Nhu cầu bức thiết
Quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 3/2022. Quy hoạch có quy mô, diện tích tương đối lớn với khoảng 11.000ha, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.
Trong đó, diện tích sông Hồng chiếm 3.600ha, đất bãi sông trên 5.400ha, phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt, Tàm Xá, Xuân Canh… các phường ngoài đê như Tứ Liên, Nhật Tân, Thanh Trì, Lĩnh Nam...
Bà Nguyễn Thị Ngà, số nhà 587 đường Nguyễn Khoái, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai cho biết, việc UBND TP Hà Nội phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người dân sinh sống ổn định, lâu năm tại đây.
Tuy vậy, từ khi TP phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 đến nay đã hơn 2 năm nhưng cho đến nay việc làm tiếp theo là triển khai các Quy hoạch chi tiết 1/500 đối với các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ; xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất đối với từng lô đất trong khu dân cư hiện có, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng theo quy định vẫn chưa được phê duyệt. Điều này phần nào đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Cụ thể, khi chưa có quy hoạch chi tiết, người dân dù có giấy tờ đầy đủ, ăn ở ổn định, đất không có tranh chấp cũng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thậm chí nhiều hộ dân sinh sống quanh khu vực ngoài đê sông Hồng đã có “sổ đỏ”, gia đình đông con hoặc con cái trưởng thành lập gia đình phát sinh nhiều thế hệ muốn xây mới, đặc biệt là các trường hợp nhà cửa sau nhiều năm xuống cấp muốn sửa chữa, nâng cấp, cải tạo nhưng đều không được phép.
Ông Trần Văn Lại, Bí thư chi bộ, kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố số 5, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai cho biết, toàn bộ 600 hộ với gần 3.000 nhân khẩu của Tổ dân phố số 5 đều sinh sống ngoài đê.
Cũng vì chưa có Quy hoạch chi tiết nên Nhân dân không được sửa chữa nhà cửa. Bởi thế hàng năm nhất là vào mùa mưa bão Tổ dân phố phải tổ chức đoàn đi kiểm tra, đánh giá các căn nhà xuống cấp, có nguy cơ đổ sập. Từ đó báo cáo các cơ quan chức năng có biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân.
“Về nguồn gốc đất ngoài đê thuộc Tổ dân phố phần lớn là đất thổ cư, được các thế hệ cha ông để lại cho con cháu. Về lâu dài người dân mong muốn các cơ quan chức năng sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết phân khu đô thị sông Hồng để bà con được ổn định cuộc sống, nhà cửa được phép cải tạo, xây mới. Đặc biệt, các công trình phúc lợi, công trình công cộng như đường, điện, trường, trạm được quan tâm duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, đầu tư xây mới phục vụ đời sống dân sinh” - ông Trần Văn Lại bày tỏ mong muốn.
Từng bước đẩy nhanh tiến độ
Là một trong ba phường có diện tích đất ngoài đê sông Hồng của quận Hoàng Mai, ông Đặng Thanh Tùng, Chủ tịch UBND phường Thanh Trì cho biết, thời gian qua khi Quy hoạch chi tiết phân khu đô thị sông Hồng chưa được phê duyệt, việc quản lý và sử dụng đất ngoài đê gặp một số khó khăn, bất cập.
Theo thống kê trên địa bàn phường có tổng cộng 180ha ven sông Hồng, gồm 100ha diện tích mặt nước và 80ha đất ngoài đê. Trong số 80ha đất bãi có 13,5ha đất khu dân cư hiện hữu. Thế nhưng, từ năm 2016 đến nay, việc tạm dừng cấp phép xây dựng đã gây nhiều khó khăn và bức xúc cho người dân vùng bãi, nhất là các trường hợp muốn cải tạo nâng cấp nhà ở.
Theo ông Đặng Thanh Tùng, để từng bước giải quyết những vướng mắc cho người dân, quận Hoàng Mai đang tập trung đẩy mạnh tiến độ lập quy hoạch chi tiết phân khu đô thị sông Hồng trên địa bàn. UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với UBND 3 phường Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú rà soát, thống kê chi tiết các khu vực đất ven sông Hồng... Đặc biệt, với Quy hoạch 1/5.000 mà TP phê duyệt là tiền đề quan trọng để quận Hoàng Mai lập ranh giới khu dân cư hiện hữu tỷ lệ 1/500.
Để triển khai chỉ đạo của quận, từ 17/1 - 29/2, UBND phường Thanh Trì đã niêm yết hồ sơ, bản đồ để lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ thuộc khu vực ngoài đê sông Hồng trên địa bàn phường. Các phiếu lấy ý kiến còn được phát xuống các khu dân cư khu vực vùng bãi.
Phường cũng đã tổ chức hội nghị tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đóng góp liên quan đến nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ thuộc khu vực ngoài đê sông Hồng. Hầu hết các ý kiến đóng góp đều thống nhất ủng hộ việc thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực dân cư hiện có tồn tại bảo vệ thuộc khu vực bãi trên địa bàn phường; đồng thời đề nghị khi tiếp tục thực hiện quy hoạch chi tiết, các cơ quan, đơn vị quan tâm, khảo sát để quy hoạch phù hợp với thực tế.
Cũng về vấn đề này, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho biết, việc lập Quy hoạch chi tiết phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/500 thuộc địa phận quận Hoàng Mai đang trong quá trình hoàn thiện những công đoạn cuối cùng.
Cụ thể, ngày 5/1/2024, phòng Quản lý đô thị quận đã phối hợp với UBND các phường, đơn vị tư vấn và đơn vị liên quan tổ chức hội nghị lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và đại diện cộng đồng dân cư 3 phường. Cùng với đó, UBND 3 phường Thanh Trì, Lĩnh Nam và Trần Phú cũng đã có văn bản tham gia ý kiến góp ý.
UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản để lấy ý kiến thống nhất của Sở QH - KT Hà Nội theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. “Sau khi có ý kiến thống nhất của Sở NN&PTNT Hà Nội về ranh giới khu dân cư hiện hữu và ý kiến thống nhất của Sở QH - KT, UBND quận sẽ hoàn thiện nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu vực dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ thuộc khu vực ngoài đê trên địa bàn các phường Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú để trình Hội đồng thẩm định quy hoạch phê duyệt theo quy định” - vị đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai thông tin.
Ngày 25/3/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, thuộc địa giới hành chính 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Sau khi được phê duyệt, UBND TP Hà Nội giao UBND 13 quận, huyện và Sở NN&PTNT lập bản vẽ ranh giới tỷ lệ 1/500 các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ; tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ; xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất đối với từng lô đất trong khu dân cư hiện có, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
Kiểm tra, quản lý, giám sát xây dựng theo quy hoạch, xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, dự án đầu tư có liên quan trên địa bàn phù hợp với quy hoạch phân khu được duyệt.
Nguồn: kinhtedothi.vn