Triển lãm Vietwater 2024 là Triển lãm quốc tế lần thứ 15 về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc và xử lý nước thải tại Việt Nam; và Triển lãm về công nghệ xử lý chất thải và môi trường - WETV sẽ diễn ra đồng thời từ ngày 06 - 8/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).
Trưng bày các dự án, mô hình sáng chế ngành nước
Sự kiện sẽ quy tụ hơn 450 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang đến các giải pháp công nghệ tiên tiến, có diện tích trưng bày hơn 10.000 m², dự kiến sẽ thu hút hơn 10.000 khách tham quan trong 03 ngày diễn ra.
Tiếp nối sự thành công của những phiên bản trước, Vietwater 2024 tiếp tục mang đến chuỗi chương trình hội thảo quốc tế với những chủ đề thiết thực về ngành xử lý nước như: “Chiến lược đổi mới hợp tác nhằm thúc đẩy quản lý nước thông minh”; “Quản lý nước hiệu quả cho phát triển bền vững”; “Tái sử dụng nước đáp ứng phát triển bền vững ngành nước”; “Công nghệ, giải pháp mới trong ngành nước”; “Công nghệ thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt hướng tới phát triển xanh”...
Đặc biệt, Vietwater 2024 tổ chức chương trình kết nối kinh doanh độc quyền với chủ đề “Chạm kết nối - Tiếp thành công”, nhằm kết nối khách mua hàng tiềm năng với hơn 450 nhà cung cấp từ khắp nơi trên thế giới, là dịp giúp doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi và tăng cường hợp tác kinh doanh.
Một điểm mới trong Triển lãm là cuộc thi Water Hackathon và khu trưng bày sáng kiến ngành nước Innovation Zone, được sơ khởi dưới hình thức trưng bày các dự án, mô hình sáng chế ngành nước, chất thải từ những tổ chức và trường đại học như: Saigon Innovation Hub, Trường Đại học Quốc tế Việt Đức (VGU), Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Tài nguyên và môi trường, Trường Đại học Thủy lợi...
Chia sẻ tại buổi họp báo, bà Vũ Thị Dung - Giám đốc Dự án cấp cao Công ty Informa Markets Việt NamVietwater 2024 cho biết, ngành nước Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng.
Công nghệ thoát nước và xử lý nước thải tại Việt Nam cũng đang dần chuyển đổi sang những giải pháp thân thiện với môi trường hơn. Hiện nay, nhiều nhà máy xử lý nước thải đã và đang được đầu tư và nâng cấp để áp dụng công nghệ tiên tiến, giúp giảm thiểu tác động môi trường và tối ưu hóa quá trình tái sử dụng nước.
Chính phủ cũng đã ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn về xử lý nước thải, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và khu chế xuất, nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước. Những vấn đề về BĐKH, ngập lụt và ô nhiễm môi trường cũng đang đặt ra thách thức lớn đối với ngành.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và những yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường, ngành nước cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, như hệ thống quản lý nước thông minh, dữ liệu đám mây, và công nghệ Internet vạn vật (IoT) để tối ưu hóa quá trình vận hành.
Cải tiến và đổi mới công nghệ trở nên cấp thiết
Cũng trong buổi họp báo, các chuyên gia đầu ngành đã chỉ ra những thực trạng và thách thức trong vấn đề an ninh nguồn nước, cũng như vấn đề hệ thống xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo đó, ông Trần Chí Trung - Giám đốc Viện Tài nguyên nước và môi trường Đông Nam Á cho biết, vấn đề an ninh nguồn nước là một trong những nội dung quan trọng, liên quan đến phát triển bền vững và ổn định chính trị, đến chủ quyền quốc gia.
Mặc dù, chưa phải là quốc gia thiếu nước nghiêm trọng, tuy nhiên trong những năm gần đây Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước. Nguy cơ mất an ninh nguồn nước là thách thức hiện hữu trong cả hiện tại và tương lai.
Theo đó, ông Trần Chí Trung đã chỉ ra 5 nội dung chủ yếu gây nguy cơ mất an ninh nguồn nước như: nguồn nước mặt của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh; tác động lớn của thiên tai và BĐKH; ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động sản xuất, sinh hoạt gia tăng xả thải; vấn đề bảo vệ nguồn sinh thủy; hiệu quả sử dụng nước thấp, chưa tiết kiệm.
Bên cạnh vấn đề an ninh nguồn nước, hệ thống quản lý chất thải rắn cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do thiếu các bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh, thiếu phương pháp xử lý chất thải rắn tiên tiến, phù hợp và nguồn lực phân bổ cho công tác quản lý chất thải rắn vẫn còn hạn chế...
Để đối mặt với thách thức trên, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường và KCN Việt Nam cho rằng, vấn đề cấp thiết là phải cải tiến và đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, công nghệ cần phù hợp với tính thực tiễn, đảm bảo tối ưu chi phí và hiệu quả môi trường, giúp nước thải sau khi được thu hồi, xử lý sẽ được tái sử dụng cho mục đích công nghiệp trong KCN, bảo đảm mô hình tuần hoàn khép kín hoặc sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường...
Việc ứng dụng dữ liệu đám mây và số hóa cũng là điều cần thiết nhằm quản lý hạ tầng cấp thoát nước nói chung và hệ thống xử lý nước trong khu công nghiệp nói riêng.
Nhận thức rõ những yêu cầu cấp thiết đặt ra, việc tổ chức Triển lãm Vietwater 2024 với danh mục sản phẩm trưng bày đa dạng, các hội thảo quốc tế và hoạt động kết nối kinh doanh thiết thực, được kỳ vọng mở ra một chương mới cho sự phát triển của ngành nước tại Việt Nam.