Điểm tin Quy hoạch - Kiến trúc

Hà Nội: Đề xuất xây dựng lại Khu tập thể Nghĩa Tân cao 55 tầng

08:02 13/04/2025
Quy hoạch cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể Nghĩa Tân đề xuất, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: Đất ở đô thị, mật độ xây dựng tối đa 50%, tầng cao công trình tối đa 40 tầng nổi. Đất hỗn hợp, mật độ xây dựng tối đa 70%, tầng cao công trình tối đa 55 tầng nổi.
Hà Nội: Đề xuất xây dựng lại Khu tập thể Nghĩa Tân cao 55 tầng
.

Cụ thể, trong tuần từ ngày 31/3 - 06/4/2025, lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc có một số tin tức đáng chú ý như: (1) 3 phân khu chức năng tại Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ; (2) TP Huế: Mở rộng không gian công cộng trước 8 cổng thành; (3) TP.HCM tái khởi động dựa án xây dựng Nhà hát Thủ Thiêm; (4) Thi tuyển mô hình kiến trúc NƠXH - Giải pháp công nghệ xanh; (5) Cải tạo Khu tập thể Nghĩa Tân: Tầng cao công trình tối đa 55 tầng nổi.

3 phân khu chức năng tại Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ

Phối cảnh không gian phân khu trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 48 ha, tại xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc). Ảnh: INT

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 10/4/2025 phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2045.

Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ có ranh giới thuộc địa phận các xã: Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều, Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc và xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An gồm 03 phân khu, với tổng diện tích 618 ha.

Khu vực quy hoạch được chia làm 3 phân khu chức năng chính, trên cơ sở các trục không gian chính:

Phân khu 1 (Trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao), quy mô 48 ha.

Phân khu 2 (Khu sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ứng dụng công nghệ cao), quy mô 530 ha.

Phân khu 3 (Khu sàn giao dịch kết hợp triển lãm giới thiệu sản phẩm chế biến từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ), quy mô 40 ha. 

TP Huế: Mở rộng không gian công cộng trước 8 cổng thành

UBND TP Huế vừa công bố Quy hoạch chi tiết khu vực Kinh thành Huế, trong đó có kế hoạch mở rộng không gian công cộng trước 8 cổng thành nhằm làm nổi bật hình ảnh di sản và phát triển du lịch.

Theo đó, TP Huế sẽ thực hiện mở rộng không gian công cộng trước 8 cổng thành, gồm Nhà Đồ, An Hòa, Thượng Tứ, Cửa Hậu, Đông Ba, Cửa Hữu, Chánh Tây, Kẻ Trài; nhằm tôn vinh giá trị lịch sử và kiến trúc Kinh thành Huế, đồng thời hỗ trợ phát triển du lịch bền vững.

Ngoài ra, 4 trục đường nối tám cổng thành trên cũng sẽ được cải tạo, nâng cấp để trở thành tuyến phố thương mại - dịch vụ du lịch.  

Cùng với đó, hệ thống giao thông trong khu vực sẽ được tổ chức đa dạng, ưu tiên giao thông xanh và các phương tiện giảm phát thải bảo vệ môi trường.  

TP Huế cũng sẽ thực hiện chỉnh trang, cải tạo các khu vực eo bầu theo hướng trở thành công viên kết hợp bãi đỗ xe và các tiện ích đô thị.  

TP.HCM tái khởi động dựa án xây dựng Nhà hát Thủ Thiêm

Khu vực dự kiến xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Báo Đại đoàn kết.

Mới đây, TP.HCM đã gửi văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng về điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cho dự án Nhà hát Thủ Thiêm. Theo đó, Thành phố muốn thay đổi diện tích và mật độ xây dựng trên khu đất 24.000m2 để bảo đảm thiết kế nhà hát có quy mô 1.700 chỗ ngồi.

Dự án được UBND thành phố lựa chọn theo phương án kiến trúc mã số D102 của Công ty GMP International GmbH (CHLB Đức) - phương án đạt đồng giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi tuyển thiết kế nhà hát tổ chức năm 2021.

Vị trí thi công là lô đất 1-21, nằm ngay chân cầu Ba Son, giáp đường Nguyễn Thiện Thành và Quảng trường trung tâm Thủ Thiêm.  

Công trình Nhà hát Thủ Thiêm được UBND TP.HCM chủ trương thực hiện từ năm 1999, được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư ngày 08/10/2018 với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng (sau đó tăng lên gần 2.000 tỷ đồng).

Thi tuyển mô hình kiến trúc NƠXH - Giải pháp công nghệ xanh

Hội Kiến trúc sư Việt Nam chuẩn bị tổ chức Cuộc thi tuyển mô hình kiến trúc NƠXH - Giải pháp công nghệ xanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cuộc thi nhằm quy tụ các KTS, các nhà tư vấn, nhà phát triển dự án trong nước và cả quốc tế với 3 mục tiêu chính: Tìm ra các thiết kế điển hình, áp dụng rộng rãi, có khả năng xây dựng tại các đô thị lớn và đô thị nén gắn với giao thông công cộng (TOD); Khuyến khích các mẫu thiết kế NƠXH có giải pháp kỹ thuật, công nghệ đảm bảo khả năng lắp ghép để thi công nhanh, kinh tế, giảm giá thành căn hộ đảm bảo bền vững và tiện nghi cho phép; Tạo điều kiện (bằng cơ chế chính sách ưu đãi) để các doanh nghiệp lớn trong nước cùng tham gia phát triển công nghiệp sản xuất lắp ghép và xây dựng NƠXH.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, quy chế cuộc thi sẽ được hoàn chỉnh trước ngày 15/4 để tiến hành thu hồi và chấm, kết quả sẽ được công bố vào cuối tháng 4/2025.

Cải tạo Khu tập thể Nghĩa Tân: Tầng cao công trình tối đa 55 tầng nổi

Phạm vi ranh giới khu vực lập quy hoạch Khu tập thể Nghĩa Tân.

Ngày 10/4, UBND quận Cầu Giấy tổ chức Hội nghị công bố và bàn giao hồ sơ nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể Nghĩa Tân, tỷ lệ 1/500.

Phạm vi, ranh giới nghiên cứu quy hoạch: Phía Bắc trùng với tim đường Hoàng Quốc Việt hiện hữu; phía Đông, Đông Nam và phía Nam trùng với tim đường Tô Hiệu hiện hữu; phía Tây trùng với tim đường Nguyễn Phong Sắc hiện hữu.

Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô quy định: Cải tạo và xây dựng lại các khu tập thể cũ (Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch...) theo hướng cao tầng, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và các tiện ích công cộng...

Theo hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: Đất ở đô thị, mật độ xây dựng tối đa 50%, tầng cao công trình tối đa 40 tầng nổi. Đất hỗn hợp, mật độ xây dựng tối đa 70%, tầng cao công trình tối đa 55 tầng nổi. Đất cơ quan, mật độ xây dựng tối đa 70%, tầng cao công trình tối đa 25 tầng nổi. Đất công cộng đơn vị ở, mật độ xây dựng tối đa 40%, tầng cao công trình: 01÷05 tầng nổi; và một số chỉ tiêu khác…

Các chức năng sử dụng đất và chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cụ thể tại khu vực lập quy hoạch sẽ tiếp tục được nghiên cứu, xác định cụ thể trong quá trình lập đồ án quy hoạch.

Bình luận