
TP Huế nằm ở một trong những vùng nhạy cảm nhất đối với các rủi ro thiên tai của khu vực miền Trung. Thành phố thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, hạn hán và giông, bão. Những năm gần đây, các hiện tượng cực đoan này có xu hướng ngày càng tăng và khó dự báo.
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng chống, ứng phó và giảm nhẹ thiên tai, trong đó tập trung vào các biện pháp phi công trình như Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM).
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng châu Á (ADB) đã tài trợ dự án “Hỗ trợ lập kế hoạch chống chịu với biến đổi khí hậu do cộng đồng khởi xướng” (CLP) nhằm cải thiện khả năng chống chịu BĐKH của các nhóm dễ bị tổn thương ở TP Huế.
Bài viết giới thiệu cách tiếp cận và phương pháp hỗ trợ các sáng kiến do cộng đồng khởi xướng trong phòng chống rủi ro thiên tai và BĐKH tại TP Huế và một số kết quả đã đạt được.
1. Đặt vấn đề
Huế là thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên Huế, là một trong những tỉnh chịu thiệt hại lớn do các rủi ro thiên tai. Do vị trí địa lý nằm trong khu vực trũng giữa núi và biển, ảnh hưởng của BĐKH là một trong những đe dọa chính với Huế. BĐKH dẫn đến gia tặng lượng mưa, tác động đến ngập lụt, làm cho các cộng đồng dễ bị tổn thương mất cân đối gây ra các vấn đề căng thẳng và sốc, bao gồm các vấn đề gây ra bởi tác động của khí hậu và thảm họa thiên nhiên.

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp phòng chống rủi ro thiên tai và BĐKH, trong đó xác định nâng cao năng lực của các cộng đồng địa phương trong việc ứng phó với BĐKH là một ưu tiên quan trọng.
Để thúc đẩy chương trình này, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về ngăn ngừa, thích ứng và giảm thiểu thảm họa đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu vào việc ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro thiên tai tập trung vào các biện pháp phi công trình cũng như các biện pháp quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM). (Quyết định 172/2007/QĐ-TTg)
Để đạt được hiệu quả, chương trình CBDRM yêu cầu cách tiếp cận tích hợp và tổng thể kết hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Một số địa phương đã triển khai một số biện pháp quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Tuy nhiên, các cách tiếp cận dựa vào cộng đồng nhìn chung chưa đánh giá được các điều kiện môi trường và khí hậu đang thay đổi. Theo đó, các biện pháp quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng thường bị giới hạn ở các dự án thí điểm độc lập, trong thực tế triển khai ở phạm vi hẹp mà không kết hợp với khả năng chống chịu rủi ro thiên tai trong không gian phát triển đô thị rộng hơn. Hơn nữa, việc giới hạn kỹ năng và nguồn lực của cộng đồng ở cấp xã/phường trong việc lập kế hoạch và thực thi các dự án cấp cộng đồng còn nhiều hạn chế.
Trong bối cảnh đó, trong khuôn khổ hỗ trợ phát triển đô thị chống chịu BĐKH, dự án: “Sáng kiến cộng đồng khởi xướng ở TP Huế” thuộc Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) do Quỹ tín thác thích ứng BĐKH (UCCRTF) thuộc Ủy ban Hợp tác tài chính do ADB quản lý đã tài trợ một số các hoạt động để tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương ở TP Huế thông qua các can thiệp xây dựng và phi công trình. Quá trình triển khai có sự hỗ trợ của UBND thành phố và các chuyên gia tư vấn giúp cho cộng đồng đưa ra những sáng kiến phù hợp với thực tiễn của địa phương.
2. Rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu tại TP Huế
Các loại hình thiên tai chính ở Huế bao gồm lũ lụt, bão, hạn hán, nắng nóng kéo dài, trong đó lũ lụt được coi là thiên tai nguy hiểm nhất và gây nên nhiều thiệt hại nhất cho thành phố. Trong thời gian qua, dưới ảnh hưởng của sự thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, các thiên tai này có xu hướng nghiêm trọng, phức tạp và diễn ra bất thường hơn.
