
Từ “đối tượng cải tạo” đến “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”
Sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng CNXH. Khi đó, trong lĩnh vực kinh tế, cả nước lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo cùng với kinh tế tập thể; kinh tế tư nhân là đối tượng cải tạo. Hệ thống kinh tế tập trung, bao cấp được thiết lập từ Trung ương đến địa phương, coi nhẹ hoặc phủ nhận sản xuất hàng hóa, quy luật giá trị, có thành kiến với kinh tế thị trường…
Mặc dù đạt được một số thành tựu khắc phục hậu quả sau chiến tranh trong giai đoạn 1975 - 1985 nhưng về kinh tế, đất nước đã rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng.
Bắt đầu từ Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986), nền kinh tế nhiều thành phần đã được thừa nhận chính thức trong văn kiện Đại hội nhưng cụm từ “kinh tế tư nhân” vẫn bị coi là nhạy cảm và cố kỵ nên phải nằm lẫn trong “các thành phần kinh tế khác”.
Văn kiện Đại hội VI khẳng định cần phải: “Củng cố thành phần kinh tế XHCN bao gồm cả khu vực quốc doanh và khu vực tập thể một cách toàn diện” nhưng cũng đã hé mở ra một cánh cửa mới: “Bằng những biện pháp thích hợp, sử dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế khác trong sự liên kết chặt chẽ và dưới sự chỉ đạo của thành phần kinh tế XHCN”.
Lúc này, kinh tế tư nhân nói riêng, các thành phần kinh tế phi XHCN nói chung vẫn được coi là đối tượng phải “cải tạo”, bằng những hình thức và bước đi thích hợp, tránh chủ quan nóng vội: “Cần có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế khác”.
Nếu nói chính xác thì trong quá trình xây dựng CNXH của đất nước, kinh tế tư nhân Việt Nam chỉ được thừa nhận bắt đầu từ Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 05/4/1988 của Bộ Chính trị khóa VI, xác định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, tạo động lực cho kinh tế tư nhân trong nông nghiệp hồi phục và phát triển năng động, bước đầu chuyển sang sản xuất hàng hóa.

Đến Đại hội Đảng lần thứ VII (tháng 6/1991), cụm từ “kinh tế tư nhân” được chính thức đưa vào văn kiện Đại hội: “Kinh tế tư nhân được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước” và “Mọi người được tự do kinh doanh theo pháp luật, được bảo hộ quyền sở hữu và thu nhập hợp pháp”. Thậm chí, thành phần tư bản tư nhân cũng được xác định như là một “công cụ” để xây dựng nền kinh tế XHCN: “Kinh tế tư bản tư nhân được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành, nghề mà luật pháp không cấm”…
Thời gian cứ mỗi lần qua đi là một lần nền kinh tế tư nhân của Việt Nam được “thoát thai hoán cốt”, lại một lần vươn lên phát triển cùng đất nước. Đến Đại hội Đảng lần thứ X thì tư duy và nhận thức về kinh tế tư nhân trong Đảng bùng nổ khi cho phép đảng viên tham gia kinh tế tư nhân.
Tại Đại hội Đảng lần thứ XII (tháng 01/2016), kinh tế tư nhân đã được đánh giá là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Văn kiện Đại hội XII nhấn mạnh việc: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”.

Nhưng ngoạn mục nhất, ấn tượng nhất có lẽ là Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Nội dung Nghị quyết không chỉ khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” mà còn đặt ra mục tiêu rất cụ thể cho khu vực kinh tế tư nhân của quốc gia.
Đó là, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đó là, tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm.
Đó là trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
Từ một “đối tượng cải tạo” nay kinh tế tư nhân Việt Nam được đánh giá là nguồn “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”, công cuộc đổi mới của đất nước đã bước sang tuổi 40, “tứ thập nhi bất hoặc”!
