Hỗ trợ xóa gần 115,5 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát

17:37 05/03/2025
Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình KTXH tháng 02/2025 và 2 tháng đạt nhiều kết quả tích cực, tốt hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước, trong đó đến hết tháng 2 đã hỗ trợ xóa gần 115,5 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát.

Sáng 05/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức trong 2 tháng đầu năm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

8 kết quả nổi bật

Tại Phiên họp, Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình KTXH tháng 02/2025 và 2 tháng đạt nhiều kết quả tích cực, tốt hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước, với 8 kết quả nổi bật:

(1) Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng được thúc đẩy, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng tăng 3,27% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; lãi suất cho vay bình quân giảm 0,72%/năm so với cuối năm 2024. Thu NSNN đạt 25,4% dự toán, tăng 25,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng tăng 12%, xuất siêu ước đạt 1,54 tỷ USD.

(2) Các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục phát triển tốt với xu hướng khả quan: (i) Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 tăng 16,7% so với cùng kỳ, tính chung 2 tháng tăng 7% (cùng kỳ tăng 6,5%); trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,3%; (ii) Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định; (iii) Thương mại, dịch vụ khá sôi động; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02 và 2 tháng đều tăng 9,4%; khách du lịch quốc tế đạt gần 4 triệu lượt, tăng 30,2% so với cùng kỳ.

(3) Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực: Vốn FDI đăng ký đạt 6,9 tỷ USD, tăng 35,5%; vốn FDI thực hiện gần 3 tỷ USD, tăng 5,4%. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 60,4 nghìn tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2024 và đạt 7,32% kế hoạch giao.

(4) Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm đạt trên 709 nghìn tỷ đồng, tăng 66,1%; trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 131%.

(5) Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Hỗ trợ gần 6,9 nghìn tấn gạo trong dịp tết và giáp hạt. Đến hết tháng 2 đã hỗ trợ xoá gần 115,5 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát.

(6) Chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.

(7) Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường, tổ chức thành công Diễn đàn ASEAN năm 2025 và nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nước ta.

(8) Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực, dự báo lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2025.

6 nhóm nhiệm vụ lớn mang tính trọng tâm và cấp bách

Kết luận phiên họp, trên cơ sở xác định các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương bám sát Nghị quyết của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển KTXH 2021-2030, Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cụ thể hóa thành kế hoạch, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Đồng thời đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự tin, tự chủ, khai thác tối đa mọi cơ hội, động lực, nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ lớn mang tính trọng tâm và cấp bách:

Trước hết, tập trung hoàn thành đề án sắp xếp lại địa giới các đơn vị hành chính theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, theo hướng sáp nhập một số tỉnh để mở rộng địa giới cấp tỉnh phù hợp tiêu chí, điều kiện, hoàn cảnh, truyền thống lịch sử - văn hóa; không tổ chức cấp huyện; giảm đầu mối để mở rộng quy mô của cấp xã; đồng thời đề xuất sửa đổi, bố sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan. Song song với đó, các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành kiện toàn tổ chức bên trong.

Thứ hai, các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện Kế hoạch 03 của Chính phủ để triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, nhất là phát huy sự chủ động của người đứng đầu.

Thứ ba là thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa phục vụ tăng trưởng 8% trở lên; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp nhịp nhàng, hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

Thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn; rà soát, hoàn thiện phương án phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung nguồn lực cho các công trình, dự án lớn, trọng điểm; tăng thu, tiết kiệm chi; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.

Thứ tư, dứt khoát không để thiếu điện, năng lượng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Thứ năm, các Bộ, ngành liên quan khẩn trương chuẩn bị cho cuộc họp của Chính phủ về các đối sách với các vấn đề phát sinh trên thế giới có liên quan tới Việt Nam, trong đó có giải quyết vướng mắc của các dự án, doanh nghiệp Hoa Kỳ và thúc đẩy cân bằng thương mại giữa hai nước, rà soát lại chính sách thuế…

Thứ sáu, trong tháng 3, các Bộ, ngành phải ban hành các văn bản còn nợ đọng.

Bình luận