Tham gia ý kiến vào dự thảo Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng đề nghị TP Hải Phòng rà soát, bổ sung các căn cứ liên quan đến lập Quy hoạch TP Hải Phòng; xác định các cơ sở pháp lý, định hướng chiến lược đang còn hiệu lực; đồng thời bổ sung phân tích vị trí, vai trò của TP Hải Phòng trong các mối liên hệ vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là với các tỉnh xung quanh như Hải Dương, Quảng Ninh và Thái Bình.
Hải Phòng cũng cần bổ sung đánh giá tốc độ tăng dân số toàn thành phố, làm rõ tốc độ tăng tự nhiên và tăng cơ học, dân số đô thị và nông thôn; làm rõ sự dịch chuyển dân số trong thành phố, giữa đô thị và vùng nông thôn.
Về đánh giá hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng đề nghị Thành phố bổ sung các nghiên cứu mới mới, và làm rõ những tồn tại, bất cập để có cơ sở đề xuất điều chỉnh, đảm bảo sự thống nhất.
Đối với nội dung dự báo xu thế, triển vọng phát triển thời kỳ 2021-2030, Bộ Xây dựng cho rằng các phân tích dự báo còn mang tính chung chung, thiếu tính dự báo riêng cho Việt Nam hay một vùng. Do đó, Hải Phòng cần bám sát các mục tiêu phát triển chung theo các nghị quyết của Trung ương và địa phương; bổ sung phân tích, làm rõ các bối cảnh trong nước, quốc tế và xem xét thực trạng phát triển của địa phương.
Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị Hải Phòng bổ sung thông tin số liệu, phân tích các dự báo của quốc gia, vùng và các tỉnh lận cận; trên cơ sở đó có sự so sánh, đánh giá và làm rõ những lợi thế cạnh tranh phát triển các ngành lĩnh vực của TP Hải Phòng.
Liên quan đến mô hình và cấu trúc tổ chức không gian, Hải Phòng cần bám sát mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh” và cấu trúc không gian đô thị “Hai vành đai - Ba hành lang - Ba trung tâm và các đô thị vệ tinh” theo đồ án đang được Thành phố trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cập nhập các nội dung đã được nghiên cứu mới; rà soát các quy hoạch ngành, đặc biệt là các số liệu dự báo trong quy hoạch sử dụng đất; đồng thời xem xét, đánh giá các nhu cầu đất xây dựng, chuyển đổi chức năng sử dụng đất, làm cơ sở đề xuất điều chỉnh, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Về phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, khu vực Vườn quốc gia Cát Bà cần lồng ghép khoanh vùng các khu vực bảo vệ theo Luật Di sản - Văn hóa, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học..., gắn với các quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, sử dụng tài nguyên.