Theo Báo cáo về tình hình phát triển đô thị của UBND thành phố Hà Nội gửi Bộ Xây dựng, sau hơn 10 năm phát triển, địa giới hành chính và số đơn vị hành chính của Thủ đô đã ổn định, diện tích được xác định chính xác là 3.358,92km2, dân số khoảng 8.246500 người với 12 quận, 01 thị xã, 17 huyện và 584 xã phường, thị trấn.
Theo quy hoạch điều chỉnh xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm: Đô thị trung tâm là đô thị đặc biệt; Đô thị Hòa Lạc là đô thị loại II; Đô thị vệ tinh Sơn Tây, Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên là đô thị loại III; 03 Thị trấn Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn là đô thị loại IV; 11 thị trấn thuộc huyện là đô thị loại V.

Sau khi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt năm 2011, Hà Nội liên tục xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống đô thị. Tuy nhiên, do điều kiện sáp nhập ranh giới hành chính năm 2008 và định hướng quy hoạch Thủ đô đòi hỏi cần có sự xác định lại ranh giới hành chính đô thị của một số địa phương, tạo điều kiện để có đơn vị hành chính quản lý các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, một số đô thị theo quy hoạch nằm trên ranh giới quản lý hành chính của hai huyện như đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Phú xuyên, đô thị sinh thái Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn cần phải có xác định lại ranh giới hành chính để thành lập chính quyền quản lý đô thị.
Đây là một số yếu tố khách quan, cần thực hiện để có chủ thể hành chính quản lý và phát triển hệ thống đô thị của thành phố. Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 đã xây dựng kịch bản lập địa giới hành chính mới phù hợp với quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, tuy nhiên, đang trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt nên chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện.
.jpg)
Đối với công tác quy hoạch xây dựng, phân loại đô thị, UBND TP Hà Nội kiến nghị sớm nghiên cứu thống nhất quy chế phối hợp giữa Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc để ký kết ban hành. Tiếp tục phối hợp với UBND TP Hà Nội trong quá trình lập, thẩm định các quy hoạch chung đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực quan trọng, các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan và các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc trên địa bàn thành phố.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch xây dựng trụ sở Bộ, ngành Trung ương và ban hành Danh mục, tiêu chí, lộ trình và giải pháp di dời các cơ quan đơn vị cần phải di dời ra khỏi khu vực nội thành, làm cơ sở để UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, rà soát, sử dụng quỹ đất sau di dời theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015.
Đối với công tác phát triển đô thị, đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, cần có những hướng dẫn, ban hành các quy chuẩn cụ thể, các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích, thu hút đầu tư…
UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị một số vấn đề trong triển khai các đề tài, dự án biến đổi khí hậu. Trong đó, kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách cụ thể khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững…