UBND TP Hà Nội mới có văn bản gửi các đơn vị, sở, ngành về việc triển khai thực hiện thông báo của Ban Chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố.
Theo đó, giao Sở Xây dựng chủ trì lập Đề án quản lý vỉa hè đảm bảo hài hòa giữa an ninh trật tự, kinh tế đô thị và sinh kế của người dân.

UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Công an Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu, trình Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu, xây dựng đề án quản lý vỉa hè, lòng đường trên địa bàn thành phố; đảm bảo bài bản, toàn diện, chặt chẽ, công khai, minh bạch, hài hòa giữa an ninh trật tự và phát triển kinh tế đô thị, gắn với đảm bảo quyền lợi sinh kế của người dân.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tham mưu, trình Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn vào tháng 6; hoàn thành đề án vào quý IV.
Ngoài ra, TP Hà Nội cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị; xây dựng mức phụ cấp hợp lý và chế độ khuyến khích đối với đội ngũ văn phòng đảng ủy và các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Tiếp tục thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố.
TP Hà Nội cũng giao nhiệm vụ đánh giá mô hình hoạt động trung tâm phát triển quỹ đất thuộc UBND quận, huyện, thị xã; báo cáo Chính phủ về mô hình đội quản lý trật tự xây dựng đô thị sau khi kết thúc thí điểm.
Trước thực trạng vỉa hè Hà Nội bị lấn chiếm để kinh doanh buôn bán gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng an ninh trật tự, UBND thành phố đã đề xuất chủ trương nghiên cứu phương án cho thuê vỉa hè theo giờ để làm cơ sở quy hoạch, quản lý và giám sát hiệu quả hơn.
Theo dự kiến, một số tuyến phố có vỉa hè rộng trên 5 m, sau khi chừa lại 1,5 m cho người đi bộ, sẽ được thí điểm cho thuê.
Thưc tế một số địa phương như quận Hoàn Kiếm đã thí điểm cho thuê vỉa hè một số tuyến phố để giữ xe.
UBND quận Hoàn Kiếm kiến nghị cho phép thí điểm sử dụng vỉa hè thêm 5 tuyến phố để tổ chức kinh doanh với giá thuê là 45.000 đồng/m2/tháng, gồm Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, một số đoạn phố Phùng Hưng và Lê Phụng Hiểu.
Một quận khác là Hai Bà Trưng cũng đề xuất thí điểm cho thuê vỉa hè các tuyến phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Trần Xuân Soạn, Ngô Thì Nhậm, Lò Đúc để kinh doanh, buôn bán hàng hóa.
Quận Đống Đa đề xuất phố Hoàng Cầu, Nguyễn Lương Bằng cho phép sử dụng tạm vỉa hè để kinh doanh.
Quận Tây Hồ có 2 tuyến phố Vũ Tuấn Chiêu và Trịnh Công Sơn đang quy hoạch là phố đi bộ cũng ủng hộ đề xuất cho thuê vỉa hè.
Cho thuê vỉa hè chỉ là một phần giải pháp quản lý vỉa hè. Hơn 10 năm qua, Hà Nội đã nhiều lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, tuy nhiên hiệu quả chưa được như mong muốn.