Tuyến đầu tiên là Milano - Napoli và Torino - Venezia, sau đó là Milano - Genova, với mục tiêu gia tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện vận tải đường sắt trong bối cảnh chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng vận tải ở Italy. Từ đầu, các tuyến ĐSTĐC được dự kiến xây dựng hoàn toàn độc lập như mô hình ở Nhật, Pháp và Tây Ban Nha, nhưng đến năm 1996, chiến lược này chuyển sang mô hình tích hợp với đường sắt truyền thống, giúp duy trì dịch vụ ở các vùng không có ĐSTĐC.
Thay đổi trong chiến lược từ mạng lưới độc lập sang tích hợp với đường sắt truyền thống đã giúp hệ thống ĐSTĐC phục vụ nhiều tuyến hơn, nhưng điều này cũng khiến chi phí xây dựng tăng đáng kể. Ngân sách dự kiến từ 10,7 tỷ euro năm 1992 đã tăng lên 32 tỷ euro vào năm 2006 do chi phí bổ sung để nâng cấp hệ thống truyền thống. Hơn nữa, sự do dự của các nhà đầu tư tư nhân trong việc cung cấp vốn cũng buộc Tổng công ty Đường sắt Quốc gia Ferrovie dello Stato phải thu mua lại phần lớn cổ phần vào năm 1998.
Vượt trội về tốc độ và công nghệ
Hệ thống ĐSTĐC của Italy hiện nay nằm trong số những hệ thống tiên tiến nhất tại châu Âu, cung cấp các dịch vụ tốc độ cao giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa các thành phố lớn. Dẫn đầu trong hệ thống này là tàu Frecciarossa 1000 với vận tốc tối đa lên tới 400 km/h, nhưng trên thực tế thường vận hành ở tốc độ khoảng 300 km/h để đảm bảo an toàn và sự thoải mái tối ưu cho hành khách. Được vận hành bởi Trenitalia, tàu Frecciarossa 1000 không chỉ nổi bật về tốc độ mà còn được đánh giá cao về công nghệ hiện đại và thiết kế thân thiện với môi trường.
Ngoài Frecciarossa, hệ thống ĐSTĐC của Italy còn bao gồm các hệ thống Frecciargento và Frecciabianca, với tốc độ tối đa lần lượt là 250 km/h và 200 km/h. Các tàu này đảm nhận kết nối với các TP trung tâm cấp hai, mở rộng mạng lưới cao tốc đến nhiều khu vực hơn trong nước. Điều này tạo nên một hệ thống ĐSTĐC liên tục, giúp Italy kết nối linh hoạt và hiệu quả giữa các TP lớn và các khu vực lân cận.
Hệ thống này đã mang đến sự thay đổi lớn cho giao thông Italy, ví dụ điển hình là hành trình giữa Rome và Milan. Trước đây mất hơn 6 giờ, nhưng giờ đây chỉ mất khoảng 2 giờ 59 phút với tàu Frecciarossa 1000. Hệ thống tàu cao tốc Italy không chỉ tạo điều kiện cho giao thương và du lịch mà còn là bước tiến quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng bền vững của quốc gia
Hiện trạng và các dự án mở rộng
Hiện nay, mạng lưới ĐSTĐC của Italy dài khoảng 1,467 km, kết nối các trung tâm kinh tế lớn như Turin, Milan, Bologna, Florence, Rome, và Naples. Với sự hỗ trợ từ tổ chức National Recovery and Resilience Plan (NRRP) của Liên minh châu Âu, Italy đang đẩy mạnh mở rộng mạng lưới này, đặc biệt là tại các vùng phía Nam vốn ít được đầu tư.
Các dự án nổi bật bao gồm tuyến Napoli - Bari, Salerno - Reggio Calabria, và Palermo - Catania nhằm giảm thời gian di chuyển và tăng khả năng vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa các TP phía Nam. Dự kiến đến năm 2026, sẽ hoàn thành 274 km tuyến mới tại phía nam, cùng với một số tuyến kết nối quan trọng ở phía bắc như Brescia – Verona – Vicenza
Tích hợp với chiến lược giao thông châu Âu
Trong tương lai, mạng lưới ĐSTĐC của Italy sẽ còn được mở rộng để liên kết với các hành lang vận tải quan trọng của châu Âu trong khuôn khổ mạng lưới giao thông Trans - European Transport Network (TEN-T). Các tuyến đường nối liền Bắc và Nam châu Âu, như hành lang từ Rotterdam đến Genoa hay từ Berlin đến Palermo, giúp tạo nên một hệ thống giao thông bền vững, giảm thời gian di chuyển và bảo vệ môi trường
Hệ thống ĐSTĐC của Italy là một trong những minh chứng cho nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và bền vững ở châu Âu, với mục tiêu thúc đẩy kết nối trong nước và liên khu vực. Mặc dù đối mặt với các thách thức về chi phí và tài chính, chiến lược tích hợp ĐSTĐC với đường sắt truyền thống đã giúp nâng cao hiệu quả và đảm bảo lợi ích cho nhiều khu vực, đặc biệt là những khu vực không có ĐSTĐC. Những nỗ lực hiện tại và tương lai sẽ tiếp tục giúp Italy tiến gần hơn tới mục tiêu về giao thông xanh, bền vững và hiệu quả cho người dân cũng như nền kinh tế.