Hoàn thành tu bổ, tôn tạo di tích đình Trung Yên sau 1 năm thi công

12:45 29/06/2023
Sau nhiều năm xuống cấp, đình Trung Yên trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã được giải phóng mặt bằng và trùng tu, tôn tạo. Đến nay, công trình đã hoàn thành sau 1 năm triển khai tu bổ với diện tích 70,5m².

Sáng 29/6, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã tổ chức gắn biển công trình đình Trung Yên, sau khi hoàn thành tu bổ, tôn tạo. Đây cũng là công trình chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023).

Buổi lễ gắn biển công trình.

Đình Trung Yên được xây dựng trên mặt bằng hình ống đặc trưng của kiến trúc phố cổ Hà Nội, với diện tích 70,5m², tại số 10 ngõ Trung Yên, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, trong một khu dân cư đông đúc. Đình còn có tên là đền Thanh Cẩm, thờ một Ngự sử triều nhà Mạc. 

Đình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng “Di tích kiến trúc nghệ thuật” theo Quyết định số 07/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 26/02/2008.

Trải qua thời gian dài tồn tại với những biến cố thăng trầm của lịch sử, của thời tiết khắc nghiệt và tác động của con người, đình Trung Yên đã bị xuống cấp, tường mục, vỡ, khả năng chịu lực kém. Bên cạnh đó, có 3 hộ dân sinh sống tại mặt bằng tầng 1.

Đình Trung Yên cùng nhiều công trình đã xếp hạng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã được tập trung giải phóng mặt bằng và trùng tu, tôn tạo từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa. Đến nay, công trình đã hoàn thành sau 1 năm triển khai tu bổ với diện tích 70,5m².

Sau khi hoàn thiện trùng tu, nơi thờ chính tại đình Trung Yên được bố trí tại tầng 2, trong khi tầng 1 là nơi sinh hoạt của cộng đồng khu dân cư; ba hộ dân sinh sống tại không gian tầng 1 đã được chuyển tới nơi ở mới.

Không gian thờ tự ở tầng 2 sau khi được tu bổ, tôn tạo.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho rằng, việc tôn tạo di tích đình Trung Yên góp phần tăng tính tôn nghiêm cho di tích và tạo cho di tích có vị trí xứng đáng với tầm vóc đã được lịch sử ghi nhận; đồng thời tạo điều kiện cho việc nghiên cứu khoa học, giới thiệu lịch sử, văn hoá Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.

Bên cạnh đó, đình Trung Yên gắn liền với các di tích khác như đền Ngọc Sơn, đền Bạch Mã, đình Kim Ngân, đình Thanh Hà, chùa Vĩnh Trù, đền Hương Tượng… tạo ra tuyến tham quan liên hoàn hấp dẫn du khách trong hành trình tìm hiểu về Hà Nội xưa.

Liên quan đến Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Trung Yên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý đơn vị thực hiện: Cải tạo  tầng 1, số 10 ngõ Trung Yên thành không gian sắp lễ, đón tiếp khách, sinh hoạt cộng đồng, khu phụ trợ…; tu bổ, tôn tạo Tiền tế, Hậu cung tại tầng 2; tôn tạo miếu Trung Yên và hạ tầng kỹ thuật tổng thể.

Đồng thời cần nghiên cứu giải pháp gông bó để tái định vị các chi tiết nề ngõa còn khả năng sử dụng (lồng đèn trụ biểu, tượng nghê chầu, tấm lan can triện); phục hồi nguyên trạng hệ thống đại tự, câu đối; tận dụng tối đa các cấu kiện gỗ cổ và cũ; giữ nguyên các cấu kiện gỗ cũ còn tốt; gia cố, tu bổ đối với cấu kiện gỗ hư hỏng một phần; chỉ thay mới khi cấu kiện gỗ đã hư hỏng hoàn toàn; bổ sung biện pháp chắp, vá, nối để tu bổ cấu kiện gỗ.

Không sơn thếp lại toàn bộ đồ thờ hiện có, chỉ trám vá, tu bổ đảm bảo giữ được vật liệu và màu sắc gốc của đồ thờ. Việc bổ sung, bài trí đồ thờ nội thất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trong giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công.

Bình luận