Vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tổ chức điều trần về việc nâng cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Theo kế hoạch, quyết định chính thức sẽ được Mỹ công bố vào ngày 26/7 và các ý kiến bình luận và phản biện lên DOC trước khi diễn ra phiên điều trần vẫn đang khá trung lập.
Tại phiên điều trần, phía Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường, đồng thời nhấn mạnh việc nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận định, việc Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ. Từ đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Tính đến nay, 72 nước đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản… Việt Nam cũng đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trải rộng khắp các châu lục.
Hiện Việt Nam đang nằm trong danh sách 12 quốc gia có quy chế kinh tế phi thị trường của DOC và sẽ bị sử dụng giá từ nước thứ ba thay thế để tính toán giá sản xuất khi tính biên độ phá giá trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với các vụ việc phòng vệ thương mại, trong trường hợp hàng xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá thì vẫn bị coi là nền kinh tế phi thị trường sẽ dẫn đến các nguyên tắc tính toán giá thông thường không được sử dụng.
Nước điều tra sẽ sử dụng nước thứ ba để tính toán giá thay thế khi tính biên độ phá giá, khiến cho biên độ phá giá thường rất cao, không phản ánh đúng thực tiễn sản xuất của Việt Nam. Điều này tạo ra bất lợi rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu khi không thể cạnh tranh với các hàng hóa xuất khẩu từ quốc gia khác.
Còn với các vụ việc Mỹ điều tra chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, nước này sẽ áp dụng phương pháp dành cho các quốc gia có nền kinh tế phi thị trường để tính chi phí sản xuất tại Việt Nam nhằm xác định quá trình lắp ráp hoặc hoàn thiện tại Việt Nam có đáng kể hay không.
Ví dụ, đối với sản phẩm thép của Việt Nam khi xuất sang thị trường Mỹ thường phải chịu một mức thuế chống bán phá giá nhất định, do sử dụng nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể giúp gỡ bỏ các rào cản về thuế đối với các sản phẩm tôn mạ.
Tương tự, các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu khác của Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi ích lớn khi Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam có thể sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp đó trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra thuế chống bán phá, tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể được hưởng lợi về thuế nhập khẩu trong trường hợp Mỹ áp dụng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập cho Việt Nam.