Ngày 03/5, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm chủ đề “Hạ tầng xanh và chiếu sáng xanh hướng đến đô thị tăng trưởng xanh và bền vững”. Tọa đàm do Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng, Hội Chiếu sáng Việt Nam và các đơn vị đồng hành phối hợp tổ chức.
Chiếu sáng xanh là xu hướng tất yếu
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS. TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, hạ tầng xanh được một số nhà khoa học đề cập đến từ cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.
Tại Việt Nam, các khái niệm về đô thị tăng trưởng xanh, đô thị xanh… cũng đã được Bộ Xây dựng đề cập tới tại Thông tư 01/2018/TT-BXD, với ý nghĩa là các hoạt động xây dựng, quy hoạch đô thị; lập và thực hiện chương trình phát triển đô thị; đầu tư phát triển đô thị hướng tới đô thị tăng trưởng xanh.
Tuy nhiên, đến nay các thành phần của hạ tầng xanh chưa được đề cập đến một cách hệ thống, hệ thống lý luận về vấn đề này cũng chỉ mới ở bước khởi đầu.
“Việt Nam cần đi tiên phong trong vấn đề hạ tầng xanh một cách toàn diện, trên cơ sở đó gợi mở những chủ đề mới cho nghiên cứu khoa học và cho các luận văn, luận án... Đồng thời đề xuất đưa nội dung hạ tầng xanh vào các văn bản pháp quy, các luật thành phần và Bộ luật Đô thị trong tương lai” - PGS.TS Lưu Đức Hải nhấn mạnh.
Tuy nhiên đây là vấn đề khá mới mẻ, vì vậy tính pháp lý, tính khoa học, tính thực tiễn còn sơ khai. Ban tổ chức mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề để làm rõ hơn sự cần thiết của chiếu sáng xanh đối với sự phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần mang lại những thay đổi tích cực về chuyên môn, chuyên ngành và sự hưởng ứng của xã hội thông qua các ý tưởng cụ thể về chính sách, thể chế phát triển chiếu sáng xanh an toàn và bền vững.
Cùng với đó đề xuất các giải pháp công nghệ, vai trò của nhà nước trong quản lý vận hành, duy tu duy trì hệ thống chiếu sáng xanh đảm bảo lợi ích về kinh tế, môi trường; đồng thời là dịp để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhà chuyên môn chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp và giới thiệu các mô hình tiên tiến về chiếu sáng xanh, hạ tầng xanh nhằm đóng góp vào phát triển đô thị bền vững, thân thiện môi trường.
Tại Tọa đàm, TS Trần Ngọc Linh, đến từ Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, khẳng định hạ tầng xanh nói chung, chiếu sáng xanh nói riêng là thành phần rất quan trọng của đô thị tăng trưởng xanh. Nhận thức được điều này, các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng đã cụ thể hóa trong các văn bản quản lý nhà nước liên quan đến chiếu sáng xanh...
Theo xu thế chung trên toàn cầu những năm gần đây, Việt Nam cũng đang từng bước xây dựng đô thị thông minh tại nhiều địa phương; cùng với đó là thực hiện nghiên cứu, bổ sung một loạt tiêu chí cho các lĩnh vực của đô thị thông minh, trong đó có tiêu chí về chiếu sáng xanh, cụ thể là tiêu chí về hệ thống quản lý chiếu sáng thông minh trong đô thị…
TS Trần Ngọc Linh nhấn mạnh 2 vấn đề nổi bật cần nghiên cứu sâu hơn: Thứ nhất là khái niệm chiếu sáng xanh, hiện còn chưa rõ ràng, cần làm rõ các khái niệm và đặc biệt là làm rõ các thành phần của chiếu sáng xanh… Thứ hai là vấn đề ô nhiễm ánh sáng, tác động của ánh sáng đến sức khoẻ cộng đồng, an toàn quang sinh học… Vấn đề này nên được đặt ra ngay từ bây giờ để xây dựng các văn bản pháp quy cũng như là những quy định cụ thể cho chiếu sáng đô thị.
Một ý kiến khác, đến từ Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, qua tổng hợp một số văn bản quản lý nhà nước thấy nổi lên 2 nhóm vấn đề chính liên quan đến chiếu sáng xanh, đó là chiếu sáng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và vấn đề chiếu sáng thông minh. Tuy nhiên các khái niệm, quy định về chiếu sáng xanh còn khá sơ lược, đặt ra nhu cầu và đòi hỏi về việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.
Để làm được điều này, theo đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật, trước hết cần làm rõ khái niệm về chiếu sáng xanh, đồng thời cụ thể hơn nội hàm các thành phần của chiếu sáng xanh và lượng hoá từng nội dung cụ thể để cơ quan nhà nước có thêm cơ sở dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung này.
“Có 2 nhóm giải pháp cho vấn đề này: Nhóm thứ nhất là các giải pháp về quản lý quy hoạch, quản lý vận hành, khai thác chiếu sáng xanh để đạt được hiểu quả khai thác; nhóm thứ hai là các ngành sản xuất thiết bị hướng đến chiếu sáng xanh. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng xoay quanh 2 nhóm vấn đề này" - đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật nhấn mạnh.
Cùng với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến công tác hỗ trợ thực hiện chính sách của cơ quan chức năng, từ đó tạo điều kiện triển khai, cũng như tạo điều kiện về công nghệ, phương tiện kiểm chuẩn để đánh giá…
Ở một khía cạnh khác, bà Nguyễn Khánh Linh, đại diện Hội đồng Công trình xanh Việt Nam nêu quan điểm, ở Việt Nam ít nhắc đến nội dung về vật liệu phản sáng, vốn rất quan trọng trong đời sống, nhưng chưa được ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam. Loại vật liệu này có vai trò tăng cường sự kết nối giữa con người với nhau và với môi trường, giảm độ chiếu sáng và giảm tiêu thụ năng lượng. Thế giới rất quan tâm đến các nguồn chiếu sáng hạn chế gây ảnh hưởng đến xung quanh, không ảnh hưởng đến động vật (đường chim bay, động vật di trú) và không chiếu vào cửa sổ của các công trình, nhà dân (các chụp đèn đều hướng xuống).
Bên cạnh đó, các công trình trình diễn ánh sáng cũng còn ít ở Việt Nam, có vai trò quan trọng kết nối con người, cũng như tạo cảm hứng để con người kết nối gắn kết bền vững hơn.
Nghiên cứu, bổ sung cơ chế đặc thù phát triển lĩnh vực chiếu sáng nói chung, chiếu sáng xanh nói riêng
PTS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội chiếu sáng Việt Nam cho rằng, chiếu sáng là lĩnh vực đặc thù, nhưng chưa có cơ chế đặc thù để điều chỉnh, vì Việt Nam hiện không có đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực chiếu sáng.
Chiếu sáng là ngành dịch vụ công ích, Nhà nước có trách nhiệm quan tâm đầu tư, nhưng nguồn lực còn dàn trải; điều này mẫu thuẫn với Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên…
Do đó, theo PTS.TS Nguyễn Hồng Tiến, trong định hướng sắp tới, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung thêm một số nội dung, cơ chế, chính sách để hỗ trợ lĩnh vực chiếu sáng phát triển; nghiên cứu bổ sung cơ chế đấu thầu theo hình thức PPP trong lĩnh vực chiếu sáng để huy động thêm nguồn lực đầu tư; nghiên cứu xem có nên tiếp tục thực hiện cổ phần hoá trong lĩnh vực dịch vụ công ích này hay không…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị (Hapulico), tựu trung lại, để phát huy vai trò của chiếu sáng xanh đối với đô thị tăng trưởng xanh và phát triển bền vững thì vấn đề cốt yếu là tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách, bởi hiện chưa có quy định nào cho phép lĩnh vực chiếu sáng được đầu tư theo hình thức PPP; thứ nữa hiện mặt bằng giá điện của Việt Nam còn thấp so với thế giới, đặc biệt giá điện chiếu sáng công cộng hiện được hưởng cơ chế ưu đãi, dẫn đến thời gian hoàn vốn kéo dài. Bên cạnh đó, chiếu sáng công cộng do Nhà nước quản lý, thuộc lĩnh vực đầu tư công, thiếu các cơ chế huy động đa dạng nguồn lực đầu tư.
Kết luận Tọa đàm, PGS.TS Lưu Đức Hải đánh giá, các ý kiến đã tập trung vào các nội dung chính, mang tính chiến lược ở một số khía cạnh: Các khái niệm về chiếu sáng xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh; khung pháp lý cho chiếu sáng, chiếu sáng xanh; các lợi ích của chiếu sáng xanh đối với đô thị xanh; chiếu sáng xanh gắn với chiếu sáng thông minh trong đô thị; kinh nghiệm của một số quốc gia, chiếu sáng xanh gắn với đô thị xanh…
“Trong giai đoạn hiện nay, thế giới đang diễn ra nhiều thay đổi quan trọng, yêu cầu các quốc gia trong đó có Việt Nam phải đổi mới mô hình tăng trưởng, tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức; hướng tới mục tiêu phát triển thịnh vượng, bền vững, bao trùm, trong đó hạ tầng xanh đang trở thành một xu hướng khách quan, một lựa chọn phát triển chiến lược của nhiều quốc gia”- PGS.TS Lưu Đức Hải nhấn mạnh.
Tọa đàm cũng nhất trí cần làm rõ hơn khái niệm về chiếu sáng xanh, tiêu chuẩn, tiêu chí về chiếu sáng xanh, cũng như vai trò của chiếu sáng với sức khỏe con người.