
Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có 15 thứ bậc thì Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đứng thứ 6, tức là bậc khá cao.
Thông thường, với các văn bản pháp quy ở bậc càng cao thì sự đọc, hiểu, giải thích và áp dụng vào thực tiễn lại càng phải rất cẩn trọng. Chính vì thế cho đến nay, ở nước ta vẫn còn duy trì hiện trạng có Luật rồi nhưng chưa áp dụng được vì thiếu Nghị định; có Nghị định rồi vẫn phải chờ đợi Thông tư hướng dẫn…
Câu chuyện dưới đây thêm một phần chứng minh rằng, việc đọc, hiểu, giải thích và áp dụng một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào thực tiễn không hề dễ dàng, thậm chí chúng còn được hiểu ngược hẳn 180 độ!
Cuối tháng 9/2024, một Việt kiều từ California (Mỹ) về Việt Nam đã gửi Đơn khẩn cầu hỗ trợ tư pháp lên Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhờ giúp đỡ khi những quyền lợi hợp pháp của gia đình bà tại Việt Nam bị xâm phạm.
Theo đơn trình bày, có thể tóm tắt câu chuyện như sau: Bà tên là Lê Thị Xuyến, sinh năm 1933 tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Khi bố mẹ mất đã để lại 3 mảnh đất vườn có diện tích khác nhau với tổng cộng khoảng 34.000 m2, trên đó có xây một căn nhà cấp 4 khoảng 150 m2. Bà là người con duy nhất được ghi vào danh sách thừa kế trong gia phả họ Lê trên mảnh đất này.
![]()
|
Năm 1993, khi đã 60 tuổi và có nhu cầu sang ở với con gái tại California, bà đã viết Giấy ủy quyền quản lý và sử dụng đất đai, nhà cửa cho người cháu họ, đồng thời là con nuôi, có tên là Huỳnh Văn Thảo, sau đổi tên là Lê Thanh Phong. Đến năm 2013, khi bà có nhu cầu trở về lại Việt Nam sinh sống thì tất cả đất đai, nhà cửa của dòng họ Lê đã được chuyển sang chủ sở hữu mới là Huỳnh Văn Thảo. Những người họ Huỳnh đã xua đuổi bà, không cho vào ngôi nhà của chính bà. Bà cũng không được quyền vào thắp hương cho những ngôi mộ của cha, mẹ và những người thân trong dòng tộc. Đến nay đã 11 năm, bà Xuyến đều phải đi ở nhờ…
Suốt thời gian ấy, bà đã gửi đơn kêu cứu nhiều nơi, nhiều cấp nhưng đều không được giải quyết thấu đáo. Cho đến ngày 21/3/2023, tại phiên Tòa sơ thẩm tỉnh Vĩnh Long, quyền lợi hợp pháp của dòng họ Lê gia đình bà đã được công nhận và bảo hộ với lập luận rất cơ bản, đó là với một tấm Giấy ủy quyền quản lý và sử dụng tài sản thì không thể sang tên đổi chủ được.
Nhưng sang đến phiên Tòa phúc thẩm thì kết quả hoàn toàn ngược lại. Xin trích nguyên văn phân tích của Tòa phúc thẩm trong bản án: “Năm 1993, bà Xuyến được Nhà nước cho phép xuất cảnh và định cư tại Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình (ODP). Theo Quyết định số 121-CP ngày 19/3/1979 của Hội đồng Chính phủ thời điểm này cho phép những người có nguyện vọng ra nước ngoài để sum họp gia đình được xuất cảnh sau khi làm đầy đủ các thủ tục cần thiết như: Chuyển giao tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình cho cha mẹ, vợ hoặc chồng, con ở lại trong nước. Vì vậy, bà Xuyến đã chuyển giao toàn bộ nhà đất thuộc thửa đất 148 cho người con nuôi của mình là ông Lê Thanh Phong tiếp tục quản lý, sử dụng; đây là thủ tục pháp lý quan trọng để bà Xuyến được phép xuất cảnh và định cư tại Hoa Kỳ. Theo quy định pháp luật trên, kể từ thời điểm này, bà Lê Thị Xuyến không còn quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối với tài sản tại Việt Nam. Do đó, bà Lê Thị Xuyến cho rằng chỉ ủy quyền cho ông Phong là không phù hợp với thực tế, mà cần xác định thực chất của việc ủy quyền là tặng cho mới đúng ý chí của bà Xuyến”.
Cuối cùng, Tòa phúc thẩm phán quyết toàn bộ tài sản nhà đất của dòng họ Lê để lại tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đã không thuộc về bà Xuyến nữa.
Trong bài viết này không định đi sâu vào phân tích việc đúng sai của hai phiên tòa sơ và phúc thẩm. Vấn đề được đặt ra: Câu chuyện xuất phát từ thực tiễn này liệu sẽ đem lại bài học gì để khi đọc, hiểu, giải thích và áp dụng những văn bản pháp quy vào cuộc sống cho chuẩn chỉ, đúng pháp luật?
Điểm tựa pháp lý của vụ việc chính là Quyết định số 121-CP ngày 19/3/1979 của Hội đồng Chính phủ. Xin trích nguyên văn:
Điều 4. Những người được phép ra nước ngoài theo quyết định này được:
- Đem theo vật dùng cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày.
- Đem theo tư trang, kim loại quý và đá quý theo qui định của Chính phủ Việt Nam.
- Chuyển giao tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình cho cha, mẹ, vợ, hoặc chồng, con ở lại trong nước. Nếu không có người thân kể trên ở trong nước thì giao tài sản đó cho chính quyền địa phương tạm thời quản lý theo thể lệ hiện hành.