“Phát triển kinh tế tư nhân là lựa chọn sống còn”
Để bạn đọc hiểu ngọn ngành hơn về quá trình thoát thai của nền kinh tế tư nhân Việt Nam, xin trích dưới đây một phần bài viết “Động lực mới cho phát triển kinh tế” của Tổng Bí thư Tô Lâm về vấn đề này: “Thực tiễn phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân ở Trung Quốc và Nga, cũng như qua 40 năm đổi mới ở Việt Nam đã để lại những bài học hết sức quý báu.
Với Nga, ngay cả trong thời kỳ phát triển kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Chính sách kinh tế mới phát triển các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, của V.Lênin từ năm 1921 đến năm 1991 đã giúp kinh tế Nga phát triển vượt bậc. Trong thời kỳ này, Nước Nga cùng với nhiều nước kém phát triển khác trong Liên bang Xô viết trở thành cường quốc đạt tới trình độ cao trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, vũ trụ
Với Trung Quốc, bắt đầu từ chính sách “Cải cách và Mở cửa” năm 1978, sửa đổi hiến pháp năm 1988 theo hướng tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp tư nhân, công nhận kinh tế tư nhân là một phần quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XV năm 1997, cam kết bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của kinh tế cá thể và kinh tế tư doanh, kinh tế tư nhân của Trung Quốc đã có bước phát triển bùng nổ, với sự ra đời của nhiều tập đoàn lớn không chỉ thống trị thị trường nội địa mà còn vươn ra thị trường quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực công nghệ, viễn thông và thương mại điện tử.
Hàng loạt doanh nghiệp tư nhân chiếm phần lớn trong các ngành công nghiệp như sản xuất, dịch vụ, đặc biệt là công nghệ cao đã đóng góp hơn 60% GDP, tạo ra 80% việc làm ở thành thị và hơn 70% phát minh, sáng chế trong nền kinh tế Trung Quốc.
Ở Việt Nam, với việc nền kinh tế nhiều thành phần được thừa nhận chính thức trong văn kiện Đại hội VI của Đảng; khẳng định khuyến khích và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển ở Đại hội VII và tiếp tục nhấn mạnh ở Đại hội VIII; có bước phát triển tại Đại hội IX khi Đảng ta khẳng định kinh tế tư bản tư nhân là thành phần kinh tế có vị trí quan trọng lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, lần đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”; nhấn mạnh vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế và quy định cụ thể vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân ở Đại hội X; khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát về vai trò của kinh tế tư nhân như là một động lực quan trọng của nền kinh tế tại Đại hội XII, XIII, kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển khởi sắc.
Từ chỗ chỉ tồn tại “thoi thóp”, “cầm chừng” trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, bị phân biệt đối xử không chỉ trong ý thức xã hội mà trong cả cơ chế, chính sách nhà nước, kinh tế tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho xã hội, phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có ở mỗi địa phương cũng như trong cả nước, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, khẳng định vai trò, động lực quan trọng trong hội nhập quốc tế.
Có thể thấy, với tầm nhìn, chính sách đúng đắn, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển kinh tế tư nhân là sự lựa chọn sống còn để thúc đẩy sản xuất vật chất, tạo ra sự biến đổi xã hội, “sức bật” về trình độ công nghệ, đào tạo nghề, gia tăng khả năng hấp thu vốn, thúc đẩy tăng năng suất lao động, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH.
Để phát triển kinh tế tư nhân, vấn đề quan trọng, cốt lõi nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, với những thay đổi có tính bước ngoặt về tư duy, nhận thức, hành động, tạo thành đặc trưng cơ bản của kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng so với kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước trước đây”.
Như vậy có thể nhận xét, cùng với cuộc cải cách bộ máy hành chính chưa từng có, thì một trong những điểm nghẽn thể chế về lĩnh vực kinh tế tư nhân của nước nhà bắt đầu khởi động một cuộc cách mạng mới trong nền kinh tế quốc gia.