Theo đó, TP Hà Nội kiểm soát phát triển khu vực nội đô: Di chuyển các cơ sở sản xuất, các cơ sở đào tạo cấp đại học, cơ sở ý tế, bệnh viện gây ô nhiễm, từng bước di chuyển công sở (không phục vụ trực tiếp cho người dân Thủ đô), dành quỹ đất này ưu tiên phát triển hạ tầng xã hội (trường học, nhà trẻ, công cộng, văn hoá, cây xanh…), khai thác, tổ chức hệ thống bãi đỗ xe tĩnh theo hướng hạ ngầm hoặc cao tầng kết hợp cây xanh vui chơi giải trí thể dục thể thao, phần còn lại khai thác phát triển các cơ sở lưu trú, thương mại, dịch vụ phục vụ du lịch.
Đáng chú ý, TP Hà Nội xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Quy hoạch, Kiến trúc, Xây dựng… Tăng cường lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các khu dân cư làng xóm hiện có, cải tạo chỉnh trang, các khu vực hai bên tuyến đường giao thông. Tăng cường công tác thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc, thiết kế đô thị, đặc biệt tại khu vực các quận nội đô lịch sử, các khu vực quan trọng. Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kiến trúc công trình…
TP lồng ghép, cụ thể hoá các quy định, định hướng, quan điểm, mục tiêu phát triển kiến trúc Việt Nam vào công tác quy hoạch (Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị, khu chức năng, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị riêng,… và đặc biệt là các quy chế quản lý kiến trúc đô thị và điểm dân cư nông thôn).
Tại khu vực đô thị trung tâm và các khu vực quan trọng, tổ chức thi tuyển kiến trúc trong nước và quốc tế để tìm kiếm, lựa chọn, xây dựng các công trình kiến trúc đẹp, có quy mô lớn, mang ý nghĩa biểu trưng, biểu tượng của Thủ đô và quốc gia.
Mặt khác, TP Hà Nội tạo lập các hành lang xanh, không gian cây xanh, mặt nước lớn phục vụ các hoạt động công cộng đô thị. Bảo tồn và tận dụng các khu vực cảnh quan đẹp của Thành phố; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, cải thiện môi trường tự nhiên, thúc đẩy phát triển bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đảm bảo phù hợp với các định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
Cải tạo xây dựng lại các khu tập thể cũ, chung cư cũ theo hướng nâng cao tầng, giảm mật độ xây dựng, đảm bảo nâng cao điều kiện sống cho người dân, ưu tiên khai thác thêm quỹ đất, sàn cho hệ thống thương mại dịch vụ,… Ban hành các quy định, quy chế kiểm soát cho từng khu vực đặc thù: Phố cổ, phố cũ, khu vực xung quanh Hồ Tây, các khu chung cư cũ, dọc các tuyến đường chính, dọc các sông, hồ, làng xóm đô thị hoá…; quy định đặc kiểm soát bảo vệ, phát huy các công trình kiến trúc có giá trị.