TP Hạ Long (Quảng Ninh) là đô thị loại I, khi hợp nhất với huyện Hoành Bồ còn nhiều xã nghèo. Ngày 02/01/2024, Thành ủy Hạ Long ra Nghị quyết số 78-NQ/TU (NQ78) ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đầu tư hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị ngay trong quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
NQ78 xác định công tác quy hoạch là khởi đầu cơ sở pháp lý xúc tiến đầu tư. UBND thành phố đã phê duyệt 10 Quy hoạch chung xây dựng xã và 10 Quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã; UBND tỉnh đã phê duyệt 5 đồ án Quy hoạch phân khu. Quy hoạch sát với đặc điểm địa lý, văn hóa, tiềm năng vùng cao để thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, nghề rừng và lâm sản sau gỗ.
Trên cơ sở định hướng Quy hoạch chung, UBND thành phố đã giao UBND các xã tổ chức khảo sát địa hình, nghiên cứu lập nhiệm vụ và Quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chế biến nông sản, dược liệu và các chức năng phụ trợ phục vụ các vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt…
Đồng thời địa phương đã ban hành danh mục, kế hoạch lập các đồ án Quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền làm cơ sở thực hiện. Năm 2024, có 6/8 xã đã trình thẩm định phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch. Cụ thể: Xã Tân Dân quy hoạch khu trồng, sơ chế dược liệu kết hợp du lịch canh nông; xã Đồng Sơn quy hoạch khu điều hành dự án phát triển lâm nghiệp; xã Bằng Cả quy hoạch trang trại tổng hợp trồng dược liệu nghỉ dưỡng; xã Vũ Oai quy hoạch cụm sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung; xã Dân Chủ quy hoạch khu trồng trọt hữu cơ, sản xuất chế biến kết hợp du lịch sinh thái tại khu vực Đá Lờm; xã Đồng Lâm quy hoạch khu điều hành, vườn ươm phục vụ trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu dưới tán rừng.
NQ78 là cơ sở pháp lý cho đầu tư hạ tầng nông thôn, công trình động lực phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2024, các xã huy động các nguồn lực đầu tư 989,753 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp 1.309 ngày công và hiến 111.759,2 m² đất, cây cối hoa màu, vật kiến trúc... quy ra tiền và xã hội hoá khoảng 10,104 tỷ đồng. Các xã đăng ký triển khai thực hiện 45 công trình hạ tầng nông thôn, trong đó đã thi công xong 39 công trình và được thành phố cấp 157,591 tỷ đồng, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn cấp.
6 công trình hạ tầng nông thôn quy mô lớn, có tính chất phức tạp về quy hoạch, thiết kế kỹ thuật, hiện BQLDA Đầu tư xây dựng thành phố đã thi công hoàn thành 1 công trình, 1 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. 13 công trình hạ tầng nông thôn của 2 xã Sơn Dương, Bằng Cả thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu với tổng mức đầu tư 57,167 tỷ đồng, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn cấp.
Năm 2024, TP Hạ Long phối hợp với ngành điện đầu tư xây dựng các dự án tại các xã vùng cao, được sử dụng điện an toàn và nâng cao chất lượng điện. Cụ thể, chống quá tải các trạm biến áp (TBA) và cải tạo lưới điện tại 13 TBA thuộc khu vực các xã: Vũ Oai, Lê Lợi, Thống Nhất, Quảng La, Kỳ Thượng... đã thay thế 55 cột điện cũ, hư hỏng; nâng cấp 3,62 km đường dây điện hạ thế. Đầu xuân này nâng cấp 17 khu vực TBA; thay thế 102 cột điện cũ, hư hỏng; trồng mới 32 cột bê tông ly tâm; thay thế, nâng cấp 18,5 km đường dây điện hạ thế; lắp đặt mới 2,27 km đường dây điện hạ thế.
TP Hạ Long xoá toàn bộ các điểm lõm sóng khu vực trung tâm các thôn, xã; triển khai hạ tầng viễn thông tại các khe bản, đã có 143 trạm BTS phủ sóng viễn thông; 100% khu dân cư sinh sống tập trung đông dân được phủ sóng di động; tỷ lệ xóm được phủ sóng mạng di động 4G trở lên đạt 99,17%; trên 99,98% người dân được phủ sóng mạng di động 4G trở lên; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt trên 112,18% ; 100% các xã có hệ thống truyền thanh công nghệ thông tin - viễn thông (IP); triển khai 16 điểm wifi miễn phí trên địa bàn các xã.
4 dự án cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn Quốc gia cung cấp nước sạch cho trên 80% người dân tộc thiểu số vùng cao tại các xã Sơn Dương, Đồng Lâm, Vũ Oai, Hòa Bình… đã khởi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2025. Theo đó, hệ thống cấp nước sạch tại các xã Dân Chủ, Quảng La, Bằng Cả và Tân Dân… đã khởi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2025. Hệ thống cấp nước sạch tập trung tại xã Kỳ Thượng, Đồng Sơn, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2025.
Kết cấu hạ tầng là môi trường, là động lực thu hút đầu tư cùng với việc các xã đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và đa dạng hóa hình thức tiêu thụ nông sản. Tín hiệu xuân mới đáng mừng, 3 nhà gồm nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nhân cùng liên kết khai thác tiềm năng đất rừng, làm ra của cải.
Tin lành đầu xuân, Công ty TNHH Đầu tư phát triển CMT đã nghiên cứu đầu tư khu chế biến dược liệu tại xã Quảng La, với diện tích 5 ha; Nghiên cứu triển khai khu trồng dược liệu tập trung, phát triển dược liệu dưới tán rừng trồng tại các xã Sơn Dương, Dân Chủ với diện tích 200 ha. Công ty và Hợp tác xã Đồng Hang, xã Dân Chủ đã liên doanh, liên kết với các hộ dân triển khai trồng thí điểm trên 4 ha Cát sâm và Sâm nam; đồng thời liên kết với các hộ dân trồng 2 ha Cát sâm và Sâm nam tại xã Bằng Cả.
Công ty CP Dược liệu KinhSam đã trồng thí điểm 10 ha sâm Bố Chính, Đẳng sâm, Cát sâm tại địa bàn xã Thống Nhất; trồng thí điểm 2 - 5 ha/xã cây dược liệu dưới tán rừng trồng tại các xã Đồng Lâm, Bằng Cả, Quảng La, Tân Dân. Công ty nay đã có văn bản xin chủ trương đầu tư khu chế biến dược liệu tại xã Quảng La, diện tích 20 ha...
Công ty CP Tập đoàn Rừng Vàng đề xuất nghiên cứu, triển khai trồng dược liệu dưới tán rừng trồng tại khu vực Đồng Dinh, thôn 1, xã Dân Chủ với diện tích khoảng 30 ha và liên kết mở rộng các hộ dân khoảng trên 517 ha. Hiện Công ty CP Tập đoàn Rừng Vàng đã phối hợp với UBND xã Dân Chủ triển khai trồng thí điểm 10 ha dược liệu dưới tán rừng trồng tại khu vực Đồng Dinh, thôn 1, xã Dân Chủ.
Công ty TNHH Hoàng Kim Phát khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư vườn ươm tre giống rộng 40 ha; và dự kiến trồng khoảng 750 ha tre tại xã Đồng Sơn. Hiện nay doanh nghiệp đã thuê đơn vị tư vấn khảo sát đánh giá và thực hiện thủ tục xin chủ trương đầu tư.
Công ty CP Tập đoàn Anh Quân đã khảo sát, đang nghiên cứu lập dự án đầu tư Khu chăn nuôi hữu cơ tại xã Vũ Oai, với diện tích 50 ha. Hợp tác xã phát triển du lịch cộng đồng và nông nghiệp bền vững Khải Hương, xã Bằng Cả nghiên cứu đầu tư dự án trang trại trồng trọt cây dược liệu, cây gỗ lớn kết hợp du lịch sinh thái dưới tán rừng 35ha. Công ty TNHH xuất nhập khẩu TBG nghiên cứu, khảo sát nuôi cá tầm tại xóm Khe Táo, thôn Khe Càn, xã Đồng Sơn.
Xuân này, NQ78 của Thành ủy Hạ Long như mang thêm hơi ấm, tăng sắc xuân cho khe bản vùng cao, cho các xã xa đô thị. Những điềm lành đầu năm, cây sâm với 2 sản phẩm chính lợi thu là hoa và củ. Hoa sâm sau 1 năm trồng đã cho thu hoạch, lợi thu ổn định từ năm thứ 2; Sản lượng đạt từ 540 - 980 kg hoa khô/ha, với giá bán 500 nghìn đồng/kg, ước tính doanh thu đạt từ 270 - 540 triệu đồng/ha.
Sâm trồng 3 năm rưỡi đã thu hoạch được củ, nếu để lâu niên từ 5 năm trở ra mới thu hoạch thì năng suất, chất lượng và sản lượng cao hơn nhiều. Sản lượng 1ha với mật độ trồng 10 - 12 nghìn cây/ha; cây sau 5 năm trồng có thể đạt 3,5 kg/cây. Cứ 1ha sau 5 năm trồng tính trung bình 1,5 kg/cây sẽ cho thu hoạch 15 tấn củ với giá bán 500 nghìn đồng/kg, ước tính doanh thu đạt khoảng 7,5 tỷ đồng/ha. Dự án trồng Cát sâm tại thôn 1 xã Dân Chủ với trên 50 nghìn cây giống đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 - 12 lao động, với thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Xuân mới, công trình hạ tầng được đầu tư là động lực phát triển mới, làm thay đổi diện mạo nông thôn mới trong đổi mới. Người dân đời sống khấm khá, theo đó nếp sống văn minh, thôn xã văn hóa, kéo gần khoảng cách chất lượng đời sống của người dân tộc thiểu số với người dân thành thị. Một mùa xuân đầm ấm, nhà nhà như được đón thần tài xông đất đầu xuân.