Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 05/02/2025 phê duyệt Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách và cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử phù hợp với thông lệ quốc tế; hệ thống các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được quy hoạch tinh gọn, nâng cấp; một số dự án trọng điểm đã được phê duyệt triển khai đúng tiến độ; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ và ứng dụng năng lượng nguyên tử có thế mạnh vươn lên đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; các hoạt động ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ được triển khai rộng rãi, hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực.
Đồng thời khẩn trương hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia để phục vụ triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, cũng như tiếp tục nghiên cứu, triển khai Chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia; nghiên cứu, xây dựng định hướng đẩy mạnh thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Mục tiêu tầm nhìn đến năm 2050, ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ và phát triển điện hạt nhân có đóng góp quan trọng và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân; trình độ khoa học và công nghệ hạt nhân và nhiều lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử ngang bằng với mức trung bình của các quốc gia phát triển; làm chủ và từng bước tự chủ được các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, bảo đảm ứng dụng năng lượng nguyên tử có đóng góp hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch đưa ra giải pháp thực hiện gồm: Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân; nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của cộng đồng; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế; đầu tư, tài chính và huy động vốn; tổ chức thực hiện quy hoạch.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết tái khởi động dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng tiêu chí phát thải ròng bằng “0” vào năm 20250 theo cam kết tại COP26.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó có liên quan hành lang pháp lý phát triển điện hạt nhân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/01/2025 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, do Thủ tướng làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Trước đó nữa, vào năm 2009, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đến tháng 11/2016, do nhiều nguyên nhân nên Quốc hội đã quyết định dừng thực hiện chủ trương này.