Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu chính Cơ quan Bộ Xây dựng và nhiều điểm cầu thuộc Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, BĐS.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến thị trường BĐS và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế để thị trường BĐS phát triển bền vững; trong đó có việc hoàn thiện Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Đây chính là một trong những giải pháp quan trọng để đánh giá, theo dõi, quản lý, đảm bảo cho thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.
Theo ông Hoàng Hải, chương trình tập huấn nhằm giúp các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà ở và thị trường BĐS nắm rõ những quy định về việc xây dựng, quản lý và khai thác, sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý và khai thác, sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong việc kết nối và chia sẻ, công bố thông tin, dữ liệu trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS.
Trong khuôn khổ Hội nghị, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, đã giới thiệu nội dung cơ bản của Nghị định số 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS; đồng thời cho biết, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, đặc biệt là thông tin về nhà ở và thị trường BĐS thông qua hệ thống phần mềm sử dụng chung, được thống nhất từ Trung ương đến địa phương, cung cấp thông tin cơ bản về nhà ở và thị trường BĐS cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân; phục vụ công tác quản lý nhà nước và việc công bố các số liệu thống kê về nhà ở và thị trường BĐS, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS được xây dựng và tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước đảm bảo tính khoa học, thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng; cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS phải bảo đảm phục vụ kịp thời yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia; các thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS được thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, công khai, minh bạch và dễ tiếp cận; đúng mục đích, tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành đối với khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu.
Cơ sở dữ liệu về nhà ở quốc gia bao gồm, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và đất ở do Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền; số liệu, kết quả, báo cáo của các chương trình điều tra, thống kê quốc gia về nhà ở; các thông tin, dữ liệu về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và kết quả thực hiện phát triển nhà ở trên toàn quốc được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu nhà ở địa phương (được quy định tại khoản 3 Điều 8 của Nghị định này); các thông tin, dữ liệu về biến động liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng nhà ở, đất ở trên toàn quốc được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu nhà ở địa phương (được quy định tại khoản 4 Điều 8 của Nghị định này).
Cơ sở dữ liệu về nhà ở địa phương bao gồm, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và đất ở do địa phương ban hành theo thẩm quyền; số liệu, kết quả, báo cáo của các chương trình điều tra, thống kê về nhà ở tại địa phương (số lượng và diện tích nhà ở, dân số khu vực đô thị, nông thôn); các thông tin, dữ liệu về việc thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn đối với từng trường hợp phát triển nhà ở cụ thể (Nhà ở thương mại; nhà ở xã hội; nhà ở công vụ; nhà ở, đất ở để phục vụ tái định cư; nhà ở được hỗ trợ theo các chính sách, chương trình hỗ trợ về nhà ở của Nhà nước); các thông tin, dữ liệu về biến động liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng nhà ở, đất ở trên địa bàn, bao gồm: số lượng, diện tích về nhà ở khu vực đô thị, nông thôn; số lượng nhà ở, đất ở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Cơ sở dữ liệu về thị trường BĐS quốc gia bao gồm, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thị trường BĐS do Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền; các thông tin, dữ liệu về dự án BĐS và tình hình giao dịch BĐS của tất cả các dự án trên toàn quốc được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu về thị trường BĐS địa phương (theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Nghị định này); các thông tin, dữ liệu về thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS, về chuyển nhượng BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS trên toàn quốc được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu về thị trường BĐS địa phương (theo quy định tại khoản 3 Điều 11 của Nghị định này); thông tin, dữ liệu về chứng chỉ môi giới BĐS trên toàn quốc được cấp trong kỳ, được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu về thị trường BĐS địa phương (theo quy định tại khoản 4 Điều 11 của Nghị định này); thông tin, dữ liệu khác liên quan đến thị trường BĐS.
Cơ sở dữ liệu về thị trường BĐS địa phương gồm, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thị trường BĐS do địa phương ban hành theo thẩm quyền; các thông tin, dữ liệu về dự án BĐS và tình hình giao dịch BĐS của dự án trên địa bàn (được quy định tại Điều 12 của Nghị định này); các thông tin, dữ liệu về giao dịch chuyển nhượng, mua bán BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS trên địa bàn, về thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS (được quy định tại Điều 13 của Nghị định này); thông tin, dữ liệu về chứng chỉ môi giới BĐS được cấp trong kỳ: thông tin, dữ liệu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực kinh doanh BĐS trên địa bàn.
Cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS được xây dựng phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính quyền điện tử ở địa phương, đáp ứng chuẩn về cơ sở dữ liệu và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ thông tin, định mức kinh tế kỹ thuật và được quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương, được kết nối với cơ sở dữ liệu và thông tin về đất đai. Việc chia sẻ dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS giữa các bộ, ngành có liên quan và địa phương phục vụ quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
Ông Vương Duy Dũng cho biết, Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2022 và thay thế Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS.
Tại Hội nghị, đại diện Trung tâm Thông tin đã chia sẻ và cung cấp thông tin về việc sử dụng phần mềm hệ thống sử dụng chung, như: thiết lập, cấp tài khoản cho đầu mối nhập dữ liệu, cách thức nhập, lưu, chia sẻ dữ liệu…
Để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS, ông Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Thông tin nhấn mạnh sự cần thiết phối hợp 2 chiều (giữa Bộ Xây dựng với các Sở Xây dựng địa phương) trong quá trình triển khai, thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ thiết lập đường dây nóng, nhóm zalo gồm lãnh đạo và chuyên viên Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Trung tâm Thông tin để hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai Nghị định số 44/2022/NĐ-CP đảm bảo kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả.
Bộ Xây dựng cấp tài khoản truy cập cho Sở Xây dựng các địa phương, các bộ, ngành có liên quan và tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Sở Xây dựng cấp tài khoản truy cập cho các Sở, ngành có liên quan, UBND cấp huyện và tổ chức, cá nhân có nhu cầu.