Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, phát triển hoạt động cấp, thoát nước

17:22 11/08/2023
Bộ Xây dựng cho biết, mục đích xây dựng Luật Cấp, thoát nước nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm công cụ quản lý, phát triển cấp, thoát nước từ định hướng, quy hoạch, đầu tư xây dựng đến khai thác vận hành.

Bộ Xây dựng đang đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp, thoát nước và bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn nước sạch của người dân, quyền xả thải có kiểm soát.

Nguyên tắc quản lý hoạt động cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải

Theo dự thảo Luật Cấp, thoát nước, công tác quản lý hoạt động cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

Hoạt động cấp nước sạch là hoạt động sản xuất, kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát của Nhà nước; hoạt động thoát nước và xử lý nước thải là hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích.

Việc đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải ở hầu hết các địa phương vẫn chưa theo kịp yêu cầu. Ảnh minh họa: internet

Dịch vụ cấp nước phải bảo đảm cấp nước an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu; dịch vụ thoát nước phải bảo đảm quản lý thoát nước an toàn và bền vững, kiểm soát, phòng chống ngập úng.

Quản lý hoạt động cấp nước sạch theo điều kiện nguồn nước, kinh tế - xã hội và không phụ thuộc vào địa giới hành chính; quản lý hoạt động thoát nước theo điều kiện địa hình, bố trí dân cư và lưu vực sông.

Tổ chức, cá nhân được quyền tiếp cận nguồn nước sạch theo hệ thống cấp nước sạch; được thoát nước mưa, xả nước thải theo hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn.

Tổ chức, cá nhân phải trả tiền dịch vụ cấp nước, dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.

Bảo vệ hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân; quản lý rủi ro gắn với việc bảo đảm sự hoạt động bình thường, ổn định của hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước.

Bảo đảm hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả; bảo đảm an ninh, an toàn cấp thoát nước, bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách phát triển cấp, thoát nước tại Việt Nam

Dự thảo đề cương chi tiết Luật Cấp, thoát nước cũng nêu rõ các chính sách phát triển cấp, thoát nước.  

Theo đó, phát triển hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước góp phần đẩy mạnh sự phát triển của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước sạch cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, đồng thời đóng góp vào việc bảo toàn chất lượng nước của lưu vực sông.

Bố trí kinh phí thực hiện điều tra cơ bản về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; xây dựng hệ thống giám sát, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.

Ưu tiên, hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.

Ưu đãi thuế đối với tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích theo quy định của pháp luật về thuế.

Hỗ trợ tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải trong trường hợp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng.

Đa dạng hóa hình thức đầu tư; khuyến khích xã hội hóa ngành nước; huy động, khai thác tối ưu nguồn lực tham gia đầu tư phát triển và quản lý, vận hành công trình cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.

Hỗ trợ đào tạo, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường trong quản lý, đầu tư phát triển cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.

Sự cần thiết xây dựng Luật Cấp, thoát nước

Theo Bộ Xây dựng, nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của cuộc sống con người. Ngoài ra, mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước có liên quan đến sử dụng tài nguyên nước và nguồn nước sạch.  

Ở Việt Nam, cùng với điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống của con người ngày càng được quan tâm nhiều hơn thì đảm bảo việc tiếp cận nguồn nước sạch an toàn, bền vững cần phải được thể chế hóa phù hợp với nhu cầu phát triển tất yếu của thế giới.

Trong khi đó, nước thải là sản phẩm được thải từ các đối tượng sử dụng nước; trong nước thải có thể chứa nhiều hóa chất, mầm bệnh... nếu không xử lý, thải trực tiếp ra môi trường sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm.  

Tuy nhiên, việc đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải ở hầu hết các địa phương vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; việc giám sát, quản lý và xử lý các vấn đề liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải chưa được thực hiện một cách có hệ thống; tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường do nước thải vẫn đang là bài toán khó đối với các cấp chính quyền. 

Vì vậy, quản lý và phát triển hệ thống cấp nước sạch, thoát nước mưa, thu gom xử lý nước thải nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, bảo vệ sức khỏe cho người dân, giảm thiểu các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế là rất cần thiết đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Cũng theo Bộ Xây dựng, xây dựng Luật Cấp, thoát nước sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm công cụ quản lý, phát triển cấp, thoát nước từ định hướng, quy hoạch, đầu tư xây dựng đến khai thác vận hành. 

Đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp, thoát nước và bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn nước sạch của người dân, quyền xả thải có kiểm soát. Nhà nước có cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư và vận hành công trình cấp, thoát nước; hỗ trợ đầu tư công trình cấp, thoát nước nông thôn, các khu vực khó khăn về nguồn nước, dân cư phân tán.

Bình luận