Lũ lụt: Lũ lụt thường diễn ra vào mùa mưa và tập trung chủ yếu trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Tổng lượng dòng chảy trong mùa lũ chiếm tới khoảng 65% tổng lượng dòng chảy năm. Theo số liệu quan trắc, hàng năm có trung bình 3,5 trận lũ lớn hơn hoặc bằng mức báo động II xảy ra trên sông Hương, năm nhiều nhất có tới 8 trận. Trong số đó có 36% là lũ lớn và đặc biệt lớn.
Thông thường, thời gian trung bình của một trận lũ là khoảng 3 - 5 ngày, trong đó đợt dài nhất lên tới 6 - 7 ngày. Thời gian truyền lũ trung bình từ thượng nguổn (Thượng Nhật) đến hạ lưu (Kim Long) với khoảng cách 51 km là từ 5 - 6 tiếng.
Mức độ nghiêm trọng của lũ (thời gian ngập và độ sâu ngập) phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Lượng mưa ở thượng nguồn, lượng mưa tại TP Huế, tình hình thủy triều và mực nước biển dâng (do bão và/hoặc do nhiệt độ trái đất tăng lên). Chính vì vậy, dưới ảnh hưởng của BĐKH, trong vài thập kỷ gần đây, tình hình lũ lụt ở Huế có xu hướng ngày càng phức tạp, khó dự báo và nguy hiểm hơn.
Theo thống kê, thiệt hại do lũ lụt gây ra đối với thành phố là vô cùng lớn về cả góc độ con người cũng như kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong giai đoạn từ 1990 - 2011, lũ lụt ở Huế đã làm 596 người chết (trung bình 27 người chết/năm) và gây tổn thất về vật chất ước tính khoảng 8.320 tỷ đồng, trung bình khoảng 378 tỷ đ/năm (KRIHS,2017)
Bão: Do chỉ nằm cách bờ biển khoảng 20 km, thành phố cũng dễ bị tác động của bão. Mùa bão thường diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11 trong đó tháng 9 và 10 có tần suất xuất hiện cao nhất. Theo số liệu thống kê từ năm 1884 - 2000, trung bình mỗi năm có 0,684 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Huế, trong đó năm nhiều nhất có tới 3 - 4 cơn (1971).
Những ảnh hưởng trực tiếp của bão có thể kể đến là gây đổ và làm hư hỏng nhà cửa, công trình công cộng, văn hóa, cây cối, hạ tẩng giao thông liên lạc, mạng lưới điện, phá hoại mùa màng, ảnh hưởng đến sinh kế của cộng đổng và các hoạt động kinh tế khác, đặc biệt là du lịch.
Hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn: Hạn hán và xâm nhập mặn thường xảy ra hàng năm, nhất là trong những năm có hiện tượng El Nino. Tuy không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nó lại tác động nghiêm trọng tới các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, môi trường và sức khoẻ.
Theo số liệu quan trắc, vị trí xa nhất mà nước mặn xâm nhập vào sông Hương là khoảng 30 km. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng là khoảng 2.000 - 2.500 ha tập trung ở vùng đất thấp ven sông Hương, sông Bồ.
Hạn hán thường xảy ra từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm và gây ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp và cấp nước. Tuy nhiên, nó cũng là nguyên nhân gián tiếp làm cho tình trạng xâm nhập mặn nặng nề hơn. Trong 3 - 5 năm gắn đây hạn hán có xu hướng giảm về tần suất nhưng tăng vể cường độ và thường diễn biến bất thường hơn.
Trong quá khứ, thành phố đã trải qua những đợt hạn nặng như 1977, 1993 - 1994, 1997 - 1998, 2002. Đợt hạn năm 1993 - 1994 đã làm một số sông suối khô nước, nhiều cây cối (thậm chí cây lưu niên) bị chết.
