Trên đây là nhấn mạnh của GS.TS.KTS Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - tại Hội thảo chuyên đề “Triển khai chính sách trọng tâm trong phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam”, diễn ra ngày 08/11, trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024.
Những thách thức tác động đến mục tiêu phát triển bền vững đô thị tại Việt Nam
Hội thảo có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trong lĩnh vực quản lý phát triển đô thị, với 5 bài tham luận được trình bày, gồm: “Định hướng chính sách phát triển đô thị Việt Nam bền vững” (TS Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng); “Tóm tắt các chính sách về đô thị” (Bà Anne Amin và ông Samuel Njuguna - Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc - UN-Habitat); “Các mô hình quản trị và công cụ quản lý đô thị hiệu quả” (TS Nguyễn Ngọc Hiếu - Trường Đại học Việt Đức); “Trách nhiệm của Nhà nước trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị” (TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội); “Đổi mới hệ thống quy hoạch đô thị ở Việt Nam hướng tới tương lai” (TS. KTS Ngô Trung Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội các Đô thị Việt Nam).
Thông qua các bài tham luận trình bày tại Hội thảo, và các ý kiến trao đổi của các chuyên gia trong phần tọa đàm, đặc biệt bài tham luận của TS Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, cho thấy bên cạnh những thành tựu đạt được, thực trạng phát triển đô thị tại Việt Nam đang có một số tồn tại, hạn chế lớn tác động đến sự phát triển bền vững, cần được tập trung khắc phục, như các quy định pháp luật hiện hành về quản lý phát triển đô thị chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu liên kết; mô hình phát triển đô thị chưa rõ nét; tính liên kết giữa các đô thị chưa rõ, cần có phương pháp tiến cận đa ngành, lựa chọn ưu tiên.
Ngoài ra một số nội dung về quản lý phát triển đô thị, quản lý phát triển hạ tầng đô thị chưa được quy định cụ thể, chưa đủ hiệu lực pháp lý; việc tổ chức thực hiện pháp luật hiện hành về quản lý phát triển đô thị còn hạn chế; một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn đòi hỏi phải điều chỉnh văn bản pháp luật.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, theo GS.TS.KTS Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - định hướng chính sách quản lý phát triển đô thị được đặt ra là sớm xây dựng và ban hành luật về quản lý và phát triển đô thị bền vững; hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị…
Góp ý kiến trao đổi tại Hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Hiếu - Trường Đại học Việt Đức cho rằng, cần có mô hình quản lý phát triển đô thị mới với những công cụ mới, như công cụ quản lý tăng trưởng thông minh, quản lý phát triển theo khu vực, kiểm soát phát triển đô thị chống dàn trải, giải pháp chính sách và công cụ theo khu vực.
Đồng thời xây dựng mô hình chính quyền đô thị mới, dịch chuyển mô hình chính quyền đô thị từ kỹ thuật sang kinh tế và hợp tác. Đồng thời chuyển từ cơ chế xin - cho sang đối tác công tư, hợp tác đa biên, bổ sung cấp độ quản trị phát triển.
Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quy hoạch và quản lý đô thị, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần đổi mới lĩnh vực quản lý, trong đó chú ý đến nguồn lực thực hiện và giải pháp nâng cao năng lực quản lý; vai trò quản lý của chính quyền đô thị cũng cần được chú trọng, cần có cơ chế giúp chính quyền đô thị thực hiện vai trò quản lý phát triển đô thị có hiệu quả, cũng như cần đổi mới trong công tác lập quy hoạch đô thị vì đây là công cụ quản lý rất quan trọng.
“Đổi mới quy hoạch đô thị trên nền tảng thể chế và bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam theo phương pháp tiếp cận đa ngành, rút gọn các bước và thời gian lập quy hoạch, huy động sự tham gia của cộng đồng trong quá trình quy hoạch... đóng vai trò rất quan trọng”, TS. KTS Ngô Trung Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội các Đô thị Việt Nam nêu quan điểm.
Từ đó, theo TS. KTS Ngô Trung Hải, cần rà soát kỹ các chính sách, thể chế liên quan đến phát triển đô thị để có giải pháp mang tính thực tiễn và hiệu quả, đặc biệt lưu ý đến công tác quy hoạch, công tác phân loại đô thị, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự.
Trong khi đó, chuyên gia Anne Amin và Samuel Njuguna của UN-Habitat cho rằng, Việt Nam có thể cân nhắc điều chỉnh một số vấn đề phù hợp với bối cảnh thể chế, văn hóa và kinh tế - xã hội của đất nước, bao gồm: Định nghĩa và phân loại khu vực đô thị; chức năng thể chế và quản trị thông minh trong phát triển đô thị; cơ chế thu hồi giá trị đất và đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị; sự tham gia và tham vấn của công chúng vào phát triển đô thị; phát triển đô thị thân thiện với khí hậu và tăng trưởng xanh; tái thiết đô thị và phát triển đô thị nén; phục hồi các khu định cư không chính thức; cơ chế giải quyết tranh chấp phát triển đô thị.
UN-Habitat khuyến nghị trước Việt Nam cũng cần xây dụng một định hướng chính sách phát triển đô thị rõ ràng và cụ thể, được phản ánh trong Luật Quản lý phát triển đô thị. Luật nên bổ sung quy định bảo vệ thêm các quyền cơ bản của con người; phân cấp thẩm quyền và tài chính trong công tác lập kế hoạch của chính quyền địa phương…
Sự cần thiết xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị
Tổng kết Hội thảo, GS.TS.KTS Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, các bài tham luận và tọa đàm của các chuyên gia trong Hội thảo nhấn mạnh một số nội dung:
Thứ nhất, sự cân thiết xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị. Luật sẽ giải quyết các vấn đề cốt lõi xuyên suốt như nhà ở giá rẻ, biến đổi khí hậu và sự hòa nhập về xã hội và không gian; đồng thời hỗ trợ các yếu tố phát triển hướng tới sự bền vững như tái phát triển đô thị, đô thị nén, phát triển đô thị theo hướng ưu tiên sử dụng giao thông công cộng và phát triên không gian công cộng, hạ tầng bao trùm.
Thứ hai, ghi nhận những nội dung trong dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm định hướng điều tiết 5 nội dung chính sách đề ra và mong muốn Luật sỗ sớm được hoàn thành, phê duyệt và đi vào triển khai trong thực tiễn, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Thứ ba, thúc đẩy quy hoạch đô thị tích hợp với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm khu vực tư nhân và các nhóm yếu thế, nhằm nâng cao hiệu quả và tính khả thi của các quy hoạch đô thị, đồng thời xây dựng các mô hình quản trị trao quyền cho các cơ quan địa phương.
Thứ tư, áp dụng những công cụ mới và sáng tạo trong quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị.
Ngoài ra, theo GS.TS.KTS Đỗ Hậu, các chuyên gia cũng có một số góp ý cho Luật Quản lý phát triển đô thị như: Cần đặt Luật Quản lý phát triển đô thị như là một công cụ điều tiết phát triển đô thị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và các nguyên tắc được đề ra trong Chương trình Nghị sự đô thị mới.
Cùng với đó, Luật cần có các điều khoản nhằm khuyến khích các mô hình phát triển bền vững như phát triển nén, Transit oriented development, thành phố sống tốt... và các nội dung chi tiết liên quan tới công cụ số, chuyển đổi số, thành phố thông minh và quản trị thông minh nhằm thực hiện chiến lược chuyển đổi số hiệu quả, hỗ trợ phân quyền và quản trị đô thị nói chung.
Đặc biệt, theo GS.TS.KTS Đỗ Hậu, sự tham gia của các bên cần được đưa vào các điều khoản chi tiết của Luật Quản lý phát triển đô thị, nhằm đảm bảo có được sự đồng thuận và tuân thủ trong các hoạt động phát triển đô thị. Các chương trình phát triển đô thị cũng cần được xây dựng dựa trên sự đóng góp và tham gia hiệu quả của các bên, của cộng đồng.
Đồng thời, việc xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị cần làm rõ hơn nội hàm các khái niệm "quản lý" và "quản lý phát triển đô thị", cũng như mô hình quản trị đô thị phù hợp, xem xét có các đề xuất cụ thể liên quan tới mô hình quản trị và mô hình chính quyền đô thị, đồng thời cân nhắc việc phân trách nhiệm chi tiết, rõ ràng đối với các cấp, các bên để khi Luật được ban hành có thể được triển khai thuận lợi, xuyên suốt quá trình hình thành, phát triển và tái phát triển đô thị.
Cùng với đó, hệ thống phân loại đô thị cần được cải thiện theo hướng trở thành nền tảng cho công cụ giám sát và đánh giá phát triển đô thị.
Cũng cần có quy định cho phép áp dụng các công cụ tài chính đô thị mới, trong đó lưu tâm tới các công cụ huy dộng nguồn lực từ đất đai (công cụ thu hồi giá trị gia tăng của đất) như tái phân thửa, quyền phát triển, và một số công cụ khác cho phép huy động nguồn lực cộng đồng và chia sẻ lợi ích/ lợi nhuận có được từ phát triển hạ tầng cho nhà nước và cộng đồng/người dân, thay vì chủ yếu rơi vào các chủ đầu tư tư nhân như hiện nay.
Các nhà chuyên môn cũng nhấn mạnh cần có các công cụ và điều khoản khuyến khích và điều tiết tái phát triển đô thị, trong đó lưu tâm tới các nội dung bảo tồn di sản văn hóa, giá trị cộng đồng, và phương thức tham gia của cộng đồng trong tái phát triển đô thị.
“Cần lưu tâm tới năng lực quản lý đô thị, đặc biệt ở cấp dộ địa phương (ví dụ đối với các địa phương nhỏ, các khu vực chuyển đổi từ nông thôn sang đô thị), công tác đào tạo và tái đào tạo cho công chức địa phương trong lĩnh vực quản lý phát triển đô thị, hướng tới các nội dung chiến lược lẫn các vấn đề kỹ thuật chi tiết, cụ thể, GS.TS.KTS Đỗ Hậu nhấn mạnh.
Cuối cùng, cần lưu tâm tới việc phân định trách nhiệm và tài chính trong công tác xây dựng, quản lý vận hành và bàn giao hạ tầng từ các nguồn vốn phát triển khác nhau; đồng thời cần có sự điều tiết phát triển không gian ngầm thay vì quản lý xây dựng công trình ngầm.
Đến nay, cả nước có hơn 900 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Đô thị hóa tăng nhanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Bộ mặt đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, đời sống dân cư đô thị từng bước được nâng cao.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, thực trạng phát triển đô thị Việt Nam đang có một số tồn tại, hạn chế lớn tác động đến sự phát triển bền vững, cần được tập trung khắc phục như các quy định pháp luật hiện hành về quản lý phát triển đô thị chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu liên kết.
Một số nội dung về quản lý phát triển đô thị, quản lý phát triển hạ tầng đô thị chưa quy định cụ thể, chưa đủ hiệu lực pháp lý. Việc tổ chức thực hiện pháp luật hiện hành còn hạn chế. Một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn đòi hỏi điều chỉnh văn bản pháp luật, hiện chưa có luật quản lý phát triển đô thị…