- Hưởng quyền thừa kế tài sản theo pháp luật Việt Nam.
Bài học thứ nhất có thể rút ra trong vụ việc này, đó là cần phải hiểu chuẩn chỉ từng chữ và nghĩa trong văn bản luật. “Chuyển giao tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình” khác hoàn toàn với việc “Chuyển giao quyền sở hữu tài sản hợp pháp của mình”. Trong trường hợp này, Tòa phúc thẩm đã có sự nhầm lẫn giữa “chuyển giao tài sản” và “chuyển giao quyền sở hữu tài sản”. Bởi bên cạnh tài sản có rất nhiều quyền, như quyền định đoạt, quyền quản lý, quyền sử dụng, quyền thừa kế, quyền ủy quyền… Khi giao tài sản kèm theo quyền nào thì người được ủy quyền chỉ được sử dụng quyền đó. Trong vụ việc này, chủ sở hữu chỉ ủy quyền quản lý và sử dụng thì không thể hiểu việc chuyển giao tài sản cùng đồng nghĩa với việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản, tựa như một quyết định tước đoạt tài sản.
Bài học thứ hai, cần có thông tin đầy đủ về bối cảnh ra đời của văn bản luật để có sự hiểu biết sâu sắc hơn, tránh những suy luận sai lầm khi áp dụng.
Hoàn cảnh ra đời của Quyết định số 121-CP ngày 19/3/1979 là vào những năm 1977 - 1978, làn sóng người dân vượt biên trái phép đã khiến tình hình chính trị và xã hội Việt Nam mất ổn định. Nhiều thảm kịch đầy nước mắt đã diễn ra trên biển đối với những người vượt biên trái phép khiến dư luận thế giới có những cách nhìn thiếu thiện chí đối với đất nước và chính quyền Việt Nam lúc bấy giờ.
Nhằm ngăn chặn những thảm kịch này, đáp ứng nguyên vọng của nhiều người dân và theo đề xuất của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Hội đồng Chính phủ đã ký Quyết định số 121-CP ngày 19/3/1979. Đây là một quyết định có ý nghĩa nhân đạo cao, tôn trọng quyền tự do cư trú của công dân, đồng thời tạo một hành lang pháp lý nhằm khuyến khích công dân Việt Nam ra nước ngoài bằng con đường hợp pháp. Quyết định cũng cam kết rằng, mọi quyền công dân vẫn được pháp luật bảo đảm, trong đó có quyền sở hữu, quyền thừa kế tài sản.
Vì vậy, không thể hiểu Quyết định này là một đặc ân, bắt buộc mọi công dân được Nhà nước cho phép ra nước ngoài “phải” hoàn thành những quy định về chuyển giao sở hữu tài sản. Tòa phúc thẩm đã hiểu đúng khi phán quyết: “Vì vậy, bà Xuyến đã chuyển giao toàn bộ nhà đất thuộc thửa đất 148 cho người con nuôi của mình là ông Lê Thanh Phong tiếp tục quản lý, sử dụng; đây là thủ tục pháp lý quan trọng để bà Xuyến được phép xuất cảnh và định cư tại Hoa Kỳ”, nhưng lại hiểu không đúng khi suy luận: “Theo quy định pháp luật trên, kể từ thời điểm này, bà Lê Thị Xuyến không còn quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối với tài sản tại Việt Nam. Do đó, bà Lê Thị Xuyến cho rằng chỉ ủy quyền cho ông Phong là không phù hợp với thực tế, mà cần xác định thực chất của việc ủy quyền là tặng cho mới đúng ý chí của bà Xuyến”.
Chính vì thiếu hiểu biết hoàn cảnh ra đời của văn bản pháp luật, lại không thấu đáo từ ngữ trong văn bản nên cách hiểu, giải thích và vận dụng của phiên Tòa phúc thẩm đã bỏ đi từ “được” cực kỳ quý giá trong văn bản pháp luật để biến chúng thành từ “phải” đầy tính áp đặt.
Bài học thứ ba, cần hiểu tính đạo lý của văn bản pháp luật. Kể cả trong Hiến pháp cũng như hệ thống pháp luật liên quan đến tài sản công dân, tất cả đều thống nhất một đạo lý rằng, mọi công dân Việt Nam đều có quyền sở hữu tài sản và được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Vậy khi một người dân xuất cảnh ra nước ngoài định cư hay vì một lý do nào đó, nếu họ vẫn đang là công dân Việt Nam thì tài sản của họ vẫn luôn được Nhà nước Việt Nam bảo hộ.
Có thể nhận xét, Quyết định số 121-CP ngày 19/3/1979 là một trong những chính sách ưu việt của Chính phủ Việt Nam đối với bà con khi có nhu cầu xuất cảnh theo diện đoàn tụ gia đình. Tính ưu việt này đều nằm ở từ “được” tại dòng đầu tiên của Điều 4. Từ “được” có ý nghĩa đây là quyền lợi mà người xuất cảnh đoàn tụ được hưởng. Đồng thời cũng có nghĩa là Tổ quốc Việt Nam luôn luôn để lại cánh cửa mong đón mọi người trở về chứ không thể hiểu theo cách ngược lại. Thậm chí, pháp luật còn quy định nếu không có người thân để chuyển giao thì tài sản đó giao cho chính quyền địa phương “tạm thời quản lý”. Từ “tạm thời” đã thể hiện rõ tinh thần đó.
Đến đây thì mọi sự đã rõ, việc đọc, hiểu, giải thích và áp dụng một văn bản pháp luật không hề dễ dàng mà câu chuyện của cụ bà Việt kiều nêu trên chỉ là một trong những ví dụ.