Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG khẳng định, không gian xanh và mặt nước là thành tố quan trọng trong phát triển đô thị, nhằm nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị, cải thiện vi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm không khí, đặc biệt là tạo ra những giá trị gia tăng cho bất động sản.

Từ quan điểm đó, nữ doanh nhân cho rằng có 4 yếu tố cơ bản, quan trọng nhất cấu thành lên đô thị thông minh, phát triển bền vững: Tăng trưởng kinh tế, phát triển con người, đổi mới công nghệ và quản lý và tổ chức hiệu quả.

Trong đó, yếu tố kinh tế được hiểu là quá trình thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên cơ sở cân bằng với các mục tiêu môi trường và xã hội.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, việc phát triển đô thị thông minh và bền vững hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư mới cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, đem lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó góp phần tạo nhiều việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cũng đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường và xã hội: ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, tắc nghẽn giao thông...

Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG phát biểu tại Diễn đàn.

Giải pháp mà Tập đoàn BRG đang triển khai là tối ưu hóa tuyến đường di chuyển, phân bố các phương tiện hợp lý và cung cấp các dịch vụ di chuyển theo yêu cầu. Áp dụng những sáng kiến tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải…

Đối với Tập đoàn BRG, mục tiêu cốt lõi của đô thị bền vững chính là đáp ứng mọi nhu cầu từ cơ bản tới nâng cao của con người hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống của thế hệ hiện tại và tương lai. Có nghĩa là đầu tư không phải cho hôm nay mà còn cho hàng trăm năm sau.

Bà Nguyễn Thị Nga khẳng định, đô thị bền vững nhất định phải đưa ra các giải pháp mang tính liên ngành, hướng tới xây dựng một môi trường sống lý tưởng.

Bình luận