Hội nhập đào tạo kiến trúc Việt Nam trong cộng đồng ASEAN

Hội nhập đào tạo kiến trúc Việt Nam trong một bối cảnh cụ thể là cộng đồng ASEAN với sự phát triển các thỏa thuận công nhận lẫn nhau cho các ngành dịch vụ trong cộng đồng, trong đó có kiến trúc, giúp hiện thực hóa các định hướng về tự do trong thương mại dịch vụ và sự dịch chuyển của các kiến trúc sư ASEAN.
Hội nhập đào tạo kiến trúc Việt Nam trong cộng đồng ASEAN
Workshop thường niên giữa Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội và ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) tại Bangkok từ 2019 (nguồn: Lê Chiến Thắng).

Việc phân tích, so sánh và định vị hệ thống đào tạo kiến trúc của Việt Nam trong cộng đồng đào tạo kiến trúc ASEAN cũng sẽ giúp nhìn nhận các vấn đề cũng như có thể đề xuất một số định hướng và giải pháp cho sự phát triển đào tạo kiến trúc Việt Nam dưới góc độ phát triển mạnh hợp tác quốc tế hay các chương trình trao đổi.

Nghiên cứu này đã tổng hợp, phân tích và đánh giá số liệu; khảo sát hiện trạng các cơ sở đào tạo tại Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Myanmar và Việt Nam; thảo luận với các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo kiến trúc và quản lý nghề kiến trúc trong ASEAN.

5 nội dung nghiên cứu được đề cập bao gồm: Tổng quan về hội nhập quốc trong đào tạo và hành nghề kiến trúc ở Việt Nam (1); Giới thiệu về Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) trong dịch vụ kiến trúc (2); Nghiên cứu các hệ thống đào tạo kiến trúc của các nước ASEAN (3); Đào tạo KTS tại Việt Nam (4); Các hoạt động hợp tác trong đào tạo KTS ở ASEAN (5).

1. Tổng quan về hội nhập quốc trong đào tạo và hành nghề kiến trúc ở Việt Nam

Hội nhập là “tham gia vào một cộng đồng để cùng hoạt động và phát triển với cộng đồng ấy (thường nói về quan hệ giữa các dân tộc, các quốc gia)”[1].

Hội nhập quốc tế là quá trình liên kết, gắn kết giữa các chủ thể quốc tế với nhau thông qua việc các chủ thể ấy tham gia vào các tổ chức, thiết chế, cơ chế, hoạt động hợp tác quốc tế.

Mục đích của hội nhập là khiến cho mỗi chủ thể đó cơ hội phát triển bản thân, từ đó tạo thành sức mạnh tập thể giải quyết những vấn đề chung mà các bên cùng quan tâm.

Đặc điểm của hội nhập quốc tế là toàn diện trong các lĩnh vực, là quá trình không có giới hạn về thời gian, là hình thức hợp tác ở trình độ cao gắn với luật lệ và chuẩn mực chung.

Hội nhập quốc tế có 3 cấp độ, trong đó tham gia xây dựng và áp dụng các luật lệ, chuẩn mực chung... là cấp hội nhập cao nhất. 

Phiên họp của Ủy ban đào tạo kiến trúc ASEAN lần thứ 30, Manila (Phillippines) (Nguồn: Lê Chiến Thắng).

Hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu lớn của thế giới trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay. Những lợi ích của hội nhập quốc tế trong đào tạo có thể bao gồm: Tiếp cận thị trường quốc tế, nguồn tài chính và các đối tác quốc tế;

Tạo cơ hội mở rộng lĩnh vực đào tạo, nâng cao trình độ của nguồn nhân lực và tạo thị trường việc làm; Tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch (con người, kiến thức, kỹ năng, văn hóa…), từ đó nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của cơ sở đào tạo và chất lượng sản phẩm đào tạo cũng như thu hút đầu tư;

Hội nhập những giá trị và tiến bộ từ các quốc gia khác để làm giàu văn hóa và thúc đẩy tiến bộ; Tiếp thu công nghệ mới thông qua chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến;

Là động lực để cải cách toàn diện hướng tới xây dựng các giá trị phổ quát và toàn diện; Tạo điều kiện để mỗi cơ sở đào tạo tìm một vị trí thích hợp trên trường quốc tế, giúp gia tăng uy tín và vị thế quốc tế.

