Bộ TN&MT cho biết, việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường là công cụ quan trọng, giúp các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, và cộng đồng có cơ sở chung để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.
Theo đó, Hệ thống tiêu chuẩn này sẽ giúp kiểm soát ô nhiễm ở các lĩnh vực trọng yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động quản lý, từ đó nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay.
Dự thảo lần này bao gồm 06 tiêu chuẩn cụ thể nhằm phục vụ cho các hoạt động quan trắc và phân tích môi trường gồm: Phương pháp thử nghiệm tiêu chuẩn để xác định tổng vật chất hạt lơ lửng trong khí quyển (Phương pháp lấy mẫu khối lượng cao); Xác định dioxin và furan clo hóa từ tetra đến octa bằng phương pháp sắc ký khí - khối phổ phân giải cao pha loãng đồng vị; Xác định crom VI trong bùn trầm tích và vật liệu thải; Hướng dẫn lấy mẫu trầm tích đáy từ sông, hồ và cửa sông; Xác định cadmi và hợp chất cadmi - Phương pháp đo phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa và nhiệt điện; Chất lượng nước - Xác định crom (VI) bằng phương pháp phân tích dòng chảy (FIA và CFA) và phát hiện bằng quang phổ.
Cũng theo Bộ TN&MT, 06 TCVN về các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích trên được xây dựng theo phương thức chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế(ISO, ASTM, US EPA), nhằm bổ sung và hoàn thiện hệ thống TCVN trong lĩnh vực quan trắc môi trường (không khí, nước, đất và quản lý chất thải rắn) để áp dụng đồng bộ trong thực thi các văn bản pháp quy về môi trường (thông tư, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường).
Các phương pháp này mang lại hiệu quả cao vì vừa tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí để xây dựng tiêu chuẩn, vừa kế thừa được những thành tựu khoa học hiện đại nhất của thế giới. Các tiêu chuẩn này đều được viện dẫn trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thông tư về hướng dẫn quan trắc môi trường, nhưng chưa được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia nên gây khó khăn cho việc áp dụng thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về quan trắc và kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, việc sử dụng các văn bản pháp lý trong đó các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật là một trong nhiều công cụ quan trọng nhất đang được các cơ quan quản lý trường quốc gia áp dụng phổ biến và có hiệu quả để quản lý môi trường. Các tiêu chuẩn kỹ thuật này giúp các nhà hoạch định chính sách, các ngành công nghiệp cũng như người sử dụng có được các công cụ chung cần thiết để cùng nhau bảo vệ môi trường.
Các tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường đang được áp dụng ngày càng rộng rãi hơn vào các hoạt động quản lý môi trường nhằm kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm ở nước ta. Một hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, quy trình kỹ thuật về môi trường đầy đủ sẽ là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình về khía cạnh bảo vệ môi trường một cách hiệu quả hơn và phù hợp hơn với bối cảnh nền kinh tế.
Việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về quan trắc, phân tích, lấy mẫu môi trường trên cơ sở tham khảo các phương pháp, tiêu chuẩn quốc tế, các tài liệu nước ngoài kết hợp với khảo sát là phù hợp và cần thiết, đáp ứng nhu cầu cấp bách về kiểm soát và quản lý môi trường trong giai đoạn hiện nay.
Trong năm 2024-2025, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, trực thuộc Bộ TN&MT, đề xuất xây dựng 06 tiêu chuẩn này, nhằm tạo nền tảng pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ môi trường.
Việc triển khai các tiêu chuẩn quốc gia mới sẽ không chỉ tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về môi trường mà còn hỗ trợ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc thực thi và giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc giảm thiểu tác động của ô nhiễm đến hệ sinh thái, cải thiện chất lượng sống của người dân, và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
Bộ TN&MT đang tiếp nhận ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo 06 tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp bách trong việc kiểm soát và quản lý ô nhiễm môi trường hiện nay.
Việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn này sẽ là bước tiến cần thiết, góp phần quan trọng vào nỗ lực bảo vệ môi trường.