Đợt hạn này tạo điểu kiện để nước mặn xâm nhập sâu vào trên sông Hương làm mất trắng 12.710 ha lúa hè thu tương ứng với khoảng 20.000 tấn thóc. Trong đợt hạn năm 2002, nước mặn vào sâu tới phà Tuần làm nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của tỉnh. Nhờ có đập ngăn mặn Thảo Long mà tình hình xâm nhập mặn đến nay đã được khống chế một phần.
Lốc, tố: Là những thiên tai thường xảy ra ở Thừa Thiên Huế. Mặc dù phạm vi ảnh hưởng không rộng như bão nhưng nhưng sức gió trong lốc rất mạnh, đôi khi kèm theo mưa đá, gây thiệt hại đáng kể cho địa phương.
Trong những năm gần đây số cơn lốc xảy ra trên địa bàn Thừa Thiên Huế ngày càng gia tăng, nhất là vào những năm có hiện tượng El Niho như 1993, 1997, 2002. Từ năm 1993 đến nay, trung bình hàng năm có khoảng bốn cơn lốc (KRIHS and VUPDA, 2022).
3. Cách tiếp cận và phương pháp thực hiện trong dự án
Cộng đồng không chỉ là đối tượng hưởng lợi trực tiếp kết quả của Dự án mà còn đóng vai trò chính trong quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH (là người lập kế hoạch, thực hiện, quản lý, theo dõi và đánh giá các hoạt động dựa trên nhu cầu của cộng đồng). Dựa trên quyền lợi và nghĩa vụ của mình, cộng đồng có thể tham gia vào toàn bộ quy trình quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu (ASEC, 11/2021) bao gồm:
- Đánh giá các rủi ro thiên tai, BĐKH tại nơi mình sinh sống.
- Xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai.
- Lựa chọn và thực hiện các biện pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
- Theo dõi và đánh giá các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH.
- Quản lý việc khai thác vận hành các công trình phòng chống rủi ro thiên tai.
Những kết quả tham gia của cộng đồng trong quá trình triển khai dự án không những cung cấp thông tin cho các chiến lược và kế hoạch phòng chống thiên tai của chính quyền TP Huế, các sáng kiến tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH do cộng đồng khởi xướng được lồng ghép đầy đủ vào quy trình phát triển đô thị sẽ giúp cho việc giảm thiểu các rủi ro thiên tai, giảm thiểu các thiệt hại do BĐKH gây ra cho thành phố. Các bài học từ TP Huế sẽ được ghi chép lại và phương pháp tiếp cận này sẽ được nhân rộng đến các cộng đồng khác cũng như các đô thị loại II khác ở Việt Nam.
3.1. Cách tiếp cận trong Dự án
- Chuyên gia tư vấn được Dự án tuyển chọn phối hợp chặt chẽ với BQLDA, Phòng Quản lý đô thị thuộc UBND TP Huế trong quá trình lựa chọn các cộng đồng mục tiêu (các cộng đồng chịu nhiều rủi ro thiên tai) thông qua việc thu thập các tài liệu về tình hình rủi ro thiên tai, tính dễ bị tổn thương của các phường, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, điều kiện kinh tế - xã hội của các phường.
- Việc lựa chọn cộng đồng mục tiêu trong dự án không chỉ sử dụng một nguồn thông tin duy nhất, không tiếp cận đơn lẻ một phương pháp nào mà sẽ tiếp cận lồng ghép, sử dụng nguồn thông tin đa chiều và coi trọng sự tham gia ý kiến của cộng đồng.
- Bên cạnh sử dụng tiếp cận hệ thống, đa chiều, dự án còn chú trọng đến các vấn đề khác như cân bằng giới và các nhóm đối tượng yếu thế, người già, trẻ em, người tàn tật, người thu nhập thấp trong việc xây dựng các tiêu chí đánh giá để lựa chọn cộng đồng.
- Thông qua các đợt khảo sát, tham vấn cộng đồng, chuyên gia tư vấn cùng cộng đồng dân cư đánh giá khả năng chống chịu với BĐKH của các cộng đồng (CRA) nhằm tìm ra những vấn đề hạn chế của cộng đồng dân cư, đánh giá các cú sốc và căng thẳng mà cộng đồng đang phải đối mặt.
- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nhằm lựa chọn các khu vực chịu nhiều rủi ro thiên tai trong từng phường, nắm bắt nhu cầu nguyện vọng của cộng dồng dân cư trong việc hỗ trợ cho người dân giảm thiểu các rủi ro thiên tai, và xác định các bên có liên quan chính.
- Cùng cộng đồng dân cư thảo luận và lựa chọn các sáng kiến do cộng đồng khởi xướng để xây dưng các tiểu dự án: Nhà tránh bão lũ cho cộng đồng, xây mới và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho khu dân cư, xây dựng các không gian xanh là nơi sinh hoạt cho cộng đồng và là nơi chứa nước để giảm thiểu ngập lụt…
Các tiểu dự án được xây dựng phù hợp với nguyện vọng của người dân, đồng thời phù hợp với quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các công trình/hạng mục đầu tư không gây ra việc thu hồi đất, tái định cư và tác động đến môi trường, chi phí đầu tư phù hợp với kinh phí và thời gian của dự án, nhiều người được hưởng lợi và ưu tiên đối tượng là nhóm dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, các hạng mục do cộng đồng đề xuất nhằm mục đích tạo ra các kết quả có tầm ảnh hưởng và nhân rộng, không những tránh tổn thất do thiên tai gây ra cho người dân mà còn giúp mở ra các tiềm năng kinh tế tạo lợi ích cho cộng đồng.
- Hỗ trợ cộng đồng dân cư xây dựng các kế hoạch hành động phòng chống rủi ro thiên tai trên địa bàn các phường phù hợp với các đặc điểm hiện trạng và điều kiện kinh tế - xã hội và dựa trên cơ sở các sáng kiến do cộng đồng khởi xướng.
- Chú trọng nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng chống rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cũng như thiết lập giao tiếp cộng đồng giữa các bên liên quan thông qua tổ chức các lớp tập huấn cho cộng đồng dân cư tại các phường.
- Huy động được sự tham gia của nhiều bên liên quan và tạo ra sự cam kết về thể chế trong hệ thống chính quyền địa phương. Các sáng kiến tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH do cộng đồng khỏi xướng được lồng ghép đầy đủ vào quy trình phát triển đô thị (ASEC,11/2020).
3.2. Phương pháp thực hiện
Các phương pháp đã được áp dụng trong quá trình triển khai dự án là:
Phương pháp thu thập tài liệu: Tập hợp các tài liệu số liệu liên quan đến hiện trạng đièu kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, thực trạng về hạ tầng kỹ thuật, BĐKH và tình trạng dễ bị tổn thương, rủi ro thiên tai tác động đến cộng đồng dân cư, tác động đến hạ tầng kỹ thuật và khả năng chống chịu của cộng đồng…
Phương pháp rà soát, phân tích đánh giá các cú sốc và mối đe dọa từ tác động của BĐKH đến cộng đồng dân cư, tác động đến hạ tầng kỹ thuật trong các khu vực dân cư sinh sống.
Tham vấn cộng đồng, thu thập các sáng kiến của cộng đồng khởi xướng phòng chống rủi ro thiên tai và BĐKH.
Tham vấn các bên liên quan thông qua tổ chức các buổi thảo luận, xin ý kiến của BQLDA, Sở KH&ĐT, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế…
Phương pháp lấy ý kiến chuyên gia có nhiều kinh nghiệm hiện đang công tác tại các cơ quan quản lý Nhà nước.
Phương pháp sử dụng các phần mềm chuyên dụng như thống kê, dự báo... Tính tổn thương do BĐKH có thể được đánh giá bằng bộ chỉ số xem xét ở nhiều khía cạnh về mức độ phơi nhiễm (exposure), độ nhạy cảm (Sensitivity) và khả năng thích ứng của cộng đồng (AC) mà nhiều dự án và nghiên cứu đã áp dụng.
Phương pháp GIS: Hệ thống thông tin viễn thám GIS sử dụng cơ sở dữ liệu từ Lớp dữ liệu /Bản đồ thủy văn; Mô hình DEM; Tư liệu ảnh vệ Tinh Sentinel chụp tháng 7/2020; Dữ liệu của dự án cung cấp; Dữ liệu ADB-SPADE và các mức báo động trên sông Hương (tương ứng +1, +2, +3,5 cho 2 đợt lũ từ ngày 10/10/2020 - 12/10/2020 với mức đỉnh lũ đạt +4.18m trên báo động III 0.68m để xây dựng bản đồ tổn thương do ngập lụt cho 27 phường.
4. Những kết quả đạt được
4.1. Xây dựng bộ chỉ số đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH
Để đánh giá mức độ rủi ro thiên tai, tính dễ bị tổn thương của các phường thuộc địa bàn TP Huế, làm cơ sở cho việc lựa chọn cộng đồng mục tiêu (cộng đồng chịu nhiều rủi ro thiên tai được dự án ưu tiên đầu tư) nhóm chuyên gia dự án xây dựng bộ chỉ số đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH. (bảng 1)
Bảng 1: Bộ chỉ số đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH của các phường thuộc địa bàn TP Huế (Nguồn: ASEC,10/2020)
Nguồn: UBND tỉnh TT-H, 2014; Cục thống kê TT-H, 2019; ASEC, 11/2020.

4.2. Xây dựng các kịch bản ngập lụt tại 27 phường
Sử dụng kết quả nghiên cứu của công cụ GIS, dữ liệu của dự án cung cấp; dữ liệu ADB-SPADE và các mức báo động trên sông Hương (tương ứng +1, +2, +3,5 cho 2 đợt lũ từ ngày 10/10/2020 - 12/10/2020 với mức đỉnh lũ đạt +4.18m trên báo động III 0.68m để xây dựng bản đồ tổn thương do ngập lụt cho 27 phường và để xác định các khu vực có nguy cơ rủi ro thiên tai cao theo các Kịch bản BĐKH của Thừa Thiên - Huế.
Kết quả phân tích diện tích và mức độ ngập lụt cho thấy, 7 phường có diện tích và mức độ ngập lụt lớn nhất và lớn hơn nhiều so với các phường còn lại của thành phố, gồm phường An Đông, Hương Sơ, An Hoà, Xuân Phú, Hương Long, Phú Hậu và Phú Hiệp.
4.3. Đánh giá, phân loại tính dễ bị tổn thương
Nhóm chuyên gia phân tích, đánh giá, phân loại tính dễ bị tổn thương của các phường theo bộ chỉ số và kịch bản ngập lụt: (bảng 2)
Bảng 2. Đánh giá phân loại tính tổn thương của các phường TP Huế theo bộ chỉ số
Nguồn: UBND tỉnh TT-H, 2014; Cục thống kê TT-H , 2019; ASEC, 11/2020
4.4. Lựa chọn cộng đồng mục tiêu
Dựa trên ba cơ sở: Phân tích dữ liệu viễn thám, bản đồ thực trạng mức độ ngập lụt; Bộ chỉ số đánh giá tính tổn thương gồm 4 nhóm tiêu chí; và tham vấn các bên liên quan 7 phường được chọn làm cộng đồng mục tiêu của dự án gồm các phường: An Đông, Phú Hậu, Phú Hiệp, An Hoà, Hương Sơ, Hương Long, Xuân Phú.
Đây là các phường có tổng số điểm cao nhất, thể hiện tính tổn thương lớn do tác động của BĐKH hơn các phường còn lại về các khía cạnh như diện tích và độ sâu ngập lụt; số người bị ảnh hưởng; cơ sở hạ tầng ứng phó lũ lụt, thiên tai; và sự ưu tiên đầu tư của các chương trình dự án liên quan đến ứng phó BĐKH.
4.5. Xây dựng kế hoạch khả năng chống chịu của cộng đồng
Kế hoạch khả năng chống chịu của cộng đồng (CRP) được xây dựng dựa trên kết quả đánh giá khả năng chống chịu của cộng đồng, trong đó đã đánh giá các cú sốc và căng thẳng mà cộng đồng đang phải đối mặt và xác định các bên có liên quan chính.
4.6. Lựa chọn các hạng mục công trình, phi công trình đầu tư ưu tiên do cộng đồng đề xuất.
Dựa trên cơ sở cộng đồng đề xuất các hạng mục công trình và phi công trình:ưu tiên. chuyên gia tổng hợp kết quả của các phường. Căn cứ các tiêu chí cụ thể, đề xuất danh mục các hạng mục công trình đáp ứng các tiêu chí và xin ý kiến UBND thành phố và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Các hạng mục công trình đầu tư ưu tiên bao gồm: Nhà tránh bão, tránh lũ kết hợp chức năng sinh hoạt cộng đồng; Không gian xanh cho cộng đồng; Nạo vét hệ thống kênh mương; Nâng cấp đường kiệt… Các hạng mục phi công trình bao gồm: Thuyền ghe, áo phao, loa cầm tay, bộ đàm, đèn pin…
4.7. Tổ chức các lớp tập huấn cho cộng đồng
Tổ chức các lớp tập huấn cho cộng đồng dân cư bao gồm: Tập huấn phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, tập huấn kỹ năng di dời, sơ tán; tập huấn sử dụng các phương tiện cứu hộ, cứu nạn; trang bị kiến thức phòng chống thiên tai, đề phòng dịch bệnh và vệ sinh môi trường…


5. Kết luận
Do vị trí địa lý và điều kiện địa hình nên tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương rất dễ bị tổn thương vì thiên tai, nhất là bão, lũ. Những BĐKH đã và đang gây ra nhiều tác hại đối với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và sẽ còn tác động xấu trong nhiều năm tới.
Để hạn chế những tổn thất do thiên tai gây ra, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững, việc triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về ngăn ngừa, thích ứng và giảm thiểu thảm họa trong đó nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu vào việc ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro thiên tai tập trung vào các biện pháp phi công trình cũng như các biện pháp quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM) là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả và khả năng tham gia của cộng đồng địa phương, trong quá trình phòng chống rủi ro thiên tai, BĐKH cần có cách tiếp cận tích hợp và tổng thể kết hợp với tình hình thực tiễn của địa phương trong đó cần phát huy những sáng kiến do cộng đồng khởi xướng cùng với sự tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia và chính quyền địa phương. Cách tiếp cận và phương pháp triển khai Dự án trên là một bài học có thể tham khảo và vận dụng trong phòng chống thiên tai và BĐKH tại các địa phương ở Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
• ASEC, Báo cáo khỏi động gói thầu 36 “Tư vấn lập kế hoạch do cộng đồng khởi xướng”, Dự án chương trình phát triển các đô thị loại II, Hợp phần “sáng kiến do cộng đồng khởi xướng”, tháng 11/2020.
• Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 - Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg.
• KRIHS (Viện Nghiên cứu định cư con người Hàn Quốc), Phát triển Hệ thống phòng chống rủi ro lũ lụt đô thị, KOICA funded project, 2017.
• Korea Institute for Human Settlements (KRIHS) and Vietnam Urban Planning and Development Association (VUPDA) Viet Nam, Community- based Approach for improving Vulnerable Communities in Hue and Hoi An, KOICA funded project, 12/2022.
• ASEC, Báo cáo “Lựa chọn cộng đồng mục tiêu. Dự án chương trình phát triển các đô thị loại II, Hợp phần sáng kiến do cộng đồng khởi xướng” tháng 10/2020
• ASEC, Tài liệu tập huấn: "Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng" - Dự án chương trình phát triển các đô thị loại II, Hợp phần sáng kiến do cộng đồng khởi xương, tháng 11/2021
• Cục thống kê TT-H, Tài liệu Hội nghị phòng chống thiên tai năm 2019, UBND TP Huế, 2019.
• UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH 2014 - 2020, 2014.
• UBND TP Huế; Niên giám thống kê 2022.