Ngày 22/7, tại Hà Nội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đã có buổi làm việc với 4 Bộ: Xây dựng, KH&ĐT, TN&MT, Tư pháp về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NƠXH từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
3 luật mới gỡ “nút thắt”, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển
Báo cáo của Bộ Xây dựng tại buổi làm việc cho biết, trong giai đoạn từ năm 2015 đến hết năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chủ động, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thị trường BĐS, tăng cường công tác thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường, kịp thời xử lý các vấn đề “nóng” phát sinh.
Công tác quản lý thị trường BĐS đã được các cấp, các ngành triển đồng bộ và khá toàn diện, nhờ đó đã kiểm soát thị trường BĐS, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Tuy nhiên, nguồn cung sản phẩm nhà ở chủ yếu là phân khúc cao cấp và trung cấp, thiếu sản phẩm BĐS là nhà ở giá phù hợp; giá giao dịch BĐS có xu hướng tăng dần theo năm...
Đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Luật Kinh doanh BĐS được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2023 sẽ giải quyết nhiều tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua.
Đó là giải quyết được những chồng chéo, mâu thuẫn, đảm bảo đồng bộ trong hệ thống pháp luật giữa Luật Kinh doanh BĐS với các luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư; Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, quản lý thị trường BĐS rất phức tạp, đòi hỏi nhiều Bộ, ngành, địa phương cùng tham gia, nhưng thời gian qua do chưa hoàn thiện về công cụ để quy định quản lý thị trường BĐS nên lúng túng trong điều tiết thị trường. Vì vậy, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 đã bổ sung quy định cụ thể về các nguyên tắc, biện pháp, thẩm quyền điều tiết thị trường BĐS.
Đối với xử lý các dự án tồn đọng, vướng mắc, Bộ trưởng cho biết, các vướng mắc này liên quan đến cả đầu tư, quy hoạch, đất đai, quy trình, thủ tục hành chính. Vì vậy, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở đã quy định rõ các giai đoạn đầu tư nhà ở thương mại; quy trình đầu tư xây dựng NƠXH; cải tạo chung cư cũ...
Báo cáo với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, những năm qua, Luật Đất đai năm 2013 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường BĐS, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.
Pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan được ban hành đã làm thay đổi căn bản thị trường BĐS, đã tạo lập được cơ chế thị trường BĐS hoạt động và phát triển tương đối nhanh, đồng bộ.
Việc sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS đồng bộ với các luật liên quan sẽ giúp tạo hành lang pháp lý đủ rõ ràng, minh bạch, khơi thông pháp lý của các dự án trên thị trường. Nhờ vậy, nguồn cung BĐS sẽ dồi dào, giá BĐS sẽ ổn định, chấm dứt hiện tượng bong bóng, sốt giá.
Môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện
Đối với phát triển NƠXH, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2023, mặc dù điều kiện nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, song việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển NƠXH đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, cả nước có khoảng 800 dự án NƠXH đã được triển khai, với quy mô 567.042 căn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang triển khai đầu tư xây dựng thí điểm 2 thiết chế công đoàn tại tỉnh Hà Nam và tỉnh Tiền Giang.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các Bộ Xây dựng, các quy định về trình tự, thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt dự án NƠXH chưa thống nhất, nên thực hiện còn lúng túng, chậm trễ, kéo dài.
Trong khi đó, các ưu đãi với xây dựng NƠXH chưa đủ sức khuyến khích việc tham gia đầu tư xây dựng NƠXH của các thành phần kinh tế; thủ tục mua, thuê mua, thuê NƠXH qua nhiều khâu xác minh, thẩm duyệt, gặp nhiều vướng mắc, thời gian thẩm định kéo dài.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, thời gian tới khi Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực sẽ tháo gỡ cơ bản những vướng mắc về xác định đối tượng, điều kiện thụ hưởng NƠXH, điều kiện thu nhập trong đăng ký mua, thuê, thuê mua NƠXH...
Liên quan đến việc giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển NƠXH, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, tháng 4 vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển NƠXH, nhà ở công nhân, theo hướng chỉnh lý lại điều kiện của chủ đầu tư, bỏ điều kiện về bồi thường giải phóng mặt bằng và cấp phép xây dựng so với trước đây.
Đồng thời, đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giảm lãi suất gói tín dụng này từ 3-5% so với lãi suất cho vay thương mại; nâng thời hạn cho vay; mở rộng các ngân hàng cho vay phát triển NƠXH…
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung đánh giá, nguồn vốn đầu tư công giai đoạn qua còn khó khăn nên số vốn bố trí để thực hiện chính sách phát triển NƠXH còn hạn hẹp. Việc thu hút tư nhân tham gia phát triển NƠXH còn nhiều khó khăn do các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành chưa đủ hấp dẫn.
Mặt khác, việc ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến thị trường BĐS còn chưa thống nhất, chưa đồng bộ về phạm vi điều chỉnh và nội dung. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho dự án nhà ở còn vướng mắc. Việc thực hiện các đề án của Chính phủ về NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp còn hạn chế…
Để tổ chức thực hiện tốt các luật và văn bản hướng dẫn thi hành, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Bộ Tư pháp đã tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương chỉ đạo công tác phổ biến pháp luật, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành chủ trì xây dựng văn bản hướng dẫn; đồng thời xây dựng các tài liệu phổ biến pháp luật, để các địa phương khi triển khai bảo đảm thông suốt.
Theo chức năng, thẩm quyền trong các luật này, vai trò, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh rất lớn trong việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn vì các dự án nằm ở địa phương, thẩm quyền phê duyệt chủ trương, quy hoạch. Do đó, các địa phương cần chủ động thực hiện các nhiệm vụ, thẩm quyền được phân giao.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, qua giám sát tại 12 địa phương và ngày làm việc hôm nay cho thấy, chủ trương, đường lối của Đảng đã rõ, cụ thể làm định hướng để phát triển lành mạnh, bền vững thị trường BĐS và phát triển NƠXH.
Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành mới cũng như sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị định, thông tư trong nhiều lĩnh vực liên quan đến BĐS, NƠXH; môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn.
Thị trường BĐS đã tạo ra khối lượng lớn cơ sở vật chất lớn cho xã hội, giúp cho các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển và nâng cao điều kiện sống cho các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, giai đoạn gần đây nguồn cung BĐS suy giảm mạnh, rất ít dự án mới; giá BĐS tăng cao; số lượng căn hộ NƠXH cung cấp cho thị trường còn thiếu hụt xa so với nhu cầu...
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị 4 Bộ trong lĩnh vực phục trách nghiên cứu để đưa vào các thông tư, nghị định đang và sắp ban hành hoặc đề xuất sửa đổi các pháp luật có liên quan. Trong đó, bám sát kiến nghị của các địa phương vì nhiều ý kiến xác đáng và là yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2023, mặc dù điều kiện nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, song việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển NƠXH đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cả nước có khoảng 800 dự án NƠXH đã được triển khai, với quy mô 567.042 căn.