Hội nhập quốc tế trong đào tạo và hành nghề kiến trúc ở Việt Nam đã được đặt ra từ lâu. Lịch sử kiến trúc Việt Nam trong thế kỷ 20 diễn ra rất phức tạp song hành với quá trình thành lập (02/9/1945) xây dựng và phát triển đất nước qua các giai đoạn của chiến tranh (1945 - 1975), giai đoạn xây dựng đất nước dưới sự hỗ trợ toàn diện của các nước khối XHCN ở miền Bắc (1954 - 1986) và Hoa Kỳ ở miền Nam (1960 - 1975), giai đoạn hội nhập quốc tế và phát triển theo định hướng thị trường sau Đổi mới (1986 đến nay). 

Trước khi thành lập các trường đại học kiến trúc đầu tiên của chính quyền mới, đào tạo kiến trúc ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc được thực hiện tại Trường Mỹ thuật Đông Dương (sau này là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) được thành lập tại Hà Nội vào năm 1924 theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương với số lượng sinh viên kiến trúc từ 2 - 10 sinh viên mỗi khóa.

Trong thời kỳ 1945 - 1954, Việt Nam không có điều kiện đào tạo cán bộ bậc đại học, chỉ đào tạo hệ trung cấp kỹ thuật chung cho Giao thông, Thủy lợi, Kiến trúc.

Từ 1954, miền Bắc bắt đầu công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh và bắt đầu đào tạo KTS từ 1961 với số lượng tuyển sinh mỗi khóa 100 người tại Trường ĐH Bách khoa.

Từ 1963, lớp đào tạo kiến trúc sư được chuyển khỏi Trường ĐH Bách khoa để hoạt động độc lập, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Kiến trúc. Năm 1966, Trường ĐH Xây dựng ra đời và Chính phủ đã quyết định sáp nhập lớp đào tạo KTS trên vào Trường ĐH Xây dựng, trở thành Khoa Kiến trúc Đô thị - Trường ĐH Xây dựng.

Năm 1969, nhiệm vụ xây dựng lại đất nước trở nên cấp thiết đã dẫn tới việc thành lập Trường ĐH Kiến trúc để đào tạo cán bộ với quy mô lớn cho ngành Xây dựng tại Văn Yên, thị xã Hà Đông[2].

Ngay từ những năm đầu thành lập, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã có những hoạt động hợp tác quốc tế đầu tiên nhằm tranh thủ sự hỗ trợ và tài trợ từ các nước trong khối XHCN về chuyên gia, giảng viên… để phát triển hệ thống đào tạo kiến trúc của mình (chương trình đào tạo, học phần, hình thức đào tạo, phương pháp đánh giá, cơ sở vật chất…).

Sau đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, các đơn vị đào tạo thiết kế (tổ kiến trúc, bộ môn kiến trúc, khoa kiến trúc) hay trường kiến trúc khác lần lượt được thành lập như Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM (1976)… 

Sau khi Mỹ bỏ cấm vận với Việt Nam vào năm 1994, Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào các tổ chức và hoạt động quốc tế như: gia nhập ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) vào tháng 7/1995; tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1996; trở thành thành viên chính thức của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) vào tháng 01/2007... cũng như tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Quá trình mở cửa này cũng dẫn tới những thay đổi trong đào tạo.

Các ngành đào tạo và trường đại học đã ra đời theo nhu cầu của xã hội. Trong lĩnh vực kiến trúc, nhiều cơ sở đào tạo kiến trúc đã được thành lập như Tổ kiến trúc - ĐH Huế (1997), Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng (2006), Khoa Kiến trúc - Trường ĐH Duy Tân (2006)…

Hiện nay, có gần 40 trường đại học tại Việt Nam đào tạo ngành kiến trúc (gồm kiến trúc, kiến trúc nội thất, quy hoạch, đô thị, nội thất...).[3]

Từ khi bước sang thế kỷ 21, hội nhập quốc tế luôn là vấn đề được quan tâm cả ở cấp vĩ mô (các cơ quan quản lý cấp quốc gia như Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ GD&ĐT…) cũng như ở cấp trường. 

Trao đổi kinh nghiệm tại ĐH QG Singapore trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh đào tạo kiến trúc quốc tế lần thứ 4 tại Singapore (nguồn: Lê Chiến Thắng).

2. Thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực kiến trúc

Tháng 7/1994, Việt Nam được mời tham dự cuộc họp đầu tiên của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và trở thành một trong những thành viên sáng lập của Diễn đàn này.

Ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Brunei, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN.

Nhằm đảm bảo sự tự do của thương mại dịch vụ trong khu vực, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tiến hành ký kết Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) vào ngày 15/12/1995 - cơ sở pháp lý cho việc thực hiện tự do hóa thương mại dịch vụ của ASEAN trong đó có quy định về công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

Trên cơ sở Hiệp định khung ASEAN, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 7/2001, các nhà lãnh đạo ASEAN đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban điều phối dịch vụ ASEAN (CCS) khởi động vòng đàm phán Hiệp định về công nhận lẫn nhau (MRA).

Hiện nay đã có 8 thỏa thuận công nhận lẫn nhau được ký kết trong các dịch vụ như y tá (2005); kiến trúc và khảo sát (2007); kế toán, y tế, nha sỹ, xây dựng (2009); và du lịch (2012).

Ngoài ra còn có các thỏa thuận đa phương, song phương giữa các quốc gia hay sự đơn phương công nhận từ phía quốc gia tiếp nhận [4].

Cơ chế công nhận lẫn nhau của ASEAN có ưu điểm nhờ dựa trên sự tự nguyện, thỏa thuận giữa các quốc gia. Thông qua các hiệp định, thỏa thuận giữa các quốc gia hoặc hành vi đơn phương công nhận sẽ tạo cơ sở pháp lý để các nhà cung cấp dịch vụ có thể tiến hành cung cấp dịch vụ tại một quốc gia khác.

Việc đơn phương công nhận tạo điều kiện cho các quốc gia có ngành dịch vụ kém phát triển có thể nhanh chóng, dễ dàng tiếp nhận dịch vụ từ các nhà cung cấp đến từ các quốc gia có ngành dịch vụ phát triển hơn.

Tuy nhiên cũng có những hạn chế khi hoàn toàn dựa trên sự tự do, thỏa thuận giữa các quốc gia thành viên như vậy. Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau được ký kết trong từng lĩnh vực cụ thể của AFAS mà hiện tại có 12 phân ngành dịch vụ chính thuộc phạm vi điều chỉnh của AFAS, mỗi phân ngành chính lại bao gồm nhiều phân ngành dịch vụ nhỏ.

Như vậy để ký kết được tất cả các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong tất cả các lĩnh vực của ngành dịch vụ là một khó khăn rất lớn. Và thực tế cho thấy mới chỉ có 8 thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong 8 lĩnh vực được ký kết.

Từ năm 2003, Bộ Xây dựng Việt Nam đã tham gia đàm phán xây dựng các Thoả thuận Thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN (MRA) về các dịch vụ nghề nghiệp gồm kỹ thuật và kiến trúc.

Thoả thuận MRA về Dịch vụ kiến trúc đã được các Chính phủ 10 nước ASEAN ký kết vào ngày 09/11/2007. Bộ Ngoại giao đã có Thư thông báo gửi Tổng Thư ký ASEAN về việc Việt Nam chính thức tham gia thực hiện Thoả thuận MRA về Dịch vụ kiến trúc.

Bộ Xây dựng đã ra Quyết định thành lập các Uỷ ban Giám sát (MC) của Việt Nam để thực hiện các Thoả thuận. Uỷ ban này đã xây dựng Quy chế đánh giá KTS ASEAN của Việt Nam, thành lập Đăng bạ KTS ASEAN và đăng ký cho các KTS Việt Nam bắt đầu từ Phiên họp CCS79 (tháng 9/2014) tại Bali, Indonesia.

Việc công nhận này là điều kiện tiên quyết để các KTS này có thể đăng ký hành nghề độc lập tại 10 quốc gia ASEAN. Hiện nay (tính tới 5/2024), Việt Nam có 41 KTS ASEAN [5].

Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kiến trúc trong ASEAN hướng tới các mục tiêu [6]: 

- Tạo thuận lợi cho việc di chuyển KTS;

- Trao đổi thông tin để xúc tiến thông qua những thực tiễn tốt nhất về các tiêu chuẩn đào tạo kiến trúc, hành nghề và các tiêu chuẩn trình độ chuyên môn;

- Khẳng định tinh thần hợp tác của ASEAN trên cơ sở phân phối công bằng các nguồn lực và lợi ích thông qua các hợp tác nghiên cứu;

- Khuyến khích, tạo thuận lợi và công nhận lẫn nhau cho các KTS và xây dựng các tiêu chuẩn và cam kết chuyển giao công nghệ giữa các thành viên ASEAN.

KTS ASEAN được định nghĩa là KTS được Hội đồng KTS ASEAN (AAC) thông qua theo quy trình đánh giá, được ghi tên và đăng bạ KTS ASEAN, được phong danh hiệu KTS ASEAN. Điều kiện để được đăng ký trở thành KTS ASEAN như sau:

- Được cấp bằng tốt nghiệp kiến trúc hoặc được đánh giá và công nhận là có bằng cấp tương đương. Chương trình đào tạo kiến trúc không dưới 5 năm toàn thời gian và được kiểm định.

- Đăng ký hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề kiến trúc còn giá trị. 

- Có kinh nghiệm hành nghề không dưới 10 năm liên tục sau khi tốt nghiệp, trong đó ít nhất 5 năm sau khi được cấp chứng chỉ/đăng ký hành nghề và ít nhất 2 năm trong đó chịu trách nhiệm về các công trình kiến trúc quan trọng.

- Đáp ứng các yêu cầu về phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) tại nước đăng ký.

- Có xác nhận không vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chuyên môn hoặc đạo đức ở địa phương và quốc tế trong hành nghề kiến trúc. 

- Tuân thủ mọi yêu cầu khác của Hội đồng KTS ASEAN (AAC).

3. Các hệ thống đào tạo kiến trúc của các nước ASEAN

Để chuẩn bị tốt nhất cho các KTS ASEAN tương lai, công tác đào tạo cũng được nêu lên. Từ phiên họp tại Siem Riep, Cambodia (tháng 01/2012), các nước thành viên ASEAN đã thảo luận việc đề xuất thành lập Nhóm giáo dục kiến trúc (sau này Ủy ban về giáo dục kiến trúc) nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tiến tới xây dựng các chương trình trao đổi chuyên môn cụ thể giữa các trường đào tạo kiến trúc, giữa các chuyên gia và giữa người học của các trường trong ASEAN.

Đến nay (tính tới tháng 5/2024) Ủy ban về giáo dục kiến trúc này (AAEC) đã tiến hành 34 phiên họp, qua đó thiết lập được hệ thống thông tin riêng về đào tạo kiến trúc ASEAN và tiếp tục thảo luận, cập nhật tại các phiên họp tiếp theo.

Các nội dung được đề cập tới trong các phiên họp là chương trình đào tạo, bằng cấp, thời gian đào tạo, tín chỉ, kiểm định, quản lý, hợp tác quốc tế…

Dù chỉ có 10 quốc gia trong khối nhưng đã có những khác biệt lớn trong hệ thống đào tạo của các quốc gia. Có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, trong đó có một nguyên nhân chính là sự ảnh hưởng của các quốc gia lớn mà Việt Nam cũng là một ví dụ (chịu ảnh hưởng từ các mô hình đào tạo kiến trúc kiểu Pháp, Liên Xô, phương Tây).

Khi so sánh, phân loại hệ thống đào tạo của các quốc gia, các tiêu chí sau đây có thể được lựa chọn như chỉ lựa chọn các chương trình đào tạo được đánh giá đạt chuẩn mà người tốt nghiệp sẽ tiếp tục được cấp chứng chỉ hành nghề và đặc biệt là được công nhận là KTS ASEAN (AA); chỉ lựa chọn các chương trình đào tạo chuyên ngành kiến trúc công trình, không bao gồm các chuyên ngành thuộc ngành kiến trúc khác như quy hoạch, kiến trúc cảnh quan, kiến trúc nội thất, thiết kế đô thị…; tổng thời gian đào tạo trên 5 năm; đảm bảo chất lượng; kiểm định…

Bảng 1. Một số thành phần chính trong hệ thống đào tạo kiến trúc trong cộng đồng ASEAN [7]:

Một số so sánh các hệ thống đào tạo kiến trúc ASEAN:[8]

1.3 Đầu vào:

Các quốc gia có yêu cầu ứng viên phải tham gia thi đầu vào bên cạnh bằng tốt nghiệp PTTH như Việt Nam, Lào, Myanmar. Một số quốc gia không yêu cầu thi đầu vào như Campuchia, Indonesia. Brunei yêu cầu cụ thể với từng đối tượng có bằng cấp và kinh nghiệm khác nhau, trong đó yêu cầu điểm các môn toán, vật lý, thiết kế và công nghệ, khoa học máy tính, mỹ thuật… cao hơn so với các môn khác cho dù là bằng tốt nghiệp phổ thông quốc gia hay quốc tế, ngoài ra còn phải lập portfolio 10 trang gồm cả các bản vẽ, hình ảnh, đồ họa… 2D và 3D để minh chứng cho năng lực sáng tạo của ứng viên, và phải vượt qua phỏng vấn đầu vào. 

2.3 Chương trình đào tạo: 

a. Tổng số thời gian đào tạo để có điều kiện cấp chứng chỉ KTS hành nghề tại quốc gia và trong thị trường ASEAN là 5 năm theo các mô hình 5 or 6 năm (Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Myanmar, Phillipines), 4+1 or 2 (Lào, Campuchia, Indonesia), 3+2 (Brunei).

b. Tổng số lượng tín chỉ của các chương trình tương ứng nêu trên là 150 - 180 tín chỉ.

c. Các chương trình đào tạo về cơ bản có 2 phần, phần kiến thức/kỹ năng cơ sở và phần kiến thức/kỹ năng chuyên ngành/chuyên nghiệp. Trong đó phần cơ sở chiếm tỷ trọng nhỏ (từ 15 - 30%) và thường được bố trí ở những năm đầu, giúp sinh viên có được cái nhìn tổng quan về nghề nghiệp và những vấn đề xung quanh nghề nghiệp thiết kế của mình.

Phần chuyên ngành chiếm tỷ trọng lớn (70 - 80%) và bố trí theo kiến thức/kỹ năng càng chuyên sâu về phía những năm cuối. Phần cơ sở thường bao gồm các môn khoa học tự nhiên (toán, vật lý…), khoa học xã hội (xã hội học, luật đại cương…), công nghệ, lịch sử và các môn học khác theo đặc thù của từng nước, thậm trí là từng vùng, hoặc có thể theo triết lý đào tạo của từng trường (Singapore, Indonesia, Phillipines). 

d. Các học phần chuyên ngành phân theo các nhóm về thiết kế (tìm ý tới phát triển thiết kế); thể hiện/truyền thông ý tưởng và thiết kế; kiến trúc bản địa/địa phương; công nghệ trong thiết kế; quản lý (công trình, dự án, đô thị); khởi nghiệp và kinh doanh; kiến trúc và môi trường; thực hành; xây dựng và vật liệu; nội thất và ngoại thất (cảnh quan).

Bên cạnh những điểm chung như trên, một số trường/quốc gia có những trọng tâm khác như các học phần liên quan tới công nghệ digital (truyền thông như AR, VR, BIM…) (Singapore, Malaysia, Thái Lan); thiết kế đô thị (Singapore, Brunei, Việt Nam); văn hóa kiến trúc (Malaysia, Thái Lan, Lào, Việt Nam); phương pháp nghiên cứu kiến trúc (Brunei, Việt Nam).

Các học phần nâng cao như bảo tồn di sản, lý luận phê bình kiến trúc… có thể được bố trí trong các học phần tự chọn hoặc trong chương trình thạc sĩ. 

e. Hệ thống đồ án là trái tim của hệ thống đào tạo kiến trúc. Các học phần lý thuyết có chức năng bổ trợ kiến thức cho đồ án. Các học phần đồ án thường được phân chia thành nhiều đồ án nhỏ cho từng học kỳ (Việt Nam thường có 2 đồ án/học kỳ) với độ khó nâng cao dần theo từng năm.

Đồ án yêu cầu tổng hợp toàn bộ các kiến thức, kỹ năng được học của năm tương ứng. Trong đồ án, đặc biệt trong những năm cuối, sinh viên được yêu cầu làm việc liên ngành hoặc làm việc nhóm như một đồ án tích hợp, vốn là phương pháp làm việc mới trong các dự án đương đại.

3.3 Cơ chế quản lý chất lượng và kiểm định:

Các cơ quan quản lý chất lượng ở các quốc gia khá khác nhau. Quản lý chất lượng được chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước như Bộ (Giáo dục, Đào tạo…), Ủy ban kiến trúc hoặc Hội KTS và các cơ quan kiểm định độc lập.

Ở một số quốc gia như Campuchia, Lào thì có toàn bộ các cơ quan này. Một số quốc gia khác thì chỉ có một hoặc hai cơ quan trong số đó chịu trách nhiệm (ở Phillipines thì Tiểu ban kỹ thuật về kiến trúc - Ủy ban Giáo dục đại học CHED trực thuộc Văn phòng Tổng thống chịu trách nhiệm, ở Singapore và Myanmar trách nhiệm này thuộc về Hội KTS, ở Brunei là Đơn vị đảm bảo chất lượng của ĐH Công nghệ Brunei).

Các quốc gia cũng luôn lựa chọn các cơ quan kiểm định quốc tế khác, trong đó Malaysia, Singapore lựa chọn RIBA (Viện kiến trúc hoàng gia Anh Quốc), Phillippines lựa chọn NCARB (Hội đồng đăng ký kiến trúc quốc gia), Indonesia lựa chọn KAAB (Hội đồng kiểm định kiến trúc Hàn Quốc).

4. Đào tạo KTS tại Việt Nam

Như đã trình bày trong mục 2, số lượng các trường đại học đào tạo kiến trúc ở Việt Nam hiện nay là gần 40 trường. Các trường (bao gồm trường công và trường tư) thường trực thuộc Bộ GD&ĐT, ngoại trừ Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội và trường ĐH Kiến trúc TP.HCM trực thuộc Bộ Xây dựng.

Về chương trình đào tạo, các trường phải chịu quản lý nhà nước về khung chương trình đào tạo với tỷ lệ khối kiến thức đại cương chiếm 30 - 40% tổng số lượng tín chỉ bao gồm các kiến thức khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và một số học phần bổ trợ khác.

Khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành chiếm 60 - 70% được chia thành các nhóm kiến thức bổ trợ cho việc thực hiện đồ án thiết kế, bao gồm nhóm kiến thức về thiết kế, truyền đạt ý tưởng (bằng các loại công cụ vật lý và digital), mỹ thuật, nội thất và cảnh quan, xây dựng và vật liệu, luật chuyên ngành và quản lý, công nghệ, vật lý kiến trúc và môi trường (thiết kế bền vững, kiến trúc xanh…), khởi nghiệp và kinh doanh, kinh tế xây dựng…

Tùy vào mỗi trường mà sẽ có những mục tiêu đào tạo riêng từ đó điều chỉnh các khối kiến thức trên theo tỷ trọng mong muốn. 

Nhìn tổng quan đào tạo kiến trúc Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với các quốc gia ASEAN về thời gian đào tạo, bằng cấp, số lượng tín chỉ, các khối kiến thức…

Tuy nhiên, một số khó khăn cũng hiện hữu trong thực tiễn triển khai đào tạo (ví dụ như nền tảng công nghệ ở mức trung bình khiến việc đào tạo hướng tới công nghệ như kiến trúc bền vững, tòa nhà xanh, BIM trong thiết kế, xây dựng và quản lý… trở nên khó khăn dù mục tiêu của ngành Xây dựng hướng tới các công trình hiệu quả năng lượng (Việt Nam hướng tới giảm phát thải carbon xuống mức 0 vào năm 2050).[9]

Trong hội nhập đào tạo quốc tế, các trường đại học của Việt Nam đang rất tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác, cả song phương và đa phương với các đối tác tiên tiến trên thế giới.

Các lĩnh vực hợp tác trong kiến trúc đã được phủ rộng, từ thiết kế với yếu tố bản địa (tre, đất, gỗ…) tới bảo tồn di sản kiến trúc… Thậm chí một số sản phẩm hợp tác cũng đã được hình thành thành các dự án thực tế hoặc các đầu tư thành các phòng lab nghiên cứu kiến trúc hoặc các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng…

Workshop chung giữa 3 trường ĐH Quốc gia Lào, ĐH Chulalongkonrn (Thái Lan) và ĐH Kiến trúc Hà Nội tại Vientiane (Lào) (nguồn: Giáp Thị Minh Trang).

5. Các hoạt động hợp tác trong đào tạo KTS ở ASEAN

Hợp tác quốc tế trong đào tạo kiến trúc đã được tiến hành từ lâu giữa các nước ASEAN và với các nước ngoài ASEAN dưới nhiều hình thức. Các quốc gia phát triển hơn như Singapore, Thái Lan, Malaysia từ lâu đã có những hoạt động hợp tác quốc tế sâu sắc trong việc thực hiện chương trình đào tạo. 

Trong những năm gần đây, các quốc gia khác trong cộng đồng ASEAN cũng đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế này, cả song phương và đa phương. Các sinh viên tốt nghiệp từ các trường này cũng đã tiếp tục các bậc học tiếp theo hoặc làm việc trên khắp thế giới.

Các bảng xếp hạng trường đại học hay chương trình đào tạo trên thế giới cũng đề cao các tiêu chí quốc tế hóa (giảng viên, người học, tạp chí…) của các trường đại học như là những giá trị phổ quát và giá trị toàn cầu. 

Các hoạt động hợp tác trong đào tạo tại ASEAN đang diễn ra sôi nổi song phương và đa phương với nhiều hình thức như trao đổi công nhận tín chỉ dài hạn (6 tháng, 1 năm), trao đổi giao lưu ngắn hạn dưới hình thức workshop (1 - 2 tuần), trao đổi giảng viên và chuyển gia, nghiên cứu chung, triển lãm chung…

Các hoạt động này sẽ giúp người học hòa nhập văn hóa trong môi trường làm việc toàn cầu; giúp người học có tư duy toàn cầu và có kỹ năng giao tiếp đa văn hóa; giúp gắn kết sự hợp tác đại học và nâng cao chất lượng giáo dục, tận dụng tài nguyên và các nguồn hỗ trợ; tạo bản sắc cộng đồng mới cho khu vực và cộng đồng ASEAN...

Các hoạt động này dễ thực thi hơn một phần cũng nhờ sự chủ động của các thực thể thực thi là các cơ sở giáo dục. Một số hoạt động cũng được mở rộng với các chủ đề thực tế hơn, quy mô phức tạp hơn, địa điểm xây dựng ngoài thực địa… so với những đồ án trong chương trình đào tạo.

Hơn thế nữa là sự tham gia của nhiều thành phần liên quan (như cơ sở đào tạo, chính quyền địa phương, doanh nghiệp đầu tư, quản lý và tư vấn, cộng đồng dân cư địa phương, những người thụ hưởng).

Những tính chất này sẽ giúp cho các hoạt động hợp tác phong phú và thực tiễn hơn, đưa những bài học gần với thực tiễn hoạt động của KTS hơn.

Việt Nam đã tham gia thúc đẩy dịch chuyển người học và đảm bảo chất lượng giáo dục bằng các hoạt động thực tiễn của Chính phủ như thông tin, quảng bá các cơ sở đào tạo tới người học thuộc cộng đồng ASEAN...[10]

Kết luận

Hội nhập trong đào tạo hiện nay có thể nói đã trở nên “bình thường” trong một thế giới phẳng rộng mở cơ hội cho tất cả mọi người. Hợp tác với các cơ sở đào tạo tiến bộ trên thế giới đã diễn ra rộng khắp.

Một môi trường đa dạng như ASEAN với nhiều mô hình khác nhau tạo cho Việt Nam những thuận lợi trong việc phân tích, đánh giá, kiểm nghiệm những giải pháp khác nhau cho mình.

Hội nhập của các cơ sở đào tạo trong khối ASEAN không chỉ mong muốn tạo ra một cộng đồng chung cùng nhau tiến bộ, nâng cao chất lượng sản phẩm con người thông qua đào tạo mà còn hướng tới xây dựng một thị trường chung ASEAN biến khối trở thành đối trọng kinh tế lớn trên quy mô toàn cầu.

Việt Nam cũng thông qua mục tiêu này nhằm xây dựng vị thế cũng như thúc đẩy sự tiến bộ trong đào tạo KTS, mang lại cơ hội và chất lượng cho các KTS của mình. 

Các mô hình đào tạo trong cộng đồng ASEAN đa dạng cũng là điều kiện thuận lợi để so sánh và định vị hệ thống đào tạo của Việt Nam. Không thể có một sự tương đồng tuyệt đối và thực tế cho thấy khi xây dựng và thực hiện chương trình trao đổi dài hạn luôn gặp khó khăn do có sự khác biệt về khái niệm tín chỉ giữa các hệ thống đào tạo.

Do đó, điều cần thiết là các cơ sở đào tạo có những hiểu biết sâu sắc hơn về các hệ thống đào tạo của nhau nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các người học tham gia chương trình trao đổi, đặc biệt là chương trình dài hạn vốn sẽ là đỉnh điểm của sự hội nhập và hợp tác đào tạo song phương.

Trong tương lai, cộng đồng ASEAN cũng có thể sẽ hướng tới xây dựng một hệ thống chuyển đổi tín chỉ chung tương tự như ECTS (Hệ thống chuyển đổi và tích lũy tín chỉ của châu Âu) để tạo ra một hệ thống chuyển đổi chung, thống nhất trong toàn cộng đồng, từ đó giúp thúc đẩy các chương trình trao đổi dài hạn cũng như sự dịch chuyển của người học tại các trường đối tác trong cộng đồng.

Các mô hình đào tạo kiến trúc ở từng quốc gia theo đó cũng có những sự thay đổi về nội dung, hình thức, phương pháp, cơ sở vật chất, quản lý… cho phù hợp với hệ thống. 

Hệ thống đào tạo kiến trúc của Việt Nam có thể phải thực hiện tốt hơn phương thức đào tạo theo tín chỉ, trong đó cần nhấn mạnh và ưu tiên tính linh hoạt, tính liên thông, khả năng rút ngắn thời gian học tập… của người học, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả của phương thức đào tạo theo tín chỉ, trao đổi người học, từ đó nâng cao vị thế quốc tế của cơ sở đào tạo.

Cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trao đổi người học giữa Việt Nam và các nước trong cộng đồng ASEAN, thông qua chủ đề thực tiễn địa phương, giao lưu với cộng đồng địa phương, nghiên cứu hiện trạng để thúc đẩy trao đổi văn hóa không chỉ giữa người học, giảng viên, chuyên gia mà còn với cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương. 

Thúc đẩy các nghiên cứu chung ở các cấp giữa Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt là nghiên cứu liên ngành và liên quốc gia/khu vực với các chủ đề có tính bao trùm cao hoặc có quy mô liên quốc gia hoặc toàn cầu (kiến trúc với môi trường, biến đổi khí hậu, bền vững…).

Dự án thử nghiệm do Hội KTS Brunei đề xuất tại Temburong dự kiến quy tụ các đề xuất của các KTS ASEAN có thể là đề xuất tốt cho các hoạt động chung sau này, đặc biệt trong các dự án lớn. 

Các hội nghị, tọa đàm, triển lãm, workshop về đào tạo kiến trúc và KTS ASEAN cũng cần được tiến hành để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ sở đào tạo, các bộ chủ quản và các cơ quan quản lý khác trong cộng đồng với nhau.

Sự thống nhất ở hệ thống đào tạo kiến trúc sẽ xây dựng nền tảng cho việc đảm bảo chất lượng đầu ra thống nhất trong cộng đồng, đó là các KTS ASEAN và việc hành nghề của họ trong thị trường ASEAN.

 

Tài liệu tham khảo:
[1]. Viện ngôn ngữ học (2010). Từ điển tiếng Việt. NXB Từ điển Bách Khoa 
[2]. Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội (2018). Tổng quan Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội,  , xem 20/5/2024
[3]. Lê Chiến Thắng (2022). Báo cáo “Đào tạo kiến trúc tại Việt Nam.” Phiên họp của Ủy ban đào tạo kiến trúc ASEAN lần thứ 30, Manila (Phillippines) ngày 17.9.2022.
[4]. Phạm Khánh Toàn. Việt Nam trên con đường hội nhập Asean trong hành nghề kiến trúc. Tạp chí Kiến trúc - Hội KTSVN, số 5/2015, 43-44.
[5]. Hội đồng KTS ASEAN (2023). “Báo cáo cuộc họp lần thứ 46.” Phiên họp của Hội đồng kiến trúc sư ASEAN lần thứ 46 (46th AAC), Bandar Seri Begawan (Brunei Darussalam) ngày 13.11.2023.
[6]. Hội đồng KTS ASEAN (2007). Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về dịch vụ kiến trúc trong ASEAN. Singapore.
[7]. Ủy ban đào tạo kiến trúc ASEAN (2024). “Báo cáo Ma trận đào tạo kiến trúc lần thứ 34.” Phiên họp của Ủy ban đào tạo kiến trúc ASEAN lần thứ 34, Bandung (Indonesia) ngày 20.2.2024.
[8]. Các phiên họp của Ủy ban đào tạo kiến trúc ASEAN (AAEC) từ lần thứ 29th (7.2.2022) đến 34th (19.2.2024)
[9]. Phạm Minh Chính (tháng 11/2021). Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow (Vương Quốc Anh).
[10]. Bộ GD&ĐT (2021). Công văn số 2073/BGDĐT-HTQT ngày 20/5/2021 về việc thực hiện tài liệu hướng dẫn thúc đẩy dịch chuyển sinh viên ASEAN+3.

Bình luận