Ban hành luật và công cụ quản lý đất đai
Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý phát triển đô thị tại Pháp để xây dựng các đô thị có khả năng chống chịu, phục hồi trước biến đổi khí hậu (BĐKH), ông Herve’ Conan - Giám đốc AFD Việt Nam cho biết, nhằm tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của đô thị, một trong các giải pháp mà các cơ quan chính quyền Pháp đã thực hiện là quản lý đất đai theo một khuôn khổ nghiêm ngặt hơn với những công cụ pháp chế về quy hoạch chiến lược cũng như đô thị hóa và áp dụng trong thực tiễn đô thị hóa.
Theo đó, Pháp ban hành nhiều luật và công cụ về quản lý đất đai nhằm mục tiêu hạn chế phát triển đô thị dàn trải. Ví dụ, Luật về khí hậu và tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi năm 2021 điều chỉnh các quy định về đô thị hóa cho phù hợp yêu cầu hạn chế phát triển đô thị dàn trải và bảo vệ các hệ sinh thái.
Mục tiêu của luật này là hạn chế cứng hóa nền đất trong 10 năm; phát huy giá trị của “tự nhiên trong đô thị”, tạo thuận lợi cho việc tăng mật độ đô thị tập trung thay vì đô thị dàn trải, sử dụng các nhà còn trống và các tòa nhà cũ bị bỏ hoang…
Luật về đa dạng sinh thái năm 2018 nhằm hạn chế đô thị dàn trải và tạo thuận lợi cho sự hình thành các khu vực sinh thái kết nối. Luật này có quy định về Kế hoạch quốc gia “đạt tỷ lệ cứng hóa nền đất 0% vào năm 2050”, nhằm đạt mức sử dụng không gian tự nhiên hàng năm bằng "0" thông qua tăng cường mật độ, khôi phục tự nhiên ở các khu vực đã bị cứng hóa.
Ở các vùng lãnh thổ ven biển, Luật Duyên hải năm 1986 đặt mục tiêu bảo vệ dải bờ biển để tránh phát triển đô thị thiếu kiểm soát; quy định phạm vi chỉ giới “dải 100m” không cho phép xây dựng trên một dải rộng 100m kể từ bờ biển. Có một cơ quan Nhà nước phụ trách bảo vệ vùng duyên hải thành lập vào năm 1975 với chức năng đại diện cho Nhà nước để thu hồi/mua lại các diện tích đất ven biển bị đe dọa bởi đô thị hóa hoặc bị xuống cấp.
Kết hợp văn bản pháp lý và công cụ quy hoạch
Cũng theo ông Herve’ Conan, ở cấp độ chính quyền địa phương tại Pháp, việc phải chống lại những rủi ro khí hậu và hình thành các vùng lãnh thổ có sức chống chịu và phục hồi là những yêu cầu đối với mọi cấp chính quyền.
Theo đó, khung pháp lý quốc gia và quy hoạch lãnh thổ địa phương gắn kết chặt chẽ với nhau thông qua sự kết hợp đồng bộ giữa các văn bản pháp lý và các công cụ quy hoạch.
Ví dụ, Quy hoạch thống nhất khu vực (SCOT), tài liệu quy hoạch chiến lược dài hạn (khoảng 20 năm) cho phép bảo vệ quỹ đất có thể xây dựng, đồng thời xác định những khu vực không thể xây dựng dài hạn trong khu vực và dự báo/chuẩn bị trước cho những tác động của BĐKH và các quá trình chuyển dịch sinh thái, năng lượng, dân số.
SCOT có phạm vi áp dụng ở cấp độ một vùng đô thị, một khu vực dân cư lớn hoặc một khu vực phát triển việc làm.
Pháp cũng quy định về quyền ưu tiên mua đất đô thị (DPU), công cụ chính của chính quyền địa phương để quy định các hoạt động quy hoạch trên các công trình đã xây từ trước đó. Quyền này được dành cho các xã và cho phép chính quyền có thể được ưu tiên thay cho một bên mua tư nhân trong việc mua một bất động sản nào đó đang được chào bán, để thực hiện một dự án quy hoạch vì lợi ích Nhà nước hoặc cộng đồng.
Trong hoạt động thực tiễn, khuôn khổ do chính quyền áp dụng cho sự quy hoạch đô thị bền vững sẽ được triển khai qua các cơ quan Nhà nước phụ trách quy hoạch hoặc các công ty quy hoạch. Trong đó, các cơ quan Nhà nước phụ trách quy hoạch (EPA) là công cụ quản trị chiến lược các vùng lãnh thổ, các EPA có mục tiêu hoạt động tạo thuận lợi cho quy hoạch và phát triển bền vững các vùng lãnh thổ có tính chất quan trọng với lợi ích quốc gia.
Với Hội đồng quản trị bao gồm các đại diện của Nhà nước và chính quyền địa phương cùng các nhân vật có vai trò quan trọng, EPA sẽ xác định chiến lược chung về quy hoạch đô thị và triển khai thực tế trên vùng lãnh thổ.
Các chính quyền địa phương và sự kết hợp các cấp chính quyền theo hình thức cộng đồng đô thị, vùng dân cư, liên xã... có những công cụ thực sự hữu hiệu để triển khai thành công các dự án quy hoạch của mình, như công ty kinh tế kết hợp SEM với sự tham gia vốn của Nhà nước cùng với đối tác tư nhân hoặc doanh nghiệp Nhà nước ở địa phương SPL.
Các SEM cho phép có sự chia sẻ rủi ro với các cổ đông tư nhân và làm phong phú thêm phương thức làm việc của các chính quyền địa phương qua những trao đổi với các cổ đông tư nhân. Là cổ đông chi phối, Nhà nước vẫn kiểm soát được các hoạt động của SEM.
Ông Herve’ Conan đánh giá, mô hình phát triển đô thị tại Việt Nam hiện nay khuyến khích mở rộng đô thị gắn với phân bổ của Nhà nước dành cho tăng trưởng cơ sở hạ tầng đô thị, kéo theo tình trạng cứng hóa nền đất nghiêm trọng và thường không gắn với các rủi ro về BĐKH; cần phải thay đổi phương thức này thông qua việc phê chuẩn các quy hoạch tổng thể, trong đó lồng ghép các rủi ro môi trường và khí hậu cũng như những rủi ro của từng địa phương có liên quan.