
Sáng 3/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị.
Làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đây là dự thảo Luật khó, phạm vi rộng, có tác động tới hơn 900 đô thị với nhiều đặc điểm khác nhau theo khu vực, vùng miền, nhiều nội dung quản lý.
Qua 02 lần trình Quốc hội, đã có 05 chính sách được Quốc hội thông qua để quy định rõ trong dự thảo Luật gồm: (1) Chính sách về quản lý đánh giá, phân loại đô thị và phát triển bền vững đô thị, hệ thống đô thị; (2) Chính sách về quản lý phát triển mới, cải tạo chỉnh trang và tái phát triển đô thị; (3) Chính sách về quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ; (4) Chính sách về quản lý phát triển không gian ngầm đô thị; và (5) Chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý phát triển đô thị.

Ông Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, qua tổng kết, đánh giá, rà soát quy định pháp luật hiện hành, về cơ bản nhiệm vụ quản lý đô thị gồm 2 nhóm nhiệm vụ lớn: (1) Nhiệm vụ quản lý, tổ chức đời sống dân cư đô thị đã được pháp luật hiện hành cơ bản điều chỉnh đầy đủ;
(2) Nhiệm vụ phát triển cơ sở vật chất, tài sản cố định của đô thị được điều chỉnh ở nhiều Luật chuyên ngành, mỗi Luật điều chỉnh một nội dung riêng về: nhà ở, đất đai, kiến trúc, quản lý tài sản công, bảo vệ môi trường, di sản văn hoá, quy hoạch… nhưng chưa điều chỉnh các nhiệm vụ rất quan trọng của nội hàm phát triển đô thị nhằm: Xác định rõ các yêu cầu cần đạt được của mỗi giai đoạn phát triển đô thị, cách thức đánh giá và tiêu chí để phân loại đô thị gắn với đánh giá tổng thể chất lượng đô thị và cập nhật các trường hợp phát triển đô thị có tính chất đặc thù; Xác định các nhiệm vụ để tổ chức thực hiện phát triển đô thị sau khi có quy hoạch đô thị; Tổ chức phát triển đô thị theo đặc điểm từng khu vực của đô thị (phát triển mới, cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị) gắn với yêu cầu đô thị văn minh, hiện đại về chất lượng nhưng đậm đà bản sắc đặc trưng, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, phòng chống thiên tai; Chưa có các quy định về phát triển bền vững hệ thống đô thị, liên kết; Hầu hết các vấn đề về phát triển hạ tầng đô thị mới chỉ được quy định nguyên tắc, các quy định tại các văn bản dưới Luật hiệu lực không cao.
Do đó, dự thảo Luật xác định rõ phạm vi điều chỉnh về quản lý, đánh giá, phân loại đô thị, quản lý phát triển bền vững đô thị, hệ thống đô thị; phát triển mới đô thị, cải tạo chỉnh trang đô thị, tái phát triển đô thị; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, không gian ngầm đô thị; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý phát triển đô thị.

Cần có một chương riêng về tái thiết đô thị
Chia sẻ về một số nội dung chính trong dự thảo Luật, ông Trần Quốc Thái cho biết, Chương 2 dự thảo Luật quy định về hệ thống đô thị, phân cấp, phân loại đô thị, tập trung quy định 02 nhóm vấn đề lớn: (1) Quy định về việc phát triển hệ thống đô thị theo các cấp: cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; (2) Quy định về việc đánh giá và phân loại đô thị.
Trong đó, về quản lý phát triển hệ thống đô thị, dự thảo Luật quy định các vấn đề để phát triển bền vững hệ thống đô thị. Về đánh giá và phân loại đô thị, dự thảo Luật bổ sung mới nội dung khuyến khích đô thị phát triển đạt chất lượng đô thị cao hơn, đặc biệt là không giới hạn theo đơn vị hành chính.
Theo pháp luật hiện hành, thị trấn là đô thị loại 4 hoặc loại 5; thị xã là loại 4 hoặc loại 3, thành phố là loại 3, loại 2 hoặc loại 1, tuy nhiên dự thảo Luật đề xuất không giới hạn mức này nhưng việc thành lập đơn vị hành chính vẫn phải được đảm bảo thống nhất. Hay nói cách khác, việc đề xuất quy định tại nội dung này, nhằm thúc đẩy, khuyến khích phát triển đô thị chú trọng đến chất lượng.
Chương 3 của dự thảo Luật quy định về chương trình phát triển đô thị, hệ thống đô thị và quản lý các khu vực phát triển đô thị, gồm 3 nội dung chính: (1) Chương trình phát triển đô thị, hệ thống đô thị; (2) Quản lý chỉnh trang, cải tạo, tái phát triển đô thị; (3) Quản lý các khu vực phát triển mới của đô thị.
Trong đó đáng chú ý là nội dung liên quan đến quản lý chỉnh trang, cải tạo, tái phát triển đô thị, do lịch sử hình thành phát triển nên hầu hết các đô thị đều có nhu cầu lớn về chỉnh trang, cải tạo, tái phát triển.
Dự thảo Luật đang nghiên cứu nội dung này, dự kiến quy định theo hướng phân nhóm các đối tượng như: chỉnh trang là trách nhiệm chính của chủ sở hữu công trình xây dựng; cải tạo đô thị là sự phối hợp giữa nhà nước và nhân dân cùng làm; tái phát triển đô thị là trường hợp khi có chủ đầu tư đề xuất cho phép thực hiện tái phát triển tại một khu vực…
Cũng tại phiên họp, đại diện cơ quan chuyên môn, chuyên gia của các Bộ, ngành, địa phương, hội nghề nghiệp đã có những góp ý cụ thể xây dựng nội dung dự thảo Luật.
Ông Nguyễn Thành Hưng - Giám đốc Sở Xây dựng TP Hải Phòng đề xuất, nội dung liên quan đến tái thiết phát triển đô thị hiện hữu cần được quy định thành một chương riêng quan trọng trong dự thảo Luật; trong phát triển đô thị, cần tập trung phát triển hạ tầng công đô thị và bảo vệ môi trường, đặc biệt là hạ tầng công đô thị; làm rõ nguồn lực tài chính cho phát triển và tái thiết hệ thống đô thị…
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị thường trực Tổ biên tập lập bảng tổng hợp các ý kiến góp ý tại phiên họp, các góp ý bằng văn bản để làm rõ các nội dung đã được tiếp thu, giải trình qua từng phiên họp; tiếp tục rà soát các nội dung để bảo đảm đầy đủ nội dung cần thiết nhưng cũng tạo sự linh động trong quá trình quản lý, điều hành; đặc biệt với một số nội dung cụ thể, cần bảo đảm bám sát, cụ thể hoá quan điểm, chủ trương của Đáng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cụ thể hoá bằng các quy định pháp luật, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nội dung trong Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 08/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025 và thông qua đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị. Theo Nghị quyết này, Luật Quản lý phát triển đô thị sẽ là 1 trong 10 Luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2025 (cùng với Luật Cấp, thoát nước); và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 diễn ra vào tháng 10/2025 (cùng với Luật Cấp, thoát nước).
Ngày 17/5/2024 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 451/QĐ-BXD về Kế hoạch soạn thảo dự án Luật Quản lý phát triển đô thị. Đến nay, Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, gồm 07 Chương, 100 Điều, tương ứng với 07 nhóm nội dung về: (1) Những quy định chung; (2) Hệ thống đô thị, phân cấp, phân loại đô thị; (3) Chương trình phát triển đô thị, hệ thống đô thị và quản lý các khu vực phát triển hạ tầng đô thị; (4) Quản lý phát triển hạ tầng đô thị; (5) Quản lý phát triển không gian ngầm đô thị; (6) Trách nhiệm quản lý phát triển đô thị; (7) Điều khoản thi hành.