Góp ý hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý phát triển không gian ngầm tại Việt Nam

20:54 25/08/2023
Việc hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ đồng bộ; phát triển không gian ngầm đô thị làm nền tảng cho công tác quản lý, giúp sử dụng khai thác không gian ngầm có hiệu quả, tiết kiệm đất đai, bố trí hợp lý các công trình ngầm…

02 nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Quản lý và phát triển đô thị

Ngày 25/8, tại Hà Nội, Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Tham vấn chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; phát triển không gian ngầm đô thị”, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội thảo nhằm thu thập các ý kiến, quan điểm của các Bộ, ngành, tổ chức, chính quyền địa phương liên quan và kinh nghiệm quốc tế để phục vụ cho nghiên cứu, xây dựng nội dung dự thảo Luật Quản lý và phát triển đô thị.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, ông ShinodaTakanobu - Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cùng đại diện các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, các chuyên gia quốc tế, trong nước và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm có ý nghĩa quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển của đô thị.

Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, trong đó đã đặt mục tiêu phát triển “Về hạ tầng đô thị lớn, từng bước phát triển đồng bộ và hiện đại, giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập; cung cấp điện, nước và xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường”.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng đặt ra mục tiêu “Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại”, xác định nhiệm vụ hoàn thiện chính sách, pháp luật “Sớm xây khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị”…

Các đại biểu tham gia Hội thảo.

Để có cơ sở đánh giá các khó khăn, bất cập cũng như đề xuất các nhóm chính sách về quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về báo cáo tình hình quản lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn và rà soát, tổng hợp báo cáo khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị trong quản lý, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu dự thảo Luật Quản lý và phát triển đô thị theo nhiệm vụ được Chính phủ giao. Trong dự thảo Luật có 02 nội dung quan trọng cần phải quy định: Chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và chính sách quản lý phát triển không gian ngầm đô thị.

Dự kiến chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ bao gồm các vấn đề chính: Quy định bảo đảm tính đồng bộ, cơ chế tăng cường nguồn lực trong đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật; Cơ chế, quy định về bàn giao, quản lý sử dụng khai thác tài sản hạ tầng kỹ thuật; Quy định quản lý vận hành khai thác, cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Dự kiến nội dung chính sách quản lý phát triển không gian ngầm đô thị bao gồm các vấn đề chính: Các nguyên tắc quản lý không gian ngầm đô thị bảo đảm thống nhất, kết nối đồng bộ về không gian ngầm, không gian nói chung đô thị, bảo đảm an toàn trong xây dựng, hiệu quả trong đầu tư; Quy định kiểm soát phát triển không gian ngầm theo thời gian; Các quy định, quy chế quản lý khai thác công trình ngầm nhằm bảo đảm an toàn, an ninh và điều tiết mối quan hệ các chủ thể sử dụng không gian ngầm trong giai đoạn khai thác sử dụng.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn mong muốn nhận được các ý kiến, quan điểm của các Bộ, ngành, tổ chức, chính quyền địa phương liên quan và kinh nghiệm quốc tế cho các nội dung này, làm cơ sở để Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách tại dự thảo Luật Quản lý và phát triển đô thị.

Giải pháp cần thiết là sử dụng không gian ngầm 

Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý và phát triển đô thị tại Nhật Bản, đặc biệt là hệ thống pháp lý và các quy định về hạ tầng ngầm tại quốc gia này.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Shinnoda Takanobu - Phó trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho rằng, sự phát triển đô thị đã dẫn dắt sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM có sự tập trung dân số quá mức và sự di chuyển của dân cư từ nông thôn ra thành thị, dẫn đến các vấn đề ảnh hưởng môi trường sống và tắc nghẽn giao thông, gây ô nhiễm không khí và nhiều rủi ro khác. Để giải quyết những vấn đề này, giải pháp cần thiết phải thực hiện là sử dụng có hiệu quả và an toàn không gian ngầm…

Ông Shinnoda Takanobu - Phó trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Shinnoda Takanobu, tại Nhật Bản, việc sử dụng không gian ngầm được ban hành riêng lẻ trong từng luật, như: Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Đường bộ… Có nhiều hệ thống khác nhau tham gia vào việc đảm bảo an toàn cho không gian ngầm, có hướng dẫn chi tiết về các biện pháp đối phó với thảm họa như động đất và lũ lụt.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, việc sử dụng không gian ngầm ở các thành phố lớn tại Nhật Bản ngày càng phổ biến và nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này đã được ban hành...

Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học, địa phương và doanh nghiệp cũng có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực cho nội dung của Dự thảo Luật.

Đáng chú ý, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội góp ý: Cần ưu tiên, nhanh chóng hoàn thiện thể chế chính sách, xây dựng pháp luật về khai thác phát triển không gian ngầm, bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch; Ban hành các văn bản về quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến quy hoạch, thi công, khai thác sử dụng không gian ngầm.

Xây dựng các quy định về cơ chế tài chính để tạo kinh phí duy trì, duy tu, vận hành, nhất là đối với khu vực không gian ngầm công cộng; Quy định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi cùng khai thác không gian ngầm thành phố; Xây dựng cơ chế chính sách, quy định về bồi thường, đền bù GPMB thu hồi đất một cách thỏa đáng...

Ngoài ra, theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, kinh phí đầu tư xây dựng công trình ngầm lớn hơn nhiều lần so với công trình nổi trên mặt đất, nên vấn đề tài chính vẫn là thách thức lớn đối với phát triển không gian ngầm.

Do đó, để phát triển không gian ngầm trong đô thị, cần dành nguồn lực đầu tư thích đáng, đa dạng phương thức huy động vốn cho phát triển không gian ngầm; Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật có liên quan đến quy hoạch, thi công xây dựng, bảo trì công trình ngầm.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công trình ngầm, cơ sở dữ liệu cấu trúc nền địa chất đô thị phục vụ xây dụng công trình ngầm; Phát triển công nghệ tiên tiến, xây dựng nguồn nhân lực trình độ cao là điều kiện tiên quyết để nhanh chóng xây dựng được hệ thống các công trình xây dựng ngầm đô thị hiện đại, hiệu quả và đồng bộ, giảm tác động tiêu cực đến sinh hoạt của đô thị.

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao về lĩnh vực khai thác, sử dụng, phát triển không gian ngầm thành phố; Có kế hoạch đào tạo bài bản, quy mô lớn đội ngũ nhân lực này ngay từ bây giờ.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng thay mặt Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu tất cả ý kiến của các tổ chức, cá nhân, đơn vị đầu mối tại địa phương, để hoàn thiện Dự thảo Luật. Cục Hạ tầng kỹ thuật sẽ tiếp tục lấy ý kiến bằng văn bản để sớm hoàn thiện Dự thảo Luật.

Bình luận