Hạ tầng giao thông phía Nam được triển khai mạnh mẽ

14:57 25/03/2024
Hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng tại phía Nam sẽ triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới, được xem là đòn bẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của toàn khu vực.

Tại TP.HCM, đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vừa được UBND TP.HCM trình Thủ tướng sẽ nghiên cứu phát triển hệ thống giao thông kết nối đường bộ tới cảng để phục vụ hoạt động khai thác và các ngành dịch vụ kinh tế sau cảng.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, cầu Cần Giờ được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng vốn hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách góp gần 50%, còn lại là vốn do nhà đầu tư huy động.

Dự kiến có quyết định chủ trương đầu tư trong quý 2/2024, nếu được thông qua sẽ khởi công dịp 30/4/2025, hoàn thành năm 2028. Dự án nút giao thông đường Rừng Sác nối cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP.HCM dự kiến bố trí khoảng 2.400 tỷ đồng vốn ngân sách đầu tư. Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58km, tổng vốn 31.000 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Tuyến đường kết nối Cần Giờ đi TP.HCM

Ngoài ra, TP.HCM sẽ nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt đô thị dọc theo đường Rừng Sác, dự kiến kết nối từ Khu đô thị lấn biển Cần Giờ với tuyến Metro số 4 tại huyện Nhà Bè. Đồng thời, TP.HCM cũng nghiên cứu làm tuyến đường kết nối cụm cảng Cần Giờ - Cái Mép và tuyến đường ven biển kết nối giữa TP.HCM (qua huyện Cần Giờ) với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự kiến 2 tuyến đường trên sẽ được bổ sung vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để triển khai các bước tiếp theo.

Ngoài các dự án liên kết vùng, TP.HCM cũng đang tích cực triển khai các tuyến giao thông trọng điểm như dự án mở rộng và xây mới tuyến đường Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn) với tổng số vốn dự kiến là 6.140 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn từ 2024-2030. Sở GTVT đề xuất đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trả chậm bằng ngân sách theo cơ chế trong Nghị quyết 98. Nhà đầu tư huy động vốn thực hiện dự án và TP.HCM sẽ thanh toán (sau khi công trình hoàn thành, được quyết toán) trong khoảng thời gian 5-10 năm.

Bình Dương cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP).  Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có vốn đầu tư gần 18.300 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay), thu hồi gần 420ha đất, đi qua nhiều trục đường của tỉnh Bình Dương.

Tổng chiều dài dự án đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 47,85km. Song song với tiến độ dự án thành phần 1, nhà đầu tư sẽ đề xuất tổ chức lập hồ sơ thiết kế ranh giải phóng mặt bằng trên phạm vi xây dựng của dự án thành phần 2 và trình các cấp phê duyệt. Cả 2 dự án thành phần dự kiến sẽ đưa vào khai thác cuối năm 2026.

Tại Long An, dự án Quốc lộ 50B có tổng mức đầu tư 18.600 tỷ đồng, kết nối trực tiếp TP.HCM - Long An - Tiền Giang. Đây được xem là đại dự án bậc nhất khu phía Đông tỉnh Long An đi qua 4 huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành.

Nút giao cao tốc đoạn Long Thành.

Ngày 24/3, Sở GTVT TP.HCM cho biết UBND Thành phố đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT đề xuất cơ chế đặc thù thực hiện dự án đường vành đai 4. Đề xuất giao cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác. Ngân sách Trung ương hỗ trợ TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai 50% tổng vốn ngân sách tham gia dự án, riêng Long An, Trung ương hỗ trợ 90%. Tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư. Tổng chiều dài toàn tuyến đường Vành đai 4 là 206 km, khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 112.000 tỷ đồng.

Như vậy, trong thời gian tới, hạ tầng hàng loạt các tỉnh phía Nam sẽ được triển khai mạnh mẽ, thúc đẩy liên kết vùng, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng về vận tải, trên tất cả các lĩnh vực: Hàng không, đường thủy và đường bộ.

Bình luận