
Trong hành trình đó, đầu tư đồng bộ và quyết liệt vào hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và đô thị, đóng vai trò nền tảng, tạo động lực then chốt giúp địa phương “thay da đổi thịt”, từ một huyện thuần nông trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) của cả tỉnh.
Với vai trò là trung tâm vùng phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Ngọc Lặc được quy hoạch trở thành đô thị loại IV vào năm 2030, có tính chất là đô thị động lực, đầu mối giao thông và giao thương của cả khu vực. Trong bối cảnh đó, đầu tư hạ tầng giao thông được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm, vừa để phục vụ dân sinh, vừa mở rộng không gian phát triển.
Các tuyến đường huyết mạch như QL15, QL47C, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện đã được nâng cấp, mở rộng và chỉnh trang theo hướng hiện đại, kết nối thuận lợi giữa các xã trong huyện và liên kết với các trung tâm vùng khác. Đặc biệt, đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua thị trấn Ngọc Lặc được quy hoạch mở rộng, trở thành trục động lực đô thị - công nghiệp - dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và phát triển sản xuất hàng hóa.
Bên cạnh các tuyến giao thông đối ngoại, Ngọc Lặc đã tập trung mở rộng, kiên cố hóa hàng trăm km đường giao thông nông thôn. Hệ thống đường liên xã, liên thôn, ngõ xóm được cứng hóa đạt chuẩn kỹ thuật, đảm bảo ô tô có thể tiếp cận tới 100% thôn bản, đồng thời kiên cố hóa hàng loạt công trình phụ trợ như rãnh thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng, biển báo và hạ tầng kỹ thuật đi kèm...
Nhờ sự đồng lòng của người dân, hàng nghìn mét vuông đất đã được hiến để mở rộng đường; hàng rào, cây cối được dỡ bỏ tự nguyện để chỉnh trang cảnh quan nông thôn, thể hiện tinh thần trách nhiệm và niềm tin của người dân đối với chương trình xây dựng NTM.
Cùng với giao thông, phát triển hạ tầng đô thị cũng là một điểm nhấn nổi bật của Ngọc Lặc trong thời gian qua. Thị trấn Ngọc Lặc đã được mở rộng về quy mô không gian, với hệ thống đường giao thông đô thị được đầu tư đồng bộ: Đường trục chính, đường gom, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, công viên cây xanh, khu dân cư mới... tạo nên diện mạo đô thị văn minh, hiện đại giữa lòng miền núi.
Tại các xã, nhiều công trình công cộng như nhà văn hóa, trụ sở UBND, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn... đã được xây dựng khang trang.
Đến nay, huyện đã hoàn thiện cơ sở văn hóa cùng với hệ thống truyền thanh hoạt động tốt, các trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, người dân sử dụng điện an toàn, ổn định, nguồn nước hợp vệ sinh và tính đến năm học 2023 - 2024, Ngọc Lặc có 71/78 cơ sở giáo dục công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt 91,2%.
Hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ, không chỉ nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn góp phần rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn trong vùng.
Trong phong trào xây dựng NTM, huyện Ngọc Lặc cũng là điểm sáng trong việc huy động sức dân và các tổ chức chính trị - xã hội cùng chung tay xây dựng hạ tầng. Người dân không chỉ hiến đất, hiến công, mà còn tích cực hưởng ứng các mô hình “tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp”, “hàng rào xanh NTM”, “đường hoa phụ nữ”, góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn miền núi khang trang, thân thiện và giàu bản sắc.
Toàn huyện đã trồng được hơn 365 km đường hoa, gần 700 km hàng rào xanh, trên 200 tuyến đường của 21/21 xã, thị trấn đảm bảo các tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn, tạo nên không gian sống văn minh và mang đậm dấu ấn cộng đồng.
Đặc biệt, các nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phát huy vai trò “cầu nối” giữa chính quyền và nhân dân, vừa vận động xây dựng NTM, vừa gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương.
Những thành quả đạt được trong quá trình xây dựng hạ tầng đã tác động rõ rệt đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, Ngọc Lặc đã khẳng định bước tiến vững chắc trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn nhờ lựa chọn đúng đắn: Lấy hạ tầng làm nền tảng, lấy đồng thuận nhân dân làm động lực, giúp kinh tế từng bước phát triển với đa dạng ngành nghề, thu nhập bình quân đầu người của huyện đã đạt gần 60 triệu đồng/năm.
Đến nay, các thành viên Hội đồng thẩm định trung ương đều thống nhất trình hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận đạt chuẩn NTM cho Ngọc Lặc, là một trong những địa phương cuối cùng của cả nước được thẩm định đạt chuẩn NTM cấp huyện vào thời điểm này.
Hành trình ấy không chỉ là cột mốc đáng tự hào đối với Đảng bộ và nhân dân Ngọc Lặc, mà còn là hình mẫu tiêu biểu của các địa phương miền núi trong cả nước. Trong tương lai, với hệ thống hạ tầng ngày càng hiện đại, đồng bộ và bản sắc văn hóa được gìn giữ, Ngọc Lặc hứa hẹn sẽ trở thành cực tăng trưởng mới phía Tây xứ Thanh, nơi nông thôn và đô thị cùng phát triển hài hòa, bền vững.