
Cụ thể, năm 1998 tỉnh Quảng Ninh đã nhất trí chủ trương cho Tổ HTX Đông Hà lập dự án đầu tư, khai thác hệ thống hang động trên núi Bàn Cờ, khu vực Vũng Đục để hoạt động văn hóa - du lịch. Theo đó, ngày 12/02/1999 Sở Địa chính căn cứ vào Quyết định số 176 QĐ/UB ngày 19/01/1999 của UBND tỉnh Quảng Ninh, đã ký hợp đồng cho Tổ HTX Đông Hà thuê thời hạn 50 năm, diện tích 8.354 m2 núi đá có hang động làm dịch vụ văn hóa.
Trong diện tích 8.354 m2 núi đá Bàn Cờ mà Tổ HTX Đông Hà thuê để hoạt động văn hóa - du lịch có nhiều hang động, như động Long Vân chiều dài 157 m, chỗ cao nhất 8 m, chỗ rộng nhất 10 m, gồm 9 vòm hang trên độ cao 59,6 m so với mực nước biển; động Thiên Đăng ở độ cao 44,6 m so với mực nước biển, chiều dài động là 24 m, chỗ cao nhất 8 m, chỗ rộng nhất 12 m, diện tích 288m2. Từ năm 1999, Tổ HTX Đông Hà đã chỉnh trang cửa hang, tạo mặt phẳng nền hang, xây dựng hộ lan - bậc thang bộ trong lòng hang và kết nối với các cửa hang lộ thiên… để đón khách du lịch.
Ngày 27/02/1999 (nửa tháng sau khi tỉnh giao đất có hang động cho Tổ HTX Đông Hà thuê để hoạt động văn hóa - du lịch), thì khu Vũng Đục được xếp hạng Di tích lịch sử và danh thắng cấp tỉnh. Tuy nhiên, Hang Dơi, động Cung Đình đang được sử dụng làm dịch vụ du lịch không phải hạng mục di tích gốc thuộc Khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục.

Tổ HTX Đông Hà tái cơ cấu lại sản xuất, nâng cấp doanh nghiệp lên Công ty TNHH Du lịch Vũng Đục, gần đây liên kết với Công ty TNHH Hang Ngọc Rồng đã tổ chức tuyên truyền quảng bá dịch vụ văn hóa - du lịch và sẽ tổ chức biểu diễn văn nghệ - ca nhạc trong hang thì dấy lên vấn đề, nên hay không nên đưa hang động trở thành “nhà hát” và làm cơ sở dịch vụ du lịch.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, mọi hoạt động trong khu vực danh thắng Vũng Đục hướng mục tiêu bảo tồn bền vững di tích gắn với phát triển du lịch, theo quan điểm bảo tồn hiện đại. Di tích phải được tôn tạo, tạo ra sức sống bền vững cho di tích trong hiện tại và tương lai.
PGS.TS Đặng Văn Bài khẳng định, bảo tồn danh thắng, gắn với phát triển du lịch bền vững, tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; và việc sáng tạo các loại hình dịch vụ văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, mua sắm, tổ chức sự kiện… để có sản phẩm du lịch độc đáo cho địa phương là nên làm. Năm 1999, hang Ngọc Rồng đã giao cho doanh nghiệp quản lý tổ chức dịch vụ văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực…kết hợp với danh thắng trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của Cẩm Phả là đúng hướng.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh Nguyễn Thế Huệ nêu quan điểm, chính quyền các cấp cần quan tâm đưa các Di tích lịch sử văn hóa, danh thắng trở thành các điểm du lịch có giá trị kinh tế cao. Hệ thống hang động thiên nhiên là sản phẩm du lịch đặc sắc cần được khai thác và khai thác bền vững.
Theo KTS Trần Dũng (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), trên phạm vi toàn quốc và Quảng Ninh hầu hết hệ thống hang động danh thắng, di tích lịch sử văn hóa đã và đang là sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, lễ hội… đáp ứng nhu cầu xã hội và đời sống dân sinh. Như động Hương Tích (Hà Nội), động Tam Thanh và động Nhị Thanh (Lạng Sơn); hang Son (Uông Bí), chùa Hang (Quảng Yên) ngày xuân có hàng ngàn du khách trảy hội. Hệ thống hang động trên vịnh Hạ Long là điểm đến níu chân trên 10 triệu lượt du khách/năm. Hang động là tài nguyên thiên nhiên, hình thành từ thời địa chất thứ II, cần được khai thác để phát triển kinh tế - xã hội.

Di tích trở thành “nhà hát” và “nhà hát” trở thành di tích là bình thường. Năm 2011, Nhà hát lớn Hà Nội được xếp hạng Di tích Quốc gia; năm 2015, Nhà hát TP Hải Phòng được xếp hạng Di tích Quốc gia. Hang Đầu Gỗ từng diễn ra nhiều buổi hòa nhạc, từng làm nơi triển lãm trưng bày giới thiệu ảnh nghệ thuật Vịnh Hạ Long, thu hút nhiều người xem.
Đạo diễn Lê Chính cho biết, buổi hòa nhạc đầu tiên tại hang Đầu Gỗ vào ngày 19/11/2005, do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh và Ban quản lý vịnh Hạ Long phối hợp tổ chức mà khi ấy ông là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, đồng thời là tác giả kịch bản và tổng đạo diễn của buổi hòa nhạc này.
Buổi hòa nhạc đầu tiên trong hang Đầu Gỗ đã huy động trên 60 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam biểu diễn trên sân khấu dựng tạm rộng khoảng 15 m2, ngay trong lòng hang. Chương trình gồm 3 bản giao hưởng, 5 bản hợp xướng và 2 bản Acapella, trong đó có những bản nhạc như: “Suite” trích Ballet “Kẹp hạt dẻ” của Tchaikovsky, “Mùa xuân” của Vivaldi, “Mi mi” trích opera “Labohem” của Pucini, "Tôi là người thợ lò", "Trống cơm"… Chỉ huy dàn nhạc là 2 nhạc sĩ nổi tiếng Đỗ Hồng Quân và Phạm Hồng Hải.

Sự kiện này sau đó cũng được chính nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nay là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam báo cáo tại Hội nghị Giao hưởng Quốc tế với sự tham dự của 44 dàn nhạc giao hưởng của toàn thế giới, tại LB Nga. Lần đầu tiên, các đại biểu dự hội nghị biết đến có hoạt động biểu diễn giao hưởng trong một hang động trên biển.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khi ấy cho biết, biểu diễn trong hang Đầu Gỗ, các nhạc công, nghệ sĩ và những khán giả khó tính về thẩm âm có chung nhận xét: thạch động có tuổi đời khoảng 2 triệu năm, công trình thiên tạo tuyệt đẹp, chất lượng âm thanh lại thật bất ngờ với không gian âm thanh hoàn hảo của một “nhà hát” hiện đại được thiên nhiên ban tặng.
Sau lần đó, còn có thêm 3 buổi biểu diễn hòa nhạc nữa tại “nhà hát” hang Đầu Gỗ. Lần gần nhất là vào trưa 11/10/2014, trong chương trình Festival Âm nhạc mới Á - Âu. Cũng như các buổi hòa nhạc trước, một sân khấu lắp ghép bằng gỗ đủ cho vài chục nghệ sĩ biểu diễn và không có sự hỗ trợ của bất kỳ thiết bị, kỹ thuật âm thanh điện tử nào, chỉ có những âm thanh mộc và thuần khiết của các nhạc cụ.
Quảng Ninh đã có chủ trương triển khai xây dựng “nhà hát” hang Đầu Gỗ và các hang động đủ diện tích khán phòng, đạt tiêu chuẩn bá âm, cách âm, chống khúc xạ âm thanh… để xây dựng thành một nhà hát khác biệt trên thế giới và là một sản phẩm du lịch rất độc đáo chỉ có ở Quảng Ninh. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch này gặp trở ngại trong đó có đại dịch Covid-19.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, không nên máy móc “đóng cửa” các Di tích - danh thắng được xếp hạng, đó là những công trình văn hóa được vinh danh, là tài nguyên, là tiềm năng cần được khai thác giá trị kinh tế phục vụ lợi ích dân sinh; có tài chính mới tái đầu tư tôn tạo, bảo tồn di tích, theo phương châm di tích nuôi di tích.

Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Ninh Nguyễn Việt Dũng cho rằng, đồng thời với lợi thế du lịch biển đảo Hạ Long, Bái Tử Long… Quảng Ninh còn có lợi thế về du lịch lễ hội, du lịch sinh thái… hệ thống hang động là tiềm năng lớn được Đảng - Nhà nước khuyến khích khai thác du lịch nhân dân - du lịch cộng cộng, phát triển kinh tế du lịch dưới tán lá rừng…nhưng cơ sở cần phải đảm bảo trật tự xây dựng, phòng chống cháy nổ, bảo vệ cảnh quan môi trường theo quy định của pháp luật, để phát triển kinh tế bền vững.

Như vậy, theo góc nhìn của các chuyên gia, nên khai thác tiềm năng hang động vào mục đích du lịch. Các hang đá có cấu trúc hàng triệu năm tuổi, đủ điều kiện an toàn và khả năng cách âm theo tiêu chuẩn chuyên môn âm nhạc... chỉ cần hoàn thiện các tiêu chí về phòng chống cháy nổ, cảnh quan môi trường...