
Để thể chế hóa Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, Bộ Xây dựng đã dự thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 175/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng, với 03 nhóm mục tiêu chủ yếu: (1) Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; (2) Tháo gỡ vướng mắc nhằm thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển; (3) Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật.
Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định rõ về tầng hầm
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, TS Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng cho biết, Nghị định số 175/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã sửa đổi, thay thế các quy định của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và một số Nghị định có liên quan đến quản lý dự án đầu tư xây dựng, trong đó thực hiện phân cấp mạnh mẽ các thủ tục hành chính về cho địa phương thực hiện theo phương trâm: “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; đơn giản hóa tối đa thủ thủ tục hành chính liên quan đến các công tác thẩm định, phê duyệt, cấp phép xây dựng, cấp chứng chỉ năng lực cho tổ chức và cá nhân.
Mục tiêu của buổi tập huấn để phổ biến những điểm mới của Nghị định số 175/2024/NĐ-CP nhằm đưa Nghị định sớm đi vào cuộc sống, làm rõ thêm các nội dung còn vướng mắc trong thực tiễn để kịp thời hướng dẫn thực hiện bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Tại Hội nghị, các báo cáo viên của Cục Quản lý hoạt động xây dựng đã tập trung trình bày, làm rõ các nhóm vấn đề. Trong đó, các báo cáo viên đã làm rõ những quy định mới về tháo gỡ các vướng mắc trong thời gian qua.
Ví dụ như liên quan đến quy định mới về các loại quy hoạch, các văn bản pháp lý tương đương làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng và cấp phép xây dựng. Đây là vấn đề thời gian vừa qua vướng mắc rất nhiều ở các địa phương do các dự án được hình thành trên cơ sở các pháp luật về quy hoạch chuyên ngành khác nhau và một số địa phương chưa phủ kín quy hoạch và các cấp độ quy hoạch;

Báo cáo viên cũng phổ biến các nội dung liên quan đến công trình ngầm, các tầng hầm, các công trình xây dựng nhằm giải quyết việc thiếu thông tin tầng hầm ở các cấp độ quy hoạch tại các địa phương trong thời gian qua. Từ khi Luật Xây dựng năm 2020 có hiệu lực thi hành đến năm 2024, việc đánh giá dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch được xem xét trên 3 cấp độ: quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu và quy hoạch chung. Vì vậy, trong thời gian qua có nhiều địa phương chưa thể hiện được thông tin về công trình ngầm trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, vì vậy các dự án đầu tư bị dừng và ách tắc. Nghị định số 175/2024/NĐ-CP đã quy định rõ: thế nào là thông tin về tầng hầm, tầng hầm các công trình để phân tách ra tầng hầm của công trình có tính chất là khung khu đô thị khác với tầng hầm đô thị… để tháo gỡ vướng mắc này.
Về phân cấp, phân quyền, báo cáo viên đã phổ biến rõ thẩm quyền thẩm định dự án, kiểm tra công tác nghiệm thu đã phân cấp triệt để cho địa phương thực hiện; chỉ bắt buộc thực hiện ở cơ quan chuyên môn tại các Bộ quản lý chuyên ngành có công trình đặc biệt.
Chủ đầu tư thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật
Về cắt giảm thủ tục hành chính, báo cáo viên đã phổ biến các quy định liên quan đến việc cắt giảm đối tượng dự án phải thẩm định tại cơ quan nhà nước thông qua mở rộng các đối tượng chỉ cần lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật. Trước đây các dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng thì lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật. Hiện nay các đối tượng này được mở rộng, nâng lên là dự án có tổng mức đầu tư là 20 tỷ đồng, đặc biệt là đối với các dự án có tính chất kỹ thuật đơn giản như các dự án liên quan đến bảo trì, duy tu, bảo dưỡng và dự án nhóm C chỉ cần lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Đối với các loại Báo cáo kinh tế kỹ thuật, chủ yếu thẩm định tại cơ quan chuyên môn của chủ đầu tư, người quyết định đầu tư, không thực hiện các thủ tục thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Báo cáo viên cũng phổ biến các quy định về các trường hợp điều chỉnh dự án mà không phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng và các trường hợp điều chỉnh thiết kế sau thiết kế cơ sở mà không phải điều chỉnh dự án, để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án và thực hiện dự án.
Trước đây, chưa quy định rõ bộ tiêu chí đánh giá trường hợp điều chỉnh nào thì phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng, trường hợp điều chỉnh nào chỉ thẩm định tại cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư. Vì vậy, trong quá trình thực hiện có nhiều chủ đầu tư lúng túng, có những trường hợp điều chỉnh không liên quan đến mục tiêu quản lý nhà nước mà phải thực hiện thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng làm mất rất nhiều thời gian, không cần thiết. Nghị định số 175/2024/NĐ-CP quy định rõ điều chỉnh nội dung gì mới phải thực hiện thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Đối với việc đơn giản thủ tục hành chính, báo cáo viên đã phổ biến các nội dung sửa đổi để chuẩn hóa thành phần hồ sơ, nội dung yêu cầu hồ sơ được lược bỏ tối đa các giấy tờ không cần thiết để tránh việc hồ sơ trình giải quyết thủ tục hành chính phải rút ra hoàn thiện nhiều lần. Qua các công tác tại cơ quan chuyên môn cho thấy, để trình được một bộ hồ sơ đầy đủ thủ tục, đủ nội dung, rất ít chủ đầu tư trình một lần là được ngay, phải rút ra để hoàn thiện, rồi lại nộp vào. Việc rút ra, nộp vào để hoàn thiện hồ sơ mất rất nhiều thời gian. Qua đó, Nghị định số 175/2024/NĐ-CP đã chuẩn hóa lại thành phần hồ sơ, từng hồ sơ cần nội dung gì… giúp cho chủ đầu tư chỉ cần nộp một lần là được ngay.
Chúng ta đang quản lý hoạt động đầu tư xây dựng theo quá trình, từ thẩm định, thực hiện, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Theo quá trình quản lý này, phải quy định rất nhiều thủ tục nghiệm thu để đạt mục tiêu quản lý nhà nước. Nghị định số 175/2024/NĐ-CP đã rà soát những thủ tục, nội dung quản lý nào đã được thực hiện ở bước trước, thì bước sau lược bỏ, trên quan điểm với một nội dung chỉ quản lý một lần, không quản lý lặp lại tại các bước. Với quy định này đã lược bỏ được rất nhiều công tác chuẩn bị dự án, triển khai dự án.
Đối với quản lý năng lực hoạt động xây dựng, báo cáo viên phổ biến rõ các quy định liên quan đến quản lý năng lực hoạt động xây dựng như: đã phân cấp toàn bộ thẩm quyền cấp Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cả hạng 1, hạng 2 và hạng 3 về cho địa phương thực hiện. Đồng thời loại bỏ các ngành, lĩnh vực không cần thiết phải cấp Chứng chỉ hành nghề do các địa phương có nhu cầu kỹ thuật mang tính chuyên biệt không cao, không yêu cầu mức độ khó và yêu cầu tính kỹ thuật cao.
Trong điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề cá nhân và Chứng chỉ hoạt động của tổ chức, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ làm rõ các chỉ tiêu, quan điểm, định lượng rõ ràng để khi các cá nhân, tổ chức xin cấp phép Chứng chỉ hành nghề, Chứng chỉ hoạt động xây dựng cũng xác định được hồ sơ cần như thế nào bảo đảm đủ điều kiện.
Trao đổi thêm những vấn đề chưa rõ
Ngoài ra, sau khi phổ biến các quy định mới của Nghị định số 175/2024/NĐ-CP, một số đại biểu đã thẳng thắn trao đổi thêm những vấn đề chưa rõ, những hạn chế, bất cập trong thực tiễn tại Hội nghị.
Ông Nguyễn Minh Vũ - Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đặt vấn đề: Tại khoản c Điều 1, Nghị định số 175/2024/NĐ-CP đã chỉ rõ phạm vi điều chỉnh của Nghị định cho Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhà ở khu đô thị, tuy nhiên tại Điều 3 Nghị định số 175/2024/NĐ-CP lại không nói rõ quy định về nội dung thiết kế cơ sở đã áp dụng chỉ cho dự án nhà ở khu đô thị, dễ gây nhầm lẫn. đề nghị Ban soạn thảo làm rõ?
Ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó trưởng phòng Quản lý dự án, Cục Quản lý hoạt động xây dựng cho biết, trong tình huống này cần tách bạch ra làm 2 phần nội dung. Thứ nhất, về nội dung quy định tại Điều 38 Nghị định số 175/2024/NĐ-CP là quy định chung của thiết kế cơ sở cũng như của các loại thiết kế khác, để làm rõ trong hồ sơ cần chuẩn bị khi thiết kế, đối với tất cả các hồ sơ thiết kế, không chỉ riêng cho phần nhà ở của khu đô thị; Thứ hai, liên quan đến nhà ở của khu đô thị là nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi, được quy định rõ tại Điều 14 Nghị định số 175/2024/NĐ-CP, như vậy quy định này rất rõ ràng, không có gì gây nhầm lẫn.
Ông Nguyễn Thành Lê - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt câu hỏi: Nhà máy điện nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai, lúc lập FS để thẩm định, có cần quy hoạch chi tiết 1/500 không?
Ông Nguyễn Hữu Hùng cho biết, Khu kinh tế mở Chu Lai là khu chức năng, theo quy định hiện hành, các công trình nhà máy nằm trong khu chức năng cần lập quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch tổng mặt bằng, được lập theo quy trình rút gọn, nội dung này là căn cứ lập FS theo quy định tại điểm k khoản 2 Điều 13 Nghị định số 175/2024/NĐ-CP.
Đối với câu hỏi về việc: Chủ đầu tư đề xuất dùng 100 triệu đồng làm tấm lợp kênh, vậy dùng chi phí tiết kiệm trong chi phí đầu thầu thực hiện như thế nào, chủ đầu tư tự thực hiện hay phải xin chủ trương, cho phép của người quyết định đầu tư? Nội dung điều chỉnh có phải thẩm định phê duyệt tại cơ quan có thẩm quyền hay chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định phê duyệt?
Ông Phạm Xuân Luyến - Trưởng phòng Quản lý thiết kế cho biết, nội dung này liên quan đến nguồn vốn, nếu vốn khác thì tự quyết, nhưng vốn nhà nước thì liên quan đến pháp luật về tài chính. Nếu dự án có cấu phần xây dựng thì thực hiện theo pháp luật về xây dựng, nếu trong trường hợp sử dụng vốn đầu tư công thực hiện theo pháp luật về đầu